Trách nhiệm của nhà sản xuất đối với sức khỏe người tiêu dùng

Trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp sản xuất nước ngọt có ga không cồn đang bồn chồn vì Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo đó, lần đầu tiên nước ngọt có ga không cồn sẽ trở thành đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc với thuế suất 10%. Điều này đồng nghĩa với việc giá bán của loại mặt hàng này sẽ tăng lên so với hiện tại, và nhiều dự đoán cho rằng người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng các loại sản phẩm cùng loại không bị đánh thuế.

 

Nhìn bề ngoài thì có vẻ người tiêu dùng sẽ là đối tượng chịu thiệt hại trực tiếp khi Dự thảo này được thông qua, nhưng nếu xem xét một cách cặn kẽ thì chính các nhà sản xuất nước ngọt có ga mới là người bị ảnh hưởng về mặt lợi ích. Câu hỏi đặt ra là liệu các nhà sản xuất có chấp nhận hi sinh lợi ích của mình để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng hay không?

 

Đây không phải là lần đầu tiên lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng bị đưa lên bàn cân để đong đếm. Tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng đã và đang xảy ra ngày càng phổ biến. Để đạt được chỉ tiêu về doanh số bán hàng, các nhà sản xuất sẵn sàng bỏ qua những tác động xấu từ sản phẩm của mình đối với người tiêu dùng. Thay vào đó họ chú trọng vào khâu quảng cáo, maketing, xây dựng hình ảnh bắt mắt để thu hút sức mua. Chính vì vậy, một điều dễ hiểu là họ sẽ ra sức phản đối chính sách, pháp luật của Nhà nước nếu cảm thấy nó ảnh hưởng tới quyền lợi của mình. Bằng chứng là Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB vừa được Bộ Tài Chính đưa ra lấy ý kiến thì ngay lập tức, các nhà đầu tư nước ngoài vốn đang thống lĩnh thị trường nước ngọt có ga đã phản ứng mạnh mẽ.

 

Trong một hội thảo tại Hà Nội về ngành thực phẩm và đồ uống, ông Mark Gillin, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), cho rằng đề xuất này dựa trên “chứng cứ khoa học mơ hồ và động cơ không lành mạnh”.

 

Mặc dù chưa có bất kỳ một nghiên cứu nào chính thức phủ nhận tác hại của nước ngọt ca nhưng vị đại diện của AmCham đã khẳng định ngay nó “mơ hồ và có động cơ không lành mạnh”.

 

Sỡ dĩ như vậy là vì doanh nghiệp vốn nước ngoài chủ yếu là Coca-Cola và Pepsi đang nắm giữ thị trường nước ngọt có ga với thị phần 88%. Một khi Dự thảo luật được thông qua thì hệ quả có thể nhìn thấy ngay là sản lượng tiêu thụ nước ngọt có ga sẽ giảm đi một cách đáng kể, và họ cho rằng Việt Nam đang cố gắng tạo ra rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Theo khảo sát do Công ty nghiên cứu thị trường Epinion (Đan Mạch) vừa công bố, nếu giá bán nước ngọt có ga tăng lên thì đa số người tiêu dùng xác nhận sẽ chuyển sang sử dụng những sản phẩm nước giải khát đồng dạng khác. Điều này sẽ tác động tới toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất nước ngọt có ga do nhu cầu tiêu thụ nước giải khát có thể giảm dẫn đến doanh thu toàn ngành nước giải khát sẽ sụt giảm theo. Trước một thực tế “phũ phàng” như vậy, các nhà sản xuất đã tìm mọi cách để bày tỏ sự “quan ngại” sâu sắc.

 

Nhiều luận điểm phản đối vội vàng được đưa ra một cách bất hợp lý và có phần mang tính chủ quan. Các nhà sản xuất cho rằng khi nước ngọt có ga không cồn bị đưa vào danh mục chịu thuế TTĐB, người tiêu dùng sẽ chuyển sang uống rượu bia??? Hay giá nước ngọt tăng cũng giống như xăng lên giá, sẽ kéo theo sự tăng giá của nhiều mặt hàng khác, từ mớ rau muống cho đến các loại nước khác… Bi quan hơn, “các nhà nghiên cứu thị trường” đưa ra dự đoán khi sức tiêu thụ mặt hàng nước ngọt có ga sụt giảm sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy như doanh nghiệp cắt giảm sản xuất, việc làm, công nhân mất việc!!! Dù khác nhau ở cách tiếp cận nhưng tựu chung lại, các ý kiến phản đối đang cố hướng người tiêu dùng vào suy nghĩ nước ngọt có ga là loại mặt hàng thiết yếu chẳng khác gì sữa hay xăng dầu. Khi nó bị đánh thuế thì mọi thứ sẽ tăng giá theo và người tiêu dùng sẽ phải chịu gánh nặng từ thuế, và lẽ dĩ nhiên Quốc hội nên cần nhắc khi xem xét điều luật này.

 

Sự thật đằng sau những ý kiến phản đối trên là lợi ích của những tập đoàn khổng lồ, những “đại gia” trong ngành nước giải khát. Trong mắt họ điều quan trọng không nằm ở việc bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng mà nằm ở doanh số bán ra. Vậy trách nhiệm của các nhà sản xuất nằm ở đâu? Trước những cáo buộc về việc nước ngọt có ga có khả năng gây ra các căn bệnh nguy hiểm như ung thư thực quản, sỏi thận, béo phì,… nhà sản xuất không chủ động tiến hành các nghiên cứu khoa học để làm rõ, hạn chế những tác dụng không mong muốn trong sản phẩm hoặc chuyển sang sản xuất các sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Thay vào đó họ chỉ chăm chăm vào việc mình có thể bị tác động từ việc sức mua giảm!!!

 

Phải chăng người tiêu dùng đang đánh đổi sức khỏe của mình để mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất? Trước khi có những kết luận khoa học chính xác về tác hại của nước ngọt có ga không cồn, người tiêu dùng nên có cái nhìn bao quát, tránh bị các nhà sản xuất gây nhiễu với những ý kiến thiếu cơ sở. Để bảo vệ sức khỏe của mình và những người thân trong gia đình, người tiêu dùng cần có định hướng tiêu dùng của mình hợp lý, xây dựng chế độ ăn uống hợp lý.

 

Hoàng Thảo