Nhà cổ, nhà cũ!

(Dân trí) - Bảo tồn nhà cổ là một nhu cầu, một ứng xử văn hóa, lịch sử cần thiết cho con người. Nhưng cũng cần phân biệt rạch ròi: bảo tồn nhà cổ và cải tạo, xây mới nhà cũ. Ngay chính những căn nhà cổ, cũng cần phân biệt cái nào có là có giá trị “đặc trưng”, “hiếm quý” cần bảo tồn hay không.

Thế nào là nhà cổ, phố cổ?

Chúng ta ai cũng biết, nhà cổ không đơn thuần là nhà cũ, lâu năm, mà nó phải hàm chứa những dấu ấn lịch sử, văn hóa, kiến trúc …

Theo tiêu chí của ngành bảo tồn di tích, để được gọi là nhà cổ dân gian thì ít lắm cũng phải có các yếu tố cơ bản: trên 100 tuổi, có phong cách kiến trúc tiêu biểu, có dấu ấn lịch sử, dân gian truyền thống. Ví dụ: Kiến trúc cung đình, lối kết cấu nhà rường Huế, kiến trúc nhà gỗ Hội An, nhà đá ong Đường Lâm .v.v... .

Do đó, nếu không có những ngôi nhà rường thì cố đô Huế sẽ mất đi nét đẹp tiêu biểu, đặc trưng; nếu không có những dãy nhà gỗ nằm kề nhau thì Hội An rất khó mời gọi du khách, khó được ghi tên trên bản đồ di sản thế giới và nếu không có những ngôi nhà đá ong độc đáo thì không có làng cổ Đường Lâm được nhiều người biết tiếng hiện nay…


Nhà cổ tại Hội An luôn thu hút du khách.

Nhà cổ tại Hội An luôn thu hút du khách.

Suy cho cùng, dù kiến trúc, vật liệu xây dựng có khác nhau, nhưng những ngôi nhà cổ ở khắp ba miền đất nước đều là những hiện vật trực quan phản ánh khả năng lao động, sáng tạo, trí tưởng tượng, xu hướng thẩm mỹ của các thế hệ tiền nhân trong quá trình phát triển.

Làm gì để bảo tồn những ngôi nhà cổ

Ngay cả những căn nhà cổ, làng cổ, phố cổ đã được xếp hạng di tích, việc duy tu bảo tồn còn hạn chế vì hai lý do chính:

Một là: Kinh phí tài chánh eo hẹp, đây là lý do chính đối với các nước chưa giàu như Việt Nam chúng ta. Ở Hội An, nhà cổ là di sản văn hóa thế giới, nên việc tiếp du khách đến viếng thăm cũng là “miếng cơm, manh áo” cho cư dân tại chỗ. Do đó, họ mong muốn căn nhà của mình được bảo tồn nhưng lại gặp khó về kinh phí. Theo ông Võ Đăng Phong, Phó Giám đốc TT Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, thì từ khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới đến nay, Hội An chỉ gần 200 nhà cổ được tu bổ, chống xuống cấp, còn lại vẫn rất nhiều

Hai là: Nhu cầu cải tạo, xây mới nhà cửa của cư dân. Thường căn nhà cổ cũng chính là căn nhà người dân đang sinh sống, và họ có nhu cầu chính đáng là phải cải tạo, xây mới, “hiện đại hóa” các tiện nghi cho phù hợp cuộc sống. Ở làng cổ Đường Lâm, khi chính quyền địa phương lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận ngôi làng là di sản văn hóa thế giới, nhiều hộ dân trong làng muốn trả lại danh hiệu, lý do là nếu được danh hiệu di sản thế giới đồng thời sẽ không được phép cải tạo, sửa chữa nhà.


Việc bảo tồn nhà cổ tại làng Đường Lâm gặp nhiều khó khăn.

Việc bảo tồn nhà cổ tại làng Đường Lâm gặp nhiều khó khăn.

Do đó, bảo tồn nhà cổ cần được gắn kết giữa ý thức, trách nhiệm và quyền lợi của người dân. Nhiều địa phương nỗ lực tìm cách giữ vốn cổ bằng cách bố trí quỹ đất để giãn dân phố cổ sang các khu đô thị mới. Trung ương cũng có hỗ trợ các địa phương tu bổ nhà cổ… Tuy nhiên, hỗ trợ thường quá ít so với nhu cầu, GS.KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng, phương án lâu dài là bảo tồn song hành với phát triển. Theo GS Kính nên coi nhà cổ, phố cổ, làng cổ là di sản kiến trúc đô thị hay nông thôn đang phục vụ cuộc sống, mà không coi là di tích vì di tích là đối tượng của bảo tồn nguyên trạng, mọi sự trùng tu nhằm mục đích bảo lưu cái gốc, không thể bị thay thế. Theo nhận thức này thì nhà cổ, làng cổ, phố cổ có thể cải tạo cho phù hợp với cuộc sống hiện đại, còn vóc dáng được giữ nguyên. Và người được hỗ trợ, vay vốn ưu đãi để giúp họ lấy di sản nuôi di sản.

Đôi điều bàn luận

Bảo tồn nhà cổ là một nhu cầu, một ứng xử văn hóa, lịch sử cần thiết cho con người. Nhưng cũng cần phân biệt rạch ròi: bảo tồn nhà cổ và cải tạo, xây mới nhà cũ. Ngay chính những căn nhà cổ, cũng cần phân biệt cái nào có là có giá trị “đặc trưng”, “hiếm quý” cần bảo tồn hay không.

Với những căn nhà cũ, lâu năm, không có giá trị “cổ”, không cần bảo tồn thì dứt khoát phải xây mới lại. Những căn nhà kiểu này với kết cấu đã xuống cấp, hạn dùng vật liệu đã hết, nếu tiếp tục sử dụng sẽ nguy hiểm cho con người. Những vụ sập chung cư, biệt thự xưa cũ ở nhiều tỉnh thành vừa qua minh chứng cho điều đó. Ngay ở cả các nước phát triển người ta cũng phải loại bỏ những công trình “quá đát” để lấy quỹ đất cho những mô hình tiên tiến hơn.

Từ giữa thế kỷ 19, thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, và nơi đầu tiên là Đà Nẵng. Hiện nay ở thành phố “đáng sống” miền Trung này còn khá nhiều nhà, biệt thự cổ kiểu Tây. Theo tôi, với các công trình kiến trúc cổ kiểu Pháp này, chúng ta cần có những đánh giá, phân loại và quy hoạch cụ thể: công trình nào cần lưu lại để làm dấu ấn lịch sử phát triển thành phố, công trình nào cần cải tạo, chuyển đổi, khai thác hợp lý theo sát công năng hiện tại. Có như thế mới sử dụng, khai thác, phát huy hiệu quả, bảo tồn giá trị của di tích. Nếu cứ cố chạy theo mới, to, cao, hiện đại không khéo chúng ta tự “nhổ” mất cái gốc văn hóa kiến trúc của mình.

TS. Trần Bá Thoại