Gia Lai:
"Báu vật" rừng xanh khẩn thiết kêu cứu giữa đại ngàn Tây Nguyên!
(Dân trí) - Những cây hương “đại thụ” hàng trăm tuổi nằm rải rác trên địa bàn xã Krong (huyện Kbang, Gia Lai). Vì chưa có sự quan tâm đúng mức đã khiến nhiều cây hương bị bức tử, xâm hại…chết dần trong rừng sâu.
“Báu vật” của rừng xanh
Những ngày đầu tháng tư, chúng tôi lặn lội hàng trăm cây số để về chiêm ngưỡng rừng hương “đại thụ” hàng trăm tuổi. Theo thống kê năm 2019, tổng số có 410 cây hương nằm rải rác trên địa bàn xã Krong do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa quản lý.
Theo chân những nhân viên bảo vệ rừng, chúng tôi có cơ hội được “mục sở thị” hàng trăm cây hương nằm trong rừng sâu, trải dài trên 7 tiểu khu. Vừa dẫn chúng tôi đi, anh Lê Minh Nhật (Đội trưởng Đội bảo vệ rừng) cho biết: “Rừng hương nằm rải rác theo từng cụm. Cây hương nhỏ có đường kính 80 – 90cm, những gốc “đại thụ” đường kính có thể lên đến gần 1m5, 3 người ôm không xuể. Vì giá trị của những gốc hương tính bằng tiền tỷ nên các đối tượng “lâm tặc” luôn nhòm ngó để cưa hạ. Chính vì vậy, anh em đã lập ra nhiều chốt, trạm để quản lý và bảo vệ rừng hương 24/24…”.
Tây Nguyên đang vào hè, dưới cái nắng “đổ lửa”, từng chiếc xe máy rồ ga, khét bô để đưa chúng tôi lên những con dốc dựng đứng. Xuyên qua những cánh rừng, đoàn chúng tôi cũng thấm mệt nên dừng chân bên con suối Tăng Klong (Làng Tơ Nang). Hành trình leo rừng được hơn một tiếng đồng hồ, bỗng anh Nhật hô lớn: “A…đây rồi các anh ơi”. Một đám hương mọc lưng chừng ngọn núi Kbang. Chúng tôi đưa mắt nhìn theo nhưng cũng không thể phát hiện cây hương. Đến khi anh Nhật đến chỉ tận nơi chúng tôi mới biết là nó.
Quả không sai, một cây hương lớn có đường kính khoảng 1m2. Theo những người bảo vệ rừng chia sẻ, cây hương này phải có tuổi đời vài trăm năm. Đặc điểm của loại hương thường mọc ở dọc triền núi, ven sông, suối. Vỏ cây hương thường có màu nâu, xám và về mùa khô thì lá sẽ rụng hết như cây chết. Xung quanh những cây “đại thụ” là các cây hương từ vài năm đến vài chục năm đang vươn lên từng ngày. Tùy mỗi huyện lại có các loại hương khác nhau nhưng có lẽ hương quý nhất phải là loại hương đá của huyện Krông Pa.
Mải mê với chuyện bên gốc “đại thụ” hương, chúng tôi tiếp tục hành trình đi tìm những gốc hương khác. Có lẽ, hàng trăm gốc hương trong rừng đều được các nhân viên bảo vệ rừng thuộc hết nên đi cứ băng băng không bị sợ lạc…Cuộc hành trình kéo dài gần một ngày trời, chúng tôi được thỏa sức chiêm ngưỡng rừng hương “đại thụ” được xem là “báu vật” của rừng xanh.
“Tiếng kêu cứu ” từ những cây “đại thụ”
Trong những năm gần đây, chính vì sự quan tâm chưa đúng mức đã khiến cho rừng hương liên tục bị xâm hại, bức tử “thầm lặng” trong rừng sâu. Theo chân những nhân viên bảo vệ rừng (Công ty TNHH MTV LN Krông Pa) chúng tôi càng xót xa hơn khi rừng hương đang bị “bức tử” chết từng ngày.
Anh Lê Minh Nhật cho biết: “Mỗi cây gỗ hương trị giá cả hàng tỷ đồng nhưng lại nằm cạnh nương rẫy người dân. Nhiều cây hương còn nằm trên cả đường đi, lối mòn nên ai cũng muốn chiếm giữ bằng nhiều thủ đoạn rất tinh vi. Mỗi người nhân viên bảo vệ rừng phải gánh trên vai cả ngàn hecta, dù đã trực 24/24 nhưng bằng nhiều thủ đoạn thì những cây hương vẫn bị xâm hại”.
Trên đường đi, chúng tôi xót xa trước khung cảnh những gốc hương “đại thụ” đang bị bức tử, chết dần từng ngày. Theo đó, một gốc hương sát làng Tơ Nang (Krong) bị đốt 2/3 gốc. Theo thời gian, phần gốc cũng bị mối mọt, cây trở nên héo úa. Nhiều đối tượng còn dùng rìu chặt ngang một phần gốc, ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây.
Mới đây, báo Dân trí đã có bài phản ánh: “Bí ẩn phía sau phi vụ 2 “đại lão mộc” bị bức tử giữa đại ngàn Tây Nguyên”. Theo báo cáo số 32 của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa (Công ty lâm nghiệp Krông Pa) về việc chủ trương cho tận thu 02 cây gỗ bị ngã tự nhiên và bị cháy trên lâm phần quản lý tại khoảnh 3, Tiểu khu 94. Nguyên nhân chết là do bị ngã đổ tự nhiên do mưa bão. Hai gốc hương có chiều dài khoảng 11m với đường kính mặt gốc gần 1m. Tổng khối lượng 2 cây gỗ quý là hơn 16 khối.
Nghi ngờ có sự bất thường, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra. Kết quả ban đầu không giống như chủ rừng báo cáo. Nguyên nhân chết là có tác động của con người. Đây là hành vi khai thác rừng trái phép có dấu hiệu phạm tội.
Qua quan sát, bằng mắt thường có thể thấy trên một phần gốc cây hương đã bị cắt bằng vết cưa máy. Phần còn lại nhìn qua như cây hương ngã đổ tự nhiên. Trên gốc cây vẫn còn để lại những vết khoan sâu vào thân cây, một số bị bịt bằng dăm gỗ. Đây cũng là thủ đoạn thường thấy của các đối tượng lấn chiếm, khai thác rừng trái phép như: khoan lỗ, đổ thuốc diệt cỏ để cây chết rồi tìm cách đưa gỗ ra khỏi rừng.
Trong năm 2019, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Pa đã xảy ra hơn 10 vụ khai thác rừng trái phép, 1 vụ tàng trữ lâm sản trái phép, gây thiệt hại gần 87 m3 gỗ tròn, xẻ. Trong số này, có nhiều vụ khai thác gỗ hương trái phép. Công an huyện Kbang đã điều tra, khởi tố 4 vụ án hình sự về khai thác rừng trái phép. Ngay sau đó, UBND tỉnh Gia Lai đã ra quyết định kỷ luật ông Võ Ngộ (Nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Pa) vì để xảy ra tình trạng trên.
Ông Nguyễn Thành Vinh (Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa) cho biết: “Hàng trăm cây hương nằm rải rác trên 7 tiểu khu. Tuy nhiên, lực lượng của công ty lại mỏng nhưng anh em đang phải “gồng mình” để bảo vệ rừng hương và quản lý bảo vệ gần 8.000ha rừng tự nhiên được giao. Bên cạnh đó, những cây hương này lại nằm gần khu vực dân cư nên các đối tượng dễ dàng để xâm hại. Vừa qua, chúng tôi đã có tờ trình về việc xin bổ sung thêm 10 nhân viên bảo vệ rừng với nguồn vốn hơn 800 triệu đồng nhằm tăng cường giám sát bảo vệ rừng hương, nhưng vẫn chưa được phê duyệt.”.
Tương tự, ông Trương Thanh Hà (Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Kbang) cho hay: “Gỗ hương là gỗ quý thuộc nhóm I, nhưng công tác bảo vệ chưa xứng với giá trị của nó. Theo đó, cây hương chỉ nằm tập trung tại xã Krong nhưng đây là rừng sản xuất và trong định hướng đến năm 2025 nó vẫn vậy. Trong khi đó, nhiều diện tích rừng lân cận giá trị không bằng nhưng lại được quy hoạch về rừng đặc dụng. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nhưng không được chấp nhận. Đồng thời, các cây hương nằm rải rác ở từng vị trí khác nhau, gần khu dân cư khiến cho công tác bảo vệ, quản lý càng trở nên gian nan, thách thức hơn”.
Trước thực trạng gia tăng việc khai thác gỗ hương trái phép trên địa bàn, các cấp đã thực hiện nhiều biện pháp tăng cường bảo vệ nhưng “máu” rừng hương vẫn tiếp tục chảy. Và những nguyên nhân sẽ tiếp tục được nói đến là “lực lượng mỏng…thiếu kinh phí”.
Phạm Hoàng