Gác lại tất cả, nhiều người xung phong vào "điểm nóng" chống dịch Covid- 19

Trọng Trinh

(Dân trí) - Được công ty đồng ý cho mang xe cứu thương vào tâm dịch Bắc Giang hỗ trợ chống dịch, anh Trí giấu bạn gái cứ thế lẳng lặng lên đường ngay trong đêm.

Lần thứ 4 đại dịch Covid- 19 quay trở lại Việt Nam với diễn biến phức tạp gấp nhiều lần trước đó như tốc độ lan nhanh hơn, biến chủng vi rút nguy hiểm hơn. Điều này được thể hiện rõ ở những con số thống kê về số lượng bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, số lượng tỉnh, thành phố có người nhiễm bệnh tăng lên từng ngày.

Cả nước đang căng mình chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc", dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ cùng sự đồng lòng của người dân cả nước, đến thời điểm này dịch Covid- 19 vẫn đang trong tầm kiểm soát.

Những dấu hiệu tích cực đến từ tâm điểm của đại dịch như: nhiều nhà máy, công ty nằm trong các KCN ở Bắc Giang đã hoạt động trở lại; công nhân trong các KCN được tiêm vacxin phòng bệnh; nhiều tỉnh thành đã trải qua 14 ngày không có ca mắc mới.

Gác lại tất cả, nhiều người xung phong vào điểm nóng chống dịch Covid- 19 - 1

Hình ảnh nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch Covid-19, xét nghiệm lấy mẫu xuyên đêm, mệt mỏi ngủ gục tại chỗ.

Để có được thành quả đó chúng ta cần phải biết ơn đến những "chiến sĩ" trên tuyến đầu chống dịch. Nhiều hình ảnh cảm động đã chạm tới đáy lòng của mỗi người dân Việt Nam: Nhân viên y tế làm việc kiệt sức đến ngất xỉu; mặt mũi, chân tay nhăn nheo biến dạng vì cả ngày khoác trên mình bộ trang phục bảo hộ; rồi những lần chợp mắt vội vàng bên hành lang hay trong phòng làm việc của đội ngũ y tế... đã lấy đi nước mắt của không ít người.

Với tinh thần hướng về "chảo lửa" Bắc Giang, nhiều tỉnh thành lân cận hiện đang chưa có dịch, hoặc kiểm soát được tình hình dịch bệnh, đã cử cán bộ, nhân viên y tế đến trợ giúp.

Cũng trên tinh thần đó, nhiều cá nhân đã tạm gác lại tất cả để "xung phong" cùng tham gia chống dịch cùng nhân dân tỉnh Bắc Giang, từ bác sĩ đã nghỉ hưu, hay người còn nuôi con mọn, đến anh lái xe cứu thương...

Gác lại tất cả, nhiều người xung phong vào điểm nóng chống dịch Covid- 19 - 2

Bác sĩ Nguyễn Văn Trang (78 tuổi, ngụ thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) viết đơn tình nguyện vào tâm dịch Bắc Giang hỗ trợ chống dịch.

"Là một bác sĩ nghỉ hưu, tôi nhận thấy tinh thần minh mẫn sáng suốt, thể lực an khang, sức khỏe A1. Suốt nhiều năm công tác, tôi từng làm Trưởng khoa Nhi, Trưởng khoa Tổng hợp Nội, Nhi lây Đông y. Tôi muốn gia nhập đoàn quân áo trắng (đồng nghiệp của tôi) bằng tâm huyết cao, mong về già còn làm thêm được việc có ích cho xã hội".

Đây là một phần nội dung lá đơn tình nguyện ra Bắc Giang chống dịch Covid- 19 của bác sĩ Nguyễn Văn Trang (78 tuổi, ngụ thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An).

Cảm kích trước tinh thần của bác sĩ Trang, nhưng vì tuổi cao, sức khỏe có hạn, chính quyền địa phương không thể cử bác đi được. 

Gác lại tất cả, nhiều người xung phong vào điểm nóng chống dịch Covid- 19 - 3

Bác sĩ trẻ Đặng Minh Hiệu, hiện công tác tại khoa gây mê hồi sức Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cạo tóc trước khi vào tâm dịch.

Bác sĩ trẻ Đặng Minh Hiệu, hiện công tác tại khoa gây mê hồi sức - Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, trước khi lên đường chi viện cho tâm dịch Bắc Giang, đã cạo đi mái tóc của mình để gọn gàng hơn, thuận lợi cho việc chăm sóc bệnh nhân.

"Tôi mong đến ngày có lệnh điều động để bản thân có thể thực hiện được lý tưởng của tuổi trẻ, được cống hiến phần nào sức mình cho cuộc chiến chống đại dịch, sớm trả lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Và hôm nay tôi đã đạt ý nguyện ấy", bác sĩ trẻ sinh năm 1993 chia sẻ trước giờ lên đường làm nhiệm vụ ở tâm dịch Bắc Giang.

Gác lại tất cả, nhiều người xung phong vào điểm nóng chống dịch Covid- 19 - 4

Anh Đặng Minh Trí (24 tuổi, quê Quảng Bình) đã đến TP Bắc Giang sau khi vượt quãng đường hơn 500km từ TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình với mong muốn giúp sức cho ngành y tế Bắc Giang chống dịch.

Anh Đặng Minh Trí (24 tuổi, quê Quảng Bình) là một lái xe cứu thương ngoại tỉnh, sau khi thấy bài đăng về việc tỉnh Bắc Giang cần hỗ trợ nguồn lực cả về vật chất và tinh thần trên mạng xã hội, ngay lập tức, anh đề xuất với Ban Giám đốc Công ty để đến Bắc Giang hỗ trợ chống dịch.

"Mình nghe tin Bắc Giang đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid- 19. Ngày 21/5, mình làm đơn tình nguyện rồi đề xuất với công ty để mượn 1 chiếc xe cứu thương trong đội xe, đến Bắc Giang hỗ trợ các cán bộ, chiến sĩ tuyến đầu chống dịch", anh Trí nói.

Được sự đồng ý của công ty, anh Trí chỉ thông qua cho gia đình biết chuyện, anh còn chẳng trao đổi việc này với bạn gái, cứ thể lẳng lặng lên đường trong đêm.

Hay nữ điều dưỡng Võ Thị Hoài Thương, SN 1984, là một trong số 10 y bác sĩ từ Thành phố Đà Nẵng được cử đi giúp sức cho ngành y tế tỉnh Bắc Giang. Đây là lần thứ hai nữ điều dưỡng này xung phong vào tâm dịch. Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ 4, chị Thương đã chuẩn bị sẵn tâm thế xung phong vào tâm dịch nếu cần chi viện.

Điều dưỡng Võ Hoài Thương có hoàn cảnh gia đình rất đặc biệt, chồng chị qua đời hơn 10 năm trước vì bệnh hiểm nghèo, một mình chị nuôi con gái ăn học. Thời điểm dịch bệnh bùng phát, con gái phải ở nhà học online, ôn thi lớp 10 mà chị lại bận công việc nên đã gửi con về nhà ngoại ở Quảng Nam.

Gác lại tất cả, nhiều người xung phong vào điểm nóng chống dịch Covid- 19 - 5

Hình ảnh đầy xúc động của bé Kem khi nhìn thấy mẹ mình trên tivi thông qua một chương trình của đài truyền hình.

Mới đây hình ảnh một bé gái khóc nức nở khi nhìn thấy mẹ mình trên tivi đã lan truyền khắp nơi, thậm chí nhiều kênh truyền hình nước ngoài cũng đưa tin hình ảnh xúc động đó.

Người mẹ trên truyền hình đó là chị Hạnh, một trong những bác sĩ của Bệnh viện 103 đi tăng cường chống dịch ở Bắc Giang. Con gái chị là bé Kem, lúc chị đi làm nhiệm vụ cô con gái bé bỏng mới được 20 tháng tuổi.

Tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, mong rằng các y bác sĩ, những người dân tình nguyện vào tâm dịch luôn vững tâm, cố gắng bảo vệ sức khỏe cho bản thân để làm tốt nhiệm vụ. Tất cả mọi người đều đang hướng về tâm dịch với mong muốn đại dịch sớm qua đi, để những "chiến sĩ" trên tuyến đầu chống dịch mau chóng được trở về, tìm kiếm phút giây nghỉ ngơi bên gia đình, người thân.