Cần giúp đỡ thiết thực những lao động từ Libya trở về

(Dân trí) - Nước ta có 10.334 người lao động làm việc tại Libya, chỉ riêng Hà Tĩnh có 1.366 lao động. Hiện nay, tất cả người lao động Việt Nam đã rời khỏi Libya an toàn, nhiều người đã trở về nước, số còn lại sẽ về trong một ngày gần đây.

Cần giúp đỡ thiết thực những lao động từ Libya trở về - 1

(nguồn ảnh anninhthudo.vn)
 
Đấy là cố gắng lớn của Chính phủ ta đã nhanh chóng giải thoát những người lao động của nước mình ra khỏi đất nước đang có xung đột nghiêm trọng. Tuy nhiên, số  lớn lao động trở về đang đối mặt với nhiều khó khăn.

 

Hầu hết (nếu không nói tất cả) những người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) đều không có công ăn việc làm ổn định, đăng kí đi XKLĐ với mong muốn sẽ tích luỹ được một ít tiền làm vốn trang trải nhu cầu cuộc sống và làm ăn.

 

 Mỗi người phải bỏ ra ít nhất từ 40 - 50 triệu đồng để được xuất khẩu lao động. Nguồn tiền này cũng hầu hết phải vay ngân hàng hoặc bà con, hi vọng sẽ gửi tiền công hàng tháng về trả dần. Thu nhập của người lao động tại Libya cũng chỉ mức trung bình hoặc thấp.

 

Anh Trần Văn Ái ở xã Trung Lễ (Đức Thọ, Hà Tĩnh), vừa trở về từ Libya cho biết: Lương lao động phổ thông như anh chỉ ở mức 300 USD/tháng. Chỉ những người làm phiên dịch hoặc có bằng kỹ sư thì mới có thu nhập khoảng từ 600 đến 1.600 USD/tháng. Nhưng hầu hết những người đi XKLĐ là lao động phổ thông.

 

Như anh Ái, chi phí đi XKLĐ hết 40 triệu đồng, nếu làm hết thời hạn (2 năm) cũng chỉ được khoảng một trăm triệu, nhưng anh mới làm được 11 tháng đã phải về nước, cũng may chưa bị “lỗ vốn”. Còn nhiều người vừa sang được một tuần, có người một vài tháng, chưa nhận được đồng lương nào đã phải về nước.

 

Vấn đề mà các lao động trở về từ Libya đang phải đối mặt là gánh nặng nợ nần và nỗi lo tìm kiếm việc làm. Do đó, thiết nghĩ các cấp chính quyền, đoàn thể và cả xã hội cần có sự giúp đỡ thiết thực để họ ổn định cuộc sống. Trước mắt, các ngân hàng cần có chính sách khoanh nợ, giãn nợ đối với đối tượng XKLĐ sang Libya, và cả những đối tượng XKLĐ phải về nước vì lí do khách quan hay tai nạn rủi ro.

 

Thứ hai là cần có sự giúp đỡ về tài chính để những người vừa trở về bớt khó khăn. Nguồn tiền có thể trích từ Quỹ hỗ trợ XKLĐ và các nguồn từ ngân sách hoặc xã hội hoá. Các doanh nghiệp XKLĐ cũng cần có trách nhiệm hỗ trợ người lao động trong hoàn cảnh khó khăn. Một số lao động vừa về nước cho biết được doanh nghiệp kí kết hợp đồng XKLĐ hỗ trợ 1 triệu đồng/người.

 

Thứ ba, cần có sự tư vấn, giúp đỡ về mặt pháp lí để bảo đảm quyền lợi cho người lao động phải về nước trước thời hạn vì lí do khách quan. Trong bản hợp đồng lao động của anh Trần Văn Lĩnh (thôn 2, Trung Lễ, Đức Thọ, Hà Tĩnh) với Công ty SOVILACO Hà Nội có điều khoản: “Trong trường hợp khối lượng công việc của Công ty SVLIDCO–ASFI LIBYAGENERAL CONSTRUCTION giảm hoặc do các nguyên nhân khách quan khác dẫn tới bên B phải về nước trước thời hạn “Hợp đồng lao động”, thì quyền lợi của bên B sẽ được giải quyết theo chính sách chung của Công ty SVLIDCO – ASFI LIBYA GENERAL CONSTRUCTION và pháp luật Libya”.

 

Khoản 9, Điều 14, Nghị định số 81/2003/NĐ-CP ngày 17/7/2003 quy định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp hoạt động XKLĐ: “Bồi thường hoặc yêu cầu đối tác nước ngoài bồi thường thiệt hại cho người lao động về những thiệt hại do doanh nghiệp hoặc đối tác nước ngoài gây ra theo pháp luật Việt Nam và pháp luật nước sở tại”.

 

Đây là cơ sở pháp lý để đấu tranh đòi quyền lợi cho người đi lao động ở nước ngoài, cụ thể là các chi phí và thiệt hại do người lao động phải về nước trước thời hạn, truy lĩnh số tiền lương còn thiếu, quyền lợi BHXH, BH thất nghiệp, chi phí tìm kiếm việc làm. Hoặc có thể, khi tình hình Libya ổn định trở lại thì lao động được tạo điều kiện sang Libya làm việc tiếp. Tuy nhiên, hầu hết những người đi XKLĐ đều không hiểu biết về pháp luật lao động, về các thủ tục pháp lí để đòi hỏi quyền lợi của mình. Vì vậy, chính quyền các cấp cần có sự giúp đỡ những người XKLĐ về mặt pháp lí.

 

Ngoài ra, cần có sự giúp đỡ người dân cả trong quá trình làm thủ tục đăng kí XKLĐ. Trong một bản hợp đồng, chúng tôi thấy người lao động phải nộp 2 khoản chính là “tiền dịch vụ XKLĐ” và “phí môi giới”, mỗi khoản khoảng 11-12 triệu đồng. Đây là hiện tượng “phí chồng phí” trái pháp luật. Theo quy định tại Nghị định 81/2003/NĐ-CP ngày 17/7/2003, ngoài các khoản như tiền đặt cọc (người lao động sẽ được nhận lại), phí BHXH, thuế thu nhập, người XKLĐ chỉ phải nộp phí dịch vụ XKLĐ cho doanh nghiệp XKLĐ với mức không quá một tháng lương cho một năm làm việc.  

                                                 

Trần Quang Đại

                                                       (Hà Tĩnh)

 

LTS Dân trí - Bài viết trên đây phản ánh đúng tình hình thực tế có nhiều khó khăn của lực lượng lao động trở về từ Libya, có người hầu như tay trắng trở về, lại nợ nần chồng chất do phải chạy tiền làm thủ tục đi lao động nước ngoài, kể cả tiền môi giới! Nhiều gia đình đã ở cảnh nghèo lại càng khốn khó hơn.

 

Đã có một số công ty làm dịch vụ xuất khẩu lao động chi một số tiền nhỏ giúp những người lao động có tiền đi tàu xe về quê. Với ý thức trách nhiệm đối với người lao động do mình đưa đi, các công ty này nên có sự giúp đỡ nhiều hơn đối với số người lao động vừa trở về.

 

Vấn đề khẩn trương đặt ra trong lúc này là các cơ quan chức năng quản lý xuất khẩu lao động cũng như chính quyền các cấp sớm có những biện pháp cụ thể để giúp đỡ người lao động về mặt pháp lý để họ được hưởng đầy đủ quyền lợi theo hợp đồng. Mặt khác, tạo điều kiện cho số người muốn tiếp tục đi xuất khẩu lao động hoặc giải quyết công ăn việc làm cho họ ở trong nước.