Cần chấm dứt việc can thiệp thô bạo vào công tác xét xử

(Dân trí) - Trong khi toàn Đảng, toàn dân đang đẩy mạnh công cuộc chống tiêu cực, lãng phí, thì vụ việc xét xử tiêu cực về đất đai ở Đồ Sơn với nhiều điều bất thường khiến dư luận bức xúc, thậm chí có ý kiến hoài nghi về quyết tâm chống tham nhũng của chúng ta.

Thời gian ngắn sắp tới, phiên toà phúc thẩm về vụ việc này sẽ được mở ra. Tuy nhiên hiện nay vẫn đang có nhiều ý kiến khác nhau. Dân trí xin ghi lại những ý kiến này.

 

Các vị quan tham khó thoát án tù - Luật sư Phạm Liêm Chính, Trưởng văn phòng Luật sư Chính và cộng sự

 

Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp luật, tôi cho rằng ở đây có sự bỏ lọt tội phạm một cách nghiêm trọng. Không thể nói những gì đã diễn ra là ít nghiêm trọng. Vì chỉ nhìn theo con số đơn thuần, 113 suất đất, chỉ có 9 suất đất thuộc diện cấp đúng đối tượng mà theo thông tin mà tôi được biết, chỉ 1/3 trong số đó là thu hồi được. Điều các cơ quan chức năng cần phải làm rõ ngay lúc này là lượng đất đã được thu hồi và bao nhiêu suất thuộc diện không thể thu hồi. Qua đó sẽ xác định mức độ rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng của vụ việc.

 

Hội đồng xét xử đã đúng khi xác định tội danh của các vị quan tham là lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ nằm ở Điều 281 Bộ luật Hình sự. Khung 1 của tội danh này cải tạo không giam giữ từ một tháng đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. Việc đưa vào khung 1 nếu có cũng đã là quá ưu ái cho họ rồi, đằng này lại đưa vào điều 29 (phạm tội ít nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ chưa đến mức phải miễn hình phạt) để phạt cảnh cáo thì không thể hiểu nổi. Điều này đã thực sự gây cú sốc cho công luận.

 

Theo quan điểm của tôi, các vị quan tham này khó thoát khỏi khung khoản 2 Điều 281 (phạt tù từ 5 năm đến 10 năm khi phạm tội có tổ chức, hoặc phạm tội nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng). Vì rõ ràng là 3 vị tham ô đất đai có tổ chức, gây hậu quả rất nghiêm trọng vậy thì án phạt tù của họ phải là từ 5 đến 10 năm. Nếu ưu ái cho họ, thì tối thiểu cũng phải ở mức án 5 năm.

 

Điều đặc biệt khiến tôi ngạc nhiên là sự can thiệp quá thô bạo của của chính quyền thành phố. Điều này là vi hiến vì Hiến pháp Việt Nam đã long trọng tuyên bố: mọi người dân bình đẳng trước pháp luật. Nếu chia luật pháp thành 2 loại đối tượng, một loại sử cho quan thì nhẹ, sử cho dân thì thẳng tay đúng mực. Thẩm phán và hội thẩm nhân dân phải tuân theo pháp luật chứ không thể bị ràng buộc một quyền lực nào khác. Cần phải nhìn nhận đây là một bài học đau xót mà chúng ta không có quyền “tái phạm”. 

 

Cần chấm dứt việc can thiệp thô bạo vào công tác xét xử - 1

Giáo sư Lưu Văn Đạt

Sự can thiệp là vi hiến - Giáo sư Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ Pháp luật - UBMTTQ Việt Nam

 

Thưa ông, trong vụ việc xét xử tiêu cực, tham nhũng ở thị xã Đồ Sơn-  Hải Phòng, điều gì khiến dư luận bức xúc như vậy?

 

Sở dĩ vụ việc ở Đồ Sơn xảy ra vào đúng thời điểm Quốc Hội, TW Đảng vừa thông qua luật, Nghị quyết về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Do đó vụ việc này phải được xem là vụ điển hình. Xã hội đang đòi hỏi vụ việc này phải được xử lý nghiêm bởi các bằng chứng đã rất rõ. Tuy nhiên kết quả của việc xử lý đã khiến người dân thất vọng. Bản án đó không giúp được gì cho việc chống tham nhũng, trái lại nó còn gây khó khăn thêm, gây phản cảm cho xã hội.

 

Từ góc độ pháp luật, ông có nhìn nhận như thế nào về công tác xét xử vụ việc này?

 

Cá nhân tôi cho rằng, phiên toà xét xử vụ việc này đã vi phạm pháp luật. Thứ nhất, Điều 130, Hiến pháp quy định rất rõ về công tác xét xử. Đó là khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm độc lập chỉ tuân theo Hiến Pháp, pháp luật nhưng trong phiên toà này đã thực hiện không đúng tinh thần đó. Mặt khác, cơ quan chính quyền có ý kiến can thiệp về vụ việc này cũng đã vi phạm Hiến pháp, pháp luật.

 

Thưa ông, đối với việc xét xử đảng viên vi phạm, lâu nay chúng ta xem xét về mặt Đảng và mặt Nhà nước. Điều này dễ ảnh hưởng tính khách quan độc lập trong công tác xét xử?

 

Khi Đảng viên vi phạm pháp luật, cơ quan chính quyền Đảng có thể có ý kiến về lý lịch, quá trình công tác của người vi phạm… Đây là những yếu tố mang tình tiết giảm nhẹ, vấn đề này không ai cấm. Tuy nhiên, khi đưa ra những ý kiến này cần phải xem xét kỹ và phải thể hiện thế nào để đừng thấy đó là những ý kiến mang tính chất ràng buộc, áp đặt.

 

Về vấn đề này, Đại hội Đảng X cũng đã nói rất rõ, Đảng lãnh đạo nhưng không làm thay Nhà nước, trái lại phải phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của Nhà nước trong quản lý đất nước và xã hội. Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản, quy định cụ thể về nguyên tắc Đảng lãnh đạo đối với Nhà nước trong từng lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Về quan điểm mà nói thì ĐH Đảng X đã chỉ ra rất rõ ràng việc không đưcợ can thiệp quá sâu vàp các vấn đề cụ thể.

 

Như vậy làm sao có thể phân biệt được đâu là những ý kiến bình thường hoặc chỉ đạo ngầm, thưa ông?

 

Đây cũng là vấn đề khó, tuy nhiên nếu chúng ta xem xét kỹ, công khai minh bạch chắc sẽ phân biệt được. Trong vụ tiêu cực về đất đai ở Đồ Sơn đã cho thấy rõ, Thành uỷ, UBND TP Hải Phòng can thiệp quá sâu, quá thô bạo vào công tác xét xử, tình trạng này cần phải được chấm dứt.

 

Cần chấm dứt việc can thiệp thô bạo vào công tác xét xử - 2

Ông Nguyễn Minh Thuyết

Tòa xử theo chỉ đạo của chính quyền hay theo luật? - Ông Nguyễn Minh Thuyết, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn

 

Tôi rất bất ngờ và bất bình khi biết về bản án “kỳ quặc” mà Hội đồng xét xử tuyên đối với các bị cáo trong án tham nhũng đất đai ở Đồ Sơn. Đây là sự coi thường pháp luật mà không có bất kỳ lý lẽ gì có thể biện minh được. Càng bất ngờ và bất bình hơn khi biết Thành uỷ Hải Phòng lại có văn bản can thiệp quá sâu vào việc xét xử. Điều này khiến chúng ta phải suy nghĩ “toà án xử theo cái gì, theo chỉ đạo của chính quyền hay theo luật”.

 

Tôi được biết trước đây có một số vụ án “xin” ý kiến chỉ đạo cấp trên, hiện nay không có cái lệ đó nữa nhưng không phải đã hết những Hội đồng xét xử vẫn phụ thuộc vào sự chỉ đạo từ cấp nào đó. Sự lãnh đạo của Đảng được thể chế hoá theo pháp luật, vậy mà Hội đồng xét xử lại đi ngược lại  luật pháp. Đó là vi hiến.

 

Tôi rất hoan nghênh việc Thủ tướng đã kịp thời có chỉ đạo xem lại vụ việc này. Nhân vụ Đồ Sơn tôi thấy nhiều vụ án khác, việc xét xử vẫn có sự nương nhẹ. Ví dụ vụ án tại Tổng công ty dầu khí, khi có kết luận của cơ quan điều tra một số lãnh đạo đã vi phạm điều 285 Bộ luật Hình sự, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng không hiểu tại sao bên Viện kiểm sát đã trả hồ sơ cho Công an vẫn kết luận như vậy nhưng căn cứ vào việc các đồng chí về hưu rồi, có thành tích với ngành dầu khí nên không tiếp tục truy cứu.

 

Chúng ta cần nhìn nhận thế này, dù ở cấp nào, khi tại vị hay về hưu đều bình đẳng trước pháp luật. Chuyện có thành tích trong quá trình công tác hay thành khẩn khai báo với cơ quan điều tra chỉ là tình tiết giảm nhẹ chứ không thể xoá tội.

 

Cần chấm dứt việc can thiệp thô bạo vào công tác xét xử - 3

Ông Lê Văn Cuông

Cần làm rõ bàn tay “vô hình” đã can thiệp - Ông Lê Văn Cuông, Phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hoá

 

Bản thân tôi cũng như rất nhiều cử tri tỉnh Thanh Hoá đặc biệt quan tâm đến vụ tiêu cực ở Đồ Sơn bởi vì đất đai hiện nay đang là một vấn đề nóng bỏng, hầu hết các vụ khiếu kiện của dân đều bắt nguồn từ đây. Mặt khác, trong khi Quốc hội vừa mới thông qua Luật phòng, chống tham nhũng, Đảng cũng vừa có Nghị quyết về vấn đề này thì vụ việc phải được xem là điển hình. Thế nhưng quá trình xử lý vụ việc này đã bộc lộ nhiều điều bất thường. Tôi thấy việc xét xử này này không khác một trò hề, Hội đồng xét xử đã quá coi thường dư luận, coi thường nhân dân.

 

Qua vụ việc này tôi cho rằng không chỉ riêng người dân Đồ Sơn, người dân Hải Phòng mà cả nước đều bức xúc. Bởi ngoài việc bỏ sót người, sót tội viẹc việc này còn cho thấy có sự can thiệp của chính quyền TP vào việc xét xử đã khiến bản chất vụ việc thay đổi. Đây là điều cần phải làm rõ, trên diễn dần Quốc hội thời gian gần đây cũng đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này. Trong khi chúng ta đang hô hào, vận động toàn dân chống tham nhũng, tiêu cực thì không thể để tình trạng này xảy ra, không thể xử nặng trên nhẹ dưới, nói hay làm dở. Điều đó sẽ làm dân mất lòng tin, làm ảnh hưởng đến tính hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước.

 

Với tư cách là một đại biểu Quốc hội, tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần phải làm thật nghiêm, xử lý đúng người, đúng tội. Không những vậy, tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần làm rõ những bàn tay “vô hình” nào đã có can thiệp để làm kết quả sai lệch.

 

Nhóm Phóng viên
(Thực hiện)