Pháp luật quy định như thế nào về việc cử người đại diện khiếu nại

Bạn đọc hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết pháp luật quy định như thế nào về việc cử người đại diện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 29 Luật Tiếp công dân. Cụ thể như sau:

Khi nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung tại nơi tiếp công dân thì người tiếp công dân yêu cầu những người này phải cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với người tiếp công dân (sau đây gọi chung là người đại diện). Người đại diện phải là người khiếu nại, người tố cáo, người kiến nghị, người phản ánh. Việc cử người đại diện phải thể hiện bằng văn bản có chữ ký của tất cả những người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Trường hợp có từ 5 đến 10 người thì cử 1 hoặc 2 người đại diện; trường hợp có trên 10 người thì có thể cử thêm người đại diện, nhưng không quá 5 người. Người đại diện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của việc đại diện và văn bản cử người đại diện.

* Bạn đọc Trần Văn Sáu ở xã Trung Chính, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, hỏi: Các trường hợp không xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 7 Nghị định số 122/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, các trường hợp không xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa khi thành viên trong gia đình vi phạm một trong các trường hợp sau:

1. Bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

 2. Không hoàn thành nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ nộp thuế.

 3. Bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường.

 4. Có tảo hôn hoặc hôn nhân cận huyết thống.

5. Có bạo lực gia đình bị xử phạt hành chính.

6. Mắc các tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm, trộm cắp, tổ chức đánh bạc hoặc đánh bạc.

7. Tham gia tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Theo www.qdnd.vn