Nam Định:

Có uẩn khúc trong thảm án vì tình tay ba với thiếu nữ

Những tưởng, 7 tháng trôi qua nỗi đau mất con đã nguôi ngoai trong lòng vợ chồng chị Nguyễn Thị Sim và anh Nguyễn Văn Kỳ (xã Yên Tiến, huyện Ý Yên). Nhưng trong phiên tòa ngày 21-2-2012 tại Toà án tỉnh Nam Định, dường như nỗi đau đó ngày một khoét sâu hơn trong tâm can họ.

Ngoài nỗi đau vì mất một lúc hai đứa con, bố mẹ của nạn nhân còn phẫn uất vì những điểm mấu chốt của vụ án không được làm sáng tỏ…

Nỗi đau vẫn buốt như vết máu tươi

Đúng tám giờ sáng phiên tòa mới bắt đầu nhưng gia đình của bị hại đã đến từ rất sớm, tập trung trong sân tòa án. Bưng bát hương vẫn còn bốc khói nghi ngút, chị Sim kêu gào thảm thiết: “Trả lại con cho tôi. Chỉ trong chớp mắt mà mất hai đứa con. Có ai khổ như tôi không hả giời? Các người mà không làm sáng tỏ vụ án này thì gia đình tôi sống cũng không yên mà các con tôi chết cũng không siêu thoát được”.

Còn nhớ, khoảng bốn tháng trước chúng tôi có về nhà anh Nguyễn Văn Kỳ (bố đẻ của hai nạn nhân Nguyễn Văn Nam và Nguyễn Văn Bắc) để tìm hiểu vụ án, bao trùm lên ngôi nhà là không khí tang tóc, đau thương. Trên bàn thờ là di ảnh của hai em Nam và Bắc. Cả hai còn quá trẻ, Nam là anh cũng mới chỉ hai mươi tuổi, Bắc vừa bước vào tuổi mười bảy vài ngày. Chỉ trong vòng 15 phút, hai anh em đã ra đi vĩnh viễn. Kể từ khi mất con, anh Kỳ, chị Sim sống cũng như chết, thất thểu, vô hồn. Đi ra đi vào nhìn nhau rồi lại khóc. “Hai đứa nhà tôi nó ngoan lắm. Suốt ngày chỉ biết làm hàng xuất khẩu giúp đỡ bố mẹ thôi. Mà đứa nào cũng khéo tay, làm hàng đẹp nổi tiếng cả cái vùng này. Ai cũng bảo vợ chồng tôi có được hai đứa con ngoan như thế thật có phúc. Vậy mà giờ chúng bỏ đi hết rồi” - chị Sim khóc khô, nước mắt lặn vào trong, đau như cắt.

Ngay từ khi vụ án xảy ra cho đến phiên xử sơ thẩm, chị Sim và anh Kỳ vẫn tin rằng không chỉ có một mình Dương Văn Hưởng là hung thủ, mà còn có cả đồng phạm. Có nhiều lý do để anh chị tin chắc điều đó.

Có uẩn khúc trong thảm án vì tình tay ba với thiếu nữ
Bị cáo Dương Văn Hưởng

Vụ án có đồng phạm?

Điều khiến gia đình nạn nhân bức xúc nhất là vì họ tin rằng vụ án chắc chắn có đồng phạm. Theo nhận định của gia đình người bị hại thì một mình Dương Văn Hưởng không thể cùng một lúc giết chết hai đứa con to khỏe của họ. Hơn nữa chính đứa con trai thứ ba của anh Kỳ và chị Sim là cháu Nguyễn Văn Trung nói rằng, khi cầm gậy đi tìm hai anh trai mình ở cánh đồng sâu, đã tận mắt nhìn thấy Bùi Thị Lý (người hàng xóm) đang ôm ghì anh Nam để cho Hưởng đâm. Sau đó Bùi Văn Hoàn (anh trai Lý) đã lôi xác Nam vứt xuống nước phi tang. Hơn nữa họ cho rằng, nếu Bùi Thị Lý không liên quan gì tới vụ án thì sao phải cùng gia đình bỏ trốn ngay trong đêm, đồ đạc và những vật dụng cần thiết phải nhờ người thân đến dọn hộ? Quả thực, khi chúng tôi đến đó, ngôi nhà Lý trống trơn và hoang lạnh, nhưng những bát hương đặt trong nhà và ngoài sân thì vẫn bốc khói nghi ngút. Hỏi những người hàng xóm vì sao không có người mà vẫn có hương khói thì họ bảo rằng, đó chính là những bát hương mà gia đình anh Kỳ đặt vào. Gia đình người bị hại còn nói rằng nếu tòa xử không phân minh, họ sẽ mang xác của hai con trai về nhà Lý chôn tại đó. Đã 8 tháng kể từ ngày vụ án mạng xảy ra, Bùi Thị Lý và những người trong gia đình mình không một lần dám bén mảng về nhà.

Nhân chứng duy nhất có thể chứng minh sự ngoại phạm của Bùi Thị Lý là bà Nguyễn Thị Hữu (mẹ của Lý). Bà Hữu đã rất lúng túng trước những câu hỏi của tòa. Bà biện bạch, vì lý do nghễnh ngãng nên không nghe hết những câu hỏi của tòa, nên câu hỏi và câu trả lời trong phiên xử đôi khi không liên quan đến nhau.

Dáng người thấp, đậm, khuôn mặt bầu bĩnh, Bùi Thị Lý - người được xem là nguyên nhân gây nên sự tranh giành trong mối tình tay ba mà thiên hạ vẫn đồn đại - trông khá xinh xắn và có duyên. Dù rằng trước sự căm phẫn ngất trời của gia đình người bị hại nhưng Bùi Thị Lý vẫn tỏ ra khá bình tĩnh và trả lời lưu loát các câu hỏi của tòa. Khi được hỏi, “theo chị thì nguyên nhân nào dẫn đến xích mích và gây ra án mạng giữa Dương Văn Hưởng và hai anh em Nam, Bắc” thì Lý tự tin trả lời rằng: “Do anh Nam thích cháu đã lâu nhưng cháu không thích. Sau đó cháu lại nhận lời yêu anh Hưởng. Có thể vì ghen tức trước tình cảm đó của chúng cháu nên anh Nam đã rủ Bắc ra chặn xe gây gổ với anh Hưởng”. Cảm thấy không thể kiềm nén trước sự “trơ tráo” và “vu khống” mà Bùi Thị Lý dành cho những đứa con đã mất của mình, anh Kỳ và chị Sim đã bật dậy đòi đánh Lý.

Quá nhiều điều chưa tỏ!

Thứ nhất, trong khi các cơ quan tiến hành tố tụng đều ghi nhận lời khai của bị cáo Hưởng và cho rằng Nam - Bắc đã chủ động tấn công, dẫn đến việc Hưởng phải chống cự, thì cũng chính các cơ quan này hoàn toàn không xem xét đến lời khai của nhân chứng Nguyễn Văn Trung, khi nhân chứng này khẳng định đã nhìn thấy Bùi Thị Lý ôm nạn nhân Nam để Hưởng đâm, chứ không phải Hưởng chỉ đâm lung tung tự vệ như bị cáo khai nhận.

Thứ hai, trong phiên tòa xét xử sơ thẩm, bị cáo Dương Văn Hưởng không thành khẩn khai báo. Hưởng khai tại thời điểm trước và sau khi gây án, Hưởng chỉ đi một đường duy nhất từ nhà Bùi Thi Lý đến hiện trường vụ án và ngược lại, đều không thấy bất kỳ vật gì trên đường. Nhưng thực tế là ngay gần hiện trường vụ án có chiếc xe kéo và lều chăn vịt của anh Lới chắn hơn 1/2 bề ngang của con đường, mà bất kỳ ai đi xe qua cũng phải dừng lại tránh. Một chướng ngại vật lớn như vậy chắn ngang đường vậy mà Hưởng nói không nhìn thấy đó là điều vô lý.

Một chi tiết nữa cho thấy thái độ quanh co chối cãi, thiếu thành khẩn của bị cáo Hưởng là nguồn gốc con dao gây án. Vào tối 07-7-2011, Hưởng mang theo một con dao đến chơi ở nhà Lý. Khi Bích (chị gái Lý) hỏi tại sao lại mang dao theo thì được Hưởng trả lời: “Em vừa thái ở nhà xong, tiện để vào đấy” (con dao đó chính là hung khí gây án). Đối chiếu với con dao thu được tại hiện trường vụ án: “Một con dao tự chế, lưỡi dao là lưỡi lê, cán dao là đoạn ống nước bằng kim loại phi 21, lưỡi dao dài 24 cm, nơi rộng nhất là 2 cm, cán dao dài 12 cm”. Với đặc điểm như trên, rõ ràng con dao này không phù hợp là vật dụng thông thường để cắt, thái rau trong gia đình để Hưởng dùng xong có thể “tiện để vào đấy”. Nhưng tại tòa, Hưởng lại khai con dao này là Hưởng nhặt được trên đường đến nhà Lý, nhưng không thể trả lời chính xác là nhặt ở đâu. Lời khai của Hưởng cũng mâu thuẫn với lời khai của nhân chứng Bích.
 
Có uẩn khúc trong thảm án vì tình tay ba với thiếu nữ
Chung thuật lại những gì nhìn thấy đêm hôm xảy ra án mạng.

Thứ ba, theo kết luận của cơ quan điều tra thì Nam - Bắc đã có kế hoạch tấn công Hưởng, nên tối 7-7-2011 Bắc dùng xe máy chở Nam phục kích Hưởng. Hưởng khai rằng, người ngồi phía sau (sau này xác định là Nam) đã dùng gậy bất ngờ tấn công Hưởng. Tuy nhiên, trong hồ sơ bệnh án cũng như trên thực tế Nguyễn Văn Nam bị bệnh Glomcom bẩm sinh, mà theo nhận định của bác sĩ “nếu người nào mắc bệnh này hầu như không nhìn thấy gì”. Thế nên việc cho rằng có lỗi của nạn nhân là không có cơ sở.

Chính vì đằng sau vụ án còn quá nhiều uẩn khúc chưa được làm sáng tỏ tại phiên tòa nên gia đình nạn nhân đã tỏ ra phẫn uất. Phiên tòa nhiều lần bị gián đoạn vì tiếng kêu khóc đòi công lý cho hai đứa con trai xấu số của gia đình người bị hại. Đỉnh điểm của sự phẫn uất ấy được đẩy lên khi đại diện của Viện Kiểm sát đã dành lời khen cho Bùi Thị Lý: “Chị Lý khai rất tốt, thành khẩn và lưu loát”. Sau lời khen dùng không đúng chỗ của ông đại diện Viện Kiểm sát, phiên tòa đã trở nên hỗn loạn và không thể tiếp tục được nữa vì gia đình bị hại có nhiều hành động quá khích. Em trai của hai bị hại là em Nguyễn Văn Trung vì quá uất ức trước diễn biến của phiên tòa nên đã ngất tại sân tòa án và sau đó phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Phải hơn nửa tiếng sau, khi gia đình người bị hại về hết, phiên tòa mới có thể tuyên án. Chung thân là mức án mà Dương Văn Hưởng phải nhận về mình. Nhưng xem ra nó chưa thật sự thỏa đáng với những gì mà hắn đã gây ra.

Máu đổ đẫm cánh đồng sâu!

Hai anh em ruột Nguyễn Văn Nam (20 tuổi) và Nguyễn Văn Bắc (17 tuổi, ở thôn Kênh Hội, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) đã bị đối tượng Dương Văn Hưởng (ở xã Yên Đồng) sát hại. Lý do gây ra vụ án mạng là Nguyễn Văn Nam và Dương Văn Hưởng cùng yêu Bùi Thị Lý (16 tuổi) nhà sát vách với Nam. Quen biết từ nhỏ, Nam và Lý rất thân, nhưng Lý từ chối tình yêu của Nam mà đem lòng yêu Dương Văn Hưởng. Nam cho rằng vì Hưởng mà Lý từ chối tình yêu của mình.

Đầu tháng 7-2011, Hưởng đến nhà Lý chơi và bị ném đất đá. Anh trai Lý nghi Nam ném đá vào nhà, đã sang hỏi chuyện rồi thành xô xát, bố Nam đuổi đánh anh trai Lý về. Tối 7-7-2011, Hưởng từ nhà Lý về, qua cánh đồng sâu (thôn La Ngạn, xã Yên Đồng) thì bị chặn đường, tấn công bằng gậy. Hưởng tấn công lại bằng dao. Khi Công an có mặt tại hiện trường thì chỉ tìm thấy xác của Nam, đến 5h sáng mới tìm thấy xác của Bắc tại mương nước cách đó 25m. Phạm Văn Quyết, anh rể của Hưởng đưa em đi trốn vào Đồng Nai và Lâm Đồng. Sau đó, Hưởng chạy về TP Hạ Long (Quảng Ninh) ở nhà chị gái và được người anh rể khác đưa ra đầu thú tại Công an phường Bạch Đằng (TP Hạ Long, Quảng Ninh). Dương Văn Hưởng bị truy tố về tội “Giết người”, Phạm Văn Quyết bị truy tố về tội “Che giấu tội phạm”.
 

Theo Luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội, bảo vệ người bị hại): Phiên toà thất bại vì “hành vi lạ” của đại diện Viện Kiểm sát

Người đại diện của Viện Kiểm sát tham dự phiên tòa đã dùng những lời nói không đúng ngôn ngữ pháp luật khi khen bị cáo Dương Văn Hưởng và nhân chứng Bùi Thị Lý là khai rất tốt làm kích động gia đình người bị hại. Việc này là trường hợp hy hữu hầu như không xảy ra khi đại diện Viện kiểm sát lại khen bị cáo, từ đó dẫn đến phiên tòa không thành công. Đặc biệt lại là phần tranh luận đã không có sự tham gia đại diện của người bị hại, trong đó có luật sư và bố mẹ của nạn nhân. Phiên tòa đã có một thời gian gián đoạn do mất trật tự.

Theo Cảnh sát toàn cầu

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm