Nghề khấn thuê

Đi Chùa, lễ Phật, cầu xin phúc lộc, may mắn là sự hướng về cái thiện, từ`bỏ tà tâm rất đáng quý của mỗi người. Và trong những năm gần đây, dịch vụ cúng thuê, lễ mướn đã thành một "nghề" và đang rất thịnh hành ở chốn linh thiêng.

Ở hầu hết các đền, chùa lớn vào những ngày sóc, vọng, lễ tết... đều có những bà tầm trung tuổi ngồi ở những ban chính để khấn thuê cho những phật tử không biết khấn vái, kêu cầu. Nhất là vào những ngày đầu năm mới, là tháng của lễ hội, chùa chiền.
 
Khách đi lễ chùa đang nhờ người khấn hộ trước ban cộng đồng.
Khách đi lễ chùa đang nhờ người khấn hộ trước ban cộng đồng.

Tại các chùa, đền nổi tiếng gần Hà Nội như chùa Bia Bà La Khê, chùa Hương, Chùa Thầy, đền Bà Chúa Kho, đền Trần... đều thấy sự hiện diện của họ. Ngoài ra các bà khấn thuê này còn kiêm luôn cả việc xóc thẻ, giải thẻ, xin âm dương cho người đi lễ. Mỗi lần khấn hộ như thế, gia chủ sẽ phải trả công khấn ít nhất là 20.000 - 50.000 đồng hoặc tùy tâm. Và cũng chỉ ở đây thì nghề... lạ này mới có "đất dụng võ" để kiếm tiền ngay chốn linh thiêng ở nơi cửa Phật.

Vốn không thường xuyên đi chùa nên chị Hà không thạo việc khấn vái cho lắm. Mặc dù thành tâm lễ phật nhưng vào chùa chị tuyệt nhiên không thể nào phân biệt được ban này thờ ai, ban kia thờ vị nào, phải kêu cầu như thế nào chị cũng không rành. Vậy nên, một năm đôi ba lần vào những ngày đầu xuân, rằm tháng Giêng, rằm tháng 7... cứ đi chùa là chị tìm đến chỗ mấy bà khấn thuê, để nhờ khấn hộ.

Nhiều trường hợp khác đi lễ là những người trẻ, những người ít khi tiếp xúc, thậm chí là chưa từng biết đến những bài khấn Nôm. Do tâm linh, cũng là do tâm lý, người ta nghĩ rằng: Nếu như khấn cúng một cách bài bản, trôi chảy thì lộc sẽ đến dễ dàng hơn! Không có gì để kiểm chứng cho điều này, nhưng vô hình trung họ tin rằng: Cúng khấn bài bản, có đầu có cuối cũng coi như thành tâm và họ thấy yên tâm khi tâm nguyện của mình đã được một người chuyên nghiệp cầu giúp.

Theo anh Nguyễn Văn Chung (Thanh Trì, Hà Nội), một tín đồ của đền Bà Chúa Kho cho biết: "Mình là đàn ông, chỉ biết mải mê làm ăn cũng không rành chuyện khấn lễ. Đến đây có dịch vụ cúng khấn hộ cũng thấy tiện cho mình".
 
Vào những dịp đầu xuân, cuối năm lượng khách đến cầu xin đền Bà Chúa Kho rất đông.
Vào những dịp đầu xuân, cuối năm lượng khách đến cầu xin đền Bà Chúa Kho rất đông.

Tại chùa Bia Bà La Khê (quận Hà Đông, Hà Nội) là di tích lịch sử xếp hạng cấp quốc gia. Nơi đây được coi là linh thiêng nên hằng ngày có rất đông khách thập phương đến lễ cầu lộc, nhất là những ngày rằm, mồng 1 thì người đến chùa Bia Bà đông nghịt.

Hôm rằm tháng chạp âm lịch vừa rồi cùng với bạn bè tới chùa Bia Bà để cầu lộc, vừa vào tới cổng chị đã được ngay một bà cụ "tiếp thị": "Cô có cần cầu khấn điều gì thì để già này kêu giúp cho. Kêu cầu cũng phải đúng cách thì mới thấu đến trời Phật đấy!".

Nghe thấy cụ già bảo thế, chị Hoàng đồng ý luôn. "Mình người trần mắt thịt, vào chùa dù có nhìn thấy ở một số ban có biển đề thờ vị thân nhưng cũng không biết phải khấn thế nào. Chỉ sợ khấn sai các ngài lại của phạt cho thì khổ...nên cứ nhờ người ta cho chắc ăn", chị Hoàng tâm sự.

Vào những ngày rằm và mùng một tại các đình, đền, chùa khách đến lễ đông nên các bà khấn thuê rất đông khách, không hết việc. Những người này chỉ cần thuộc một vài bài khấn thơ Nôm trong sách biến tấu một chút và thay tên đổi họ, sắp xếp lại trật tự các câu từ phù hợp là có thể hành nghề "cúng" ra tiền.

Như vậy, chính từ tâm lý của nhiều người, do không quen thậm chí là ngại cúng khấn nên họ mong muốn có được người khấn chuyên nghiệp, bài bản để giúp họ truyền tải tâm nguyện đến tai thần thánh được tốt hơn. Vì thế, đâu đó trong hàng ngàn người đến cửa đền, cửa chùa để cầu xin lộc sẽ có những người xác định "sinh tử" với cúng thuê, lễ mướn như một... nghề chuyên nghiệp.

Theo Nguyễn Hoan
(Petrotimes)