Huế:

Bất thường gì sau vụ dân lập "trận địa" cọc tre trên sông ngăn chặn tàu cát?

(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc người dân lập “trận địa” cọc tre trên sông Bồ để ngăn chặn nạn khai thác cát ồ ạt nghi không đúng với độ sâu khai thác của Công ty TNHH MTV xây dựng giao thông Tuấn Hải, PV đã tiếp cận được báo cáo có phần “bất thường” về đo đạc độ sâu khai thác cát sỏi của Công ty này.

Theo đó, vào ngày 22/8/2016 Công ty TNHH MTV xây dựng giao thông Tuấn Hải (gọi tắt là Cty Tuấn Hải) được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp phép khai thác số 38/GP-UBND tại khu vực khe Băng thuộc phường Hương Vân, thị xã Hương Trà và xã Phong Sơn, huyện Phong Điền với diện tích khai thác 7,2 hecta. Công suất khai thác ở khu vực này là 37.660 m3/năm. Thời hạn cấp phép khai thác 5 năm kể từ ngày ký.

Vào ngày 30/1/2019 mới đây, các đoàn cơ quan chức năng đã phối hợp với Trung tâm kỹ thuật công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành kiểm tra, đo đạc độ sâu khai thác cát sỏi của Cty Tuấn Hải. Tuy nhiên báo cáo nói rất chung chung:

“Trên cơ sở kết quả đo độ sâu của Trung tâm kỹ thuật công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường tỉnh, nhìn chung độ sâu khai thác của Công ty TNHH MTV xây dựng giao thông Tuấn Hải trong phạm vi khu mỏ được UBND tỉnh cấp phép tương đối đảm bảo”.

Báo cáo cũng nêu, “tại thời điểm cấp phép cho Cty Tuấn Hải do chiều dài khu vực mỏ lớn (khoảng gần 2km), phạm vi khu mỏ được thu nhỏ theo tỷ lệ 1:10.000 để thể hiện được trên khổ giấy A4 nên không thể hiện được bình đồ độ sâu trên bản vẽ cũng như trong giấy phép khai thác” (!?)

Bất thường gì sau vụ dân lập trận địa cọc tre trên sông ngăn chặn tàu cát? - 1

Mỏ tại khu vực khe Băng của Cty Tuấn Hải

Bất thường gì sau vụ dân lập trận địa cọc tre trên sông ngăn chặn tàu cát? - 2

Người dân tổ dân phố Lại Bằng 2, phường Hương Văn, thị xã Hương Trà lập "trận địa" cọc tre dưới đó không xa để ngăn chặn tàu chở cát ồ ạt của Cty này

Qua báo cáo này ghi rõ: “đối chiếu với kết quả đo độ sâu của Trung tâm kỹ thuật công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường tỉnh ngày 30/1/2019 thì chưa xác định được độ sâu chính xác trước khi cấp phép và độ sâu khai thác hiện tại chênh lệch bao nhiêu"..."Nhưng kết quả đo đạc này là cơ sở để kiểm tra, giám sát việc khai thác sau này của Cty Tuấn Hải trong thời gian tiếp theo" (!?)

Phải chăng việc cấp phép của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và sự giám sát của các ban ngành, địa phương liên quan có sự mập mờ để dễ dàng cho doanh nghiệp “lách” rồi khai thác vô tội vạ? Việc cấp phép khu mỏ cho khai thác, ngoài các mốc giới để khoanh vùng nhưng không thể ghi rõ độ sâu khai thác có ý đồ gì nhằm “tạo điều kiện” cho doanh nghiệp xúc cát "xả láng"?

Bờ sông xói lở nghiêm trọng ở nhiều nơi từ mỏ của Cty Tuấn Hải trở về xuôi; người dân bức xúc trước thuyền bè ồ ạt chở cát vào ban đêm, thách thức dư luận đến nỗi phải lập "trận địa" cọc tre trên sông để ngăn chặn thuyền chạy.. là minh chứng rõ ràng cho những gì diễn ra trên thực tế ở một khu mỏ có hay chăng sự "ưu ái" đặc biệt này.

Bất thường gì sau vụ dân lập trận địa cọc tre trên sông ngăn chặn tàu cát? - 3
Bất thường gì sau vụ dân lập trận địa cọc tre trên sông ngăn chặn tàu cát? - 4

Nhiều đoạn bờ sông bị xói lở nghiêm trọng

Nhiều câu hỏi được đặt ra cho dư luận nhận xét, liệu với một khu mỏ lớn được cấp phép nhưng không có các thông số độ sâu khai thác, để rồi doanh nghiệp muốn làm gì thì làm, muốn khai thác lậu bao nhiêu thì khai thác? Có hay không việc tiếp tay của chính quyền cho doanh nghiệp để "ăn chia"?

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Nhóm PVĐT