Đáp án môn Văn khối C chưa chuẩn xác?
Kết thúc kì thi tuyển sinh ĐH đợt II, đề thi môn Văn được đánh giá tốt, đáp ứng được yêu cầu tuyển sinh, đặc biệt đề Văn khối C được xem là hay, có sáng tạo. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy câu III.b (phần tự chọn) có đáp án chưa thuyết phục.
Câu hỏi của đề thi như sau: III.b, “Trong tác phẩm “Một người Hà Nội”, vì sao tác giả Nguyễn Khải lại gọi nhân vật bà Hiền là “hạt bụi vàng của Hà Nội”?
Đáp án của Bộ GD-ĐT đã chứng minh bà Hiền là con người thể hiện “vẻ đẹp và chiều sâu văn hoá của người Hà Nội” qua các biểu hiện như “giản dị mà lịch lãm”, “sống tốt, sống đẹp ở mọi thời”, “khôn ngoan mà tự trọng, thức thời mà chu đáo, linh hoạt mà trung thực, đôn hậu mà bản lĩnh, trọn vẹn cả việc nước việc nhà…”…
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Tuy nhiên điều đáng tiếc là đề thi không nêu ra các dẫn chứng cụ thể để minh chứng. Không biết các thí sinh phải nêu ra những dẫn chứng gì thì được chấp nhận? Bởi vì đó là yêu cầu bắt buộc. Phải chăng là các biểu hiện như làm hoa giấy rất đẹp để bán, gia đình bà và bạn bè thường tổ chức một bữa ăn theo lối thượng lưu, cách bài trí phòng khách theo kiểu quí tộc…
Những người đã đọc kỹ truyện hay ít ra là đọc một cách bình thường chắc hẳn sẽ không đồng tình với nhận định của tổ ra đề, hoặc ít ra cũng có thêm những suy nghĩ khác.
Chúng tôi xin nêu ra những chi tiết cụ thể liên quan đến nhân vật để mọi người cùng xem xét. “Cô tôi cau mặt gắt: “Phải gọi là anh Khải, hiểu chưa?” (nói với con). “Tao chưa đủ tiêu chuẩn… Tao có bộ mặt rất tư sản…”, “Một đời tao chưa từng bị ai cám dỗ”, “Mày bắt nạt vợ mày quá”(nói với tác giả là cháu), “Chúng mày là người Hà Nội…” (với các cháu). Và đây là cách bà nói với chồng: “Ông có đứng máy được không?”… “Ông có sắp chữ được không?”… “Ông sẽ phải thuê thợ chứ gì? Đã có thợ tất có chủ, ông muốn làm một ông chủ dưới chế độ này à?”. Thật gay gắt, chẳng khác gì bà chủ truy vấn người dưới. Một người ăn nói như thế, nếu nhận xét là “lịch lãm”, tiêu biểu cho vẻ đẹp “thanh lịch” của người Tràng An e rằng không tránh khỏi khiên cưỡng?
Đáp án của Bộ còn nêu bà Hiền là người “sống tốt, sống đẹp ở mọi thời”, “trọn vẹn cả việc nước việc nhà” phải chăng muốn nói bà là người “thiết tha yêu nước” như nhận định của SGV? Chúng tôi xin “cụ thể hóa” cho nhận xét của đáp án như sau: Sau kháng chiến chống Pháp, Chính phủ có chủ trương xóa bỏ áp bức bóc lột, xuất phát từ lí tưởng nhân đạo, vận động người dân không nuôi người hầu, người ở trong nhà. Thế nhưng bà Hiền vẫn giữ người hầu trong nhà! Lúc đó, Chính phủ có chủ trương sung công một số tài sản của thành phần tư sản. Bà Hiền vốn giàu có, có hai cơ ngơi và đã rất khôn ngoan bán trước đi một ngôi nhà để bảo toàn túi tiền của mình. Dĩ nhiên làm thế không phải là xấu, song nếu so với việc làm của hàng vạn người dân trong Tuần lễ vàng và Quĩ độc lập (đã sẵn sàng hiến những tài sản quí giá nhất cho chính phủ trong buổi lập quốc khó khăn) hay vô số biểu hiện yêu nước của người dân trong chiến tranh thì hành vi ấy quả là tầm thường! Làm sao có thể coi người có hành vi ấy là “sống đẹp” được?
Có lẽ nhóm tác giả ra đề muốn nhắc đến việc bà Hiền đồng ý cho con đi bộ đội đánh giặc? Việc ấy là nghĩa vụ thiêng liêng của thanh niên trong thời chiến, do đó trở thành phổ biến đối với mọi gia đình, nếu ai không cho con đi bộ đội cũng đồng nghĩa với việc chống lại việc thực hiện nghĩa vụ công dân, không thể vin vào hành động ấy để chứng minh cho biểu hiện “sống đẹp” hay “trọn cả việc nước việc nhà” thì quả là thiếu thuyết phục.
Chúng tôi thừa nhận bà Hiền đúng là con người “khôn ngoan, thức thời, linh hoạt, bản lĩnh…” như đáp án đã nêu nhưng như vậy không có nghĩa là con người ấy có “phẩm giá đã thành bản sắc Hà Nội, thành truyền thống của người Hà Nội nghìn năm văn hiến”. Liệu Hà Nội nghìn năm văn hiến hay bản sắc Hà Nội có bao nhiêu phần trăm biểu hiện trong nhân vật bà Hiền?
Xin mạo muội thưa cùng các thành viên trong tổ ra đề Văn của Bộ rằng, khi đọc tác phẩm người đọc sẽ nắm rõ mọi chi tiết, và từ tất cả các chi tiết trong truyện để có một hình dung khái quát về nhân vật. Nhận định chính xác về nhân vật chỉ có thể có được từ các chi tiết cụ thể, từ một cái nhìn toàn vẹn, chân thực, chứ không phải từ cách nhìn nhận một chiều, từ suy luận có tính áp đặt hay suy diễn. Không nên nhận xét nhân vật theo kiểu nêu ra một ý kiến rồi “ép” nhân vật vào khuôn ấy, khiến cho nhân vật biến dạng không còn là mình nữa.
Tóm lại, nhân vật bà Hiền tuy không phải là người xấu nhưng không phải là người có trái tim sôi nổi, nồng nàn yêu nước, biết chia sẻ với Tổ quốc trong hoàn cảnh khó khăn, có sự xúc động, đồng cảm trước nỗi đau của con người… ăn nói thì gay gắt, trịch thượng, bản tính cứng rắn, ít tình cảm… Nhân vật không gợi lên sự kính phục, yêu thương. Đó là cảm nhận của chúng tôi và nhiều em học sinh sau khi đọc truyện. Chúng tôi rất lấy làm lạ khi SGV cứ một mực ca ngợi nhân vật, và đề thi đại học nhiều năm cũng cứ yêu cầu như thế.
Như vậy, “vấn đề” của đề thi nằm ở chỗ hình tượng nhân vật này không mấy thuyết phục, bản chất của nhân vật không phù hợp với nhận xét (luận đề) mà đề bài nêu ra cũng như nội dung chính của đáp án. Theo chúng tôi, đáp án của Bộ còn gượng gạo, xa rời với ý nghĩa đích thực của hình tượng.
Trần Quang Đại
(Giáo viên trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh)
LTS Dân trí - Bài viết nói trên của một thầy giáo dạy văn là những ý kiến đáng lưu ý bởi những dẫn chứng xác đáng đã được nêu ra. Dù đây không phải là khuyết điểm lớn nhưng cũng làm ảnh hưởng đến tính chuẩn mực của một đề văn cho khối C, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang xúc tiến chuẩn bị mọi mặt để tiến tới Ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, việc chọn một nhân vật văn học tiêu biểu cho “vẻ đẹp và chiều sâu văn hóa của người Hà Nội” là một việc làm cần cân nhắc thận trọng hơn.
Chúng tôi nghĩ rằng đấy là thiếu sót không nên bỏ qua, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để nâng cao hơn nữa tính tư tưởng cũng như tính thẩm mỹ và sự chuẩn xác của đề thi và đáp án các môn thi đại học.