Đầu năm 2011 vừa qua, rác tại thành phố Vinh ngập ngụa vì bãi rác cũ đã đóng cửa nhưng bãi rác mới thì chưa xong (Ảnh: Nguyễn Duy)
Bãi rác Đông Vinh đã quá tải và bốc mùi nồng nặc bay xa hàng km. Sau nhiều năm tồn tại trong lòng thành phố nó đã khiến người dân các xã Nghi Kim, Hưng Đông bức xúc và yêu cầu phải di dời bãi rác này ra khỏi đây. Sau nhiều lần gửi đơn và đối thoại trực tiếp với lãnh đạo thành phố, tỉnh họ đã nhận được lời hứa: Sẽ đóng cửa bãi rác Hưng Đông vào ngày 20/12/2010 sau đó lại gia hạn đến 31/12/2010.
Y hẹn, sáng ngày 31/12/2010 bãi rác Hưng Đông chính thức đóng cửa. Toàn bộ rác thải của thành phố được chở thẳng ra Khu liên hiệp xử lý rác thải xã Nghi Yên để đổ (cách thành phố Vinh khoảng 25km). Tuy nhiên, mới đổ được mấy xe rác thì đoàn xe của Công ty TNHH Môi trường đô thị bị người dân xung quanh khu vực bãi rác Nghi Yên ngăn lại với lý do: Các hố chứa rác chưa đủ điều kiện đảm bảo môi trường (chưa đổ bê tông sàn).
Sáng ngày 4/1/2011 chúng tôi có mặt tại bãi rác Nghi Yên. Đường vào bãi rác lầy lội bùn đất. Các hố chứa rác chưa được láng đáy. Lo sợ nguồn nước thải thẩm thấu vào đất và ngấm vào nước ngầm, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt nên người dân Nghi Yên phản đối không cho đổ rác tại đây. Kể từ thời khắc đó, rác trên các tuyến phố tại thành phố Vinh bị ứ đọng, rác chất cao như núi khiến cảnh quan đô thị trở nên nhem nhuốc, nhếch nhác...
Người dân thành phố khốn đốn vì rác. Công ty môi trường đô thị và UBND thành phố chạy đôn chạy đáo tìm cách giải quyết. Trước tình hình đó, Công ty TNHH Môi trường đô thị thành phố gửi văn bản nhờ Tỉnh tháo gỡ. Để giải quyết rác trong thời gian sớm nhất, ngày 5/1/2011 UBND tỉnh đã có công điện khẩn số 01 gửi UBND thành phố Vinh và UBND xã Hưng Đông yêu cầu làm việc với các hộ dân sống xung quanh khu vực bãi rác Đông Vinh để tiếp tục đổ rác tại đây cho đến ngày 20/1/2011.
Lãnh đạo thành phố và đại diện Cty Môi trường đô thị đã có 10 buổi làm việc với người dân Hưng Đông để được tiếp tục đổ rác tại đây cho đến ngày 20/1/2011 nhưng vẫn không lay chuyển được ý kiến của người dân xung quanh bãi rác Hưng Đông. Thậm chí người dân còn lập chốt để ngăn không cho xe chở rác của Công ty môi trường đô thị vào bãi rác bất chấp mưa rét. Kết quả là rác vẫn ngập tràn thành phố.
Vin vào lời hứa của các cơ quan chức năng, người dân Hưng Đông cũng nhất quyết không cho Công nhân Công ty môi trường đô thị đổ rác tại bãi cũ. "Tp và Tỉnh đã hứa với chúng tôi rồi thì không thể nuốt lời được. Phải đấu tranh rất nhiều chúng tôi mới đẩy được bãi rác đi nơi khác nên không nhân nhượng để cho tiếp tục đổ rác tại đây. Còn tỉnh giải quyết chuyện ứ đọng rác thải như thế nào thì đó là chuyện của tỉnh", một người dân cho biết.
Không thể đổ rác ở hai nơi này, công nhân môi trường đô thị đành phải gom rác và để ngay các trục đường chờ các cơ quan chức năng giải quyết. Những ngày đầu tiên, rác còn được tập kết trên các xe gom nhưng mấy ngày tiếp theo khi lượng rác lên tới hơn 100 tấn, rác đành được đổ xuống các vệ đường, các điểm giao nhau giữa các trục đường trong thành phố. Tại nhiều điểm đường, lượng rác khổng lồ tràn xuống chiếm gần một nửa lòng đường như trên đường Lê Hồng Phong, Minh Khai, Trần Phú (khu vực trước cổng bệnh viện thành phố)...
Trong khi đó, Khu liên hợp xử lý rác thải tại xã Nghi Yên chưa được đổ bê tông lót đáy nhưng vẫn cho xả rác và đã bị nhân dân phản đối... khiến cho thành phố Vinh những ngày đầu năm 2011 lúng túng trong xử lý rác thải....
Sau nhiều nỗ lực của lãnh đạo thành phố, ngày 9/1/2011, người dân mới đồng ý cho gia hạn thời gian đóng cửa bãi rác Đông Vinh. Lần này người dân không còn tin vào lời hứa của chính quyền nữa mà yêu cầu thành phố phải ký cam kết với từng nhà là chỉ đổ rác tại đây đến ngày 20/1/2011. "Tỉnh đã có văn bản gửi thành phố về việc đóng cửa vào ngày 31/21/2010 nên thành phố mới hứa với dân. Bây giờ sự thể xảy ra thế này người dân Hưng Đông cho rằng chúng tôi đã thất hứa" - ông Lê Quốc Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh cho biết.
Được biết, Khu liên hợp xử lý rác thải Nghi Yên khởi công vào năm 2002 với diện tích 53ha, vốn đầu tư ban đầu là 56 tỷ đồng (hiện nay số vốn xây dựng khu liên hợp này đã lên tới 96 tỷ đồng). Theo kế hoạch là đến tháng 9/2009 khu liêp hợp này sẽ được đưa vào sử dụng để thay thế cho bãi rác thải Hưng Đông. UBND tỉnh đã phải 3 lần gia hạn tiến độ nhưng đến nay Khu liên hợp xử lý rác thải Nghi Yên vẫn chưa thể hoạt động được. Nếu sau ngày 20/1/2011 bãi rác Nghi Yên vẫn chưa thể hoạt động được nguy cơ ứ đọng rác thải lần nữa có tiếp diễn?
Việc giải quyết tình trạng ứ đọng rác thải trong thành phố đã được giải quyết. Nhưng cái khiến dư luận nhân dân băn khoăn nhiều nhất chính là lời hứa của các cơ quan chức năng đối với nhân dân đã không được thực hiện. Lời hứa này không được thực hiện xuất phát từ cách làm quan liêu của cán bộ thành phố và cán bộ tỉnh. Tìm hiểu từ Công ty TNHH Môi trường đô thị thành phố chúng tôi được biết, sau khi bãi rác Hưng Đông được đóng cửa, được sự cho phép của UBND tỉnh họ mới đưa rác ra bãi rác Nghi Yên để đổ. Lý do khiến người dân phản đối là do chỗ đổ rác được tỉnh cho phép này chưa hoàn thiện!
Bãi rác chưa đủ điều kiện đảm bảo môi trường nhưng không hiểu sao tỉnh vẫn đồng ý cho Công ty môi trường đô thị đổ rác tại đây? Tỉnh không biết hay biết nhưng vẫn cố tình "lờ" đi? Phải chăng trước khi đồng ý cho Công ty môi trường đô thị đổ rác tại đây, tỉnh không kiểm tra để xem các hố đổ rác có đảm bảo hay không? Sự việc này sẽ không được phát hiện nếu như người dân Nghi Yên không bức xúc với cách làm "ăn xổi ở thì" này.
Việc đóng cửa bãi rác gây ô nhiễm để đi gây ô nhiễm ở một nơi khác liệu có tác dụng lâu dài hay không?. Tại sao bãi rác Nghi Yên chưa thể đi vào hoạt động đã vội vàng hứa với dân để rồi bây giờ lại quay ra "thương lượng" gia hạn tập kết rác tại bãi cũ. Trước khi yêu cầu người dân tạo điều kiện để giải quyết tình trạng ứ đọng rác thải thành phố hiện nay cần làm rõ trách nhiệm của bên thi công Khu liên hợp xử lý rác thải Nghi Yên và trách nhiệm của những người cho phép đổ rác tại đây khi các hố rác vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Hành động của những người dân xung quanh khu vực bãi rác Hưng Đông không phải là không có lý. Chính quyền đã hứa với dân thì phải chịu trách nhiệm về lời hứa của mình. Đó cũng là bài học cho những người làm lãnh đạo hiện nay.
Hoàng Lam - Tuệ Anh