Xúc động hành trình tìm chiến sĩ trong bức ảnh "Nụ cười thách thức bom đạn"
(Dân trí) - Chiến tranh đã qua, việc tìm lại người chiến sĩ cười tươi rói giữa đống đổ nát vì bom đạn của Thành cổ Quảng Trị không đơn giản. Ít ai biết câu chuyện xúc động về cuộc đời người lính trẻ năm xưa.
Tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị những năm qua trưng bày bức ảnh "Nụ cười thách thức bom đạn" của nhà báo Đoàn Công Tính. Bức ảnh thể hiện tinh thần lạc quan của người chiến sĩ giữa chiến trường ác liệt.
Từng là Trưởng ban Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị (1998-2007), ông Trần Khánh Khư (70 tuổi, trú ở phường 2, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) có cơ hội lưu giữ nhiều câu chuyện rất ít người biết.
Hé lộ thông tin về người lính với nụ cười "thách thức bom đạn"
Một trong những câu chuyện xúc động mà ông Khư hết sức tâm đắc đó là hành trình tìm lại nhân vật trong bức ảnh "Nụ cười thách thức bom đạn". Người lính trong bức ảnh đó là cựu binh Lê Xuân Chinh (trú tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên).
Theo ông Trần Khánh Khư, đầu năm 2002, ông đón tiếp và hướng dẫn một đoàn khách từ Hà Nội vào tham quan di tích Thành cổ Quảng Trị. Sau khi dẫn đoàn thăm tượng đài Thành cổ và các điểm chứng tích, đoàn đến thăm Nhà bảo tàng - nơi trưng bày tranh ảnh, hiện vật của Thành cổ Quảng Trị, khi giới thiệu bức ảnh "Nụ cười thách thức bom đạn", ông Khư nhận ra có một vị khách chăm chú nghe và nhìn rất kỹ bức ảnh rồi nói đó là ông Lê Xuân Chinh, người đồng hương quê Thái Bình.
Làm công việc liên quan đến văn hóa, lịch sử nên khi nghe vị khách kia hé lộ về nhân vật trong bức ảnh xuất thần đó, ông Khư tận dụng ngay cơ hội ấy, tranh thủ mời vị khách vào phòng làm việc và hỏi thông tin về người lính này.
"Qua những thông tin ít ỏi vị khách cung cấp, tôi suy nghĩ và chợt nung nấu ý tưởng phải tìm cho được người chiến sĩ trong bức ảnh này, bởi vì "Nụ cười thách thức bom đạn" là bức ảnh đặc biệt có giá trị đối với di tích Thành cổ Quảng Trị trong cuộc chiến 81 ngày đêm đỏ lửa năm 1972. Dù biết là rất khó, nhưng tôi vẫn quyết định tìm người chiến sĩ này", ông Khư nhớ lại.
Từ đó, ông Khư bắt đầu tra danh bạ điện thoại và liên hệ đến các cơ quan thuộc tỉnh Thái Bình, từ Văn phòng UBND tỉnh, Tỉnh đội, Hội Cựu chiến binh, rồi Sở LĐ-TB&XH Thái Bình… Không thể gọi điện thoại qua máy cố định của cơ quan, ông Khư tự bỏ tiền túi ra bưu điện thị xã, tranh thủ tất cả những thời gian để liên lạc.
Gần nửa tháng sau, ông Khư tiếp cận được manh mối ban đầu từ Thái Bình, có một cựu chiến binh tên Chinh, ở xã Tân Việt, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, nhưng người này đã đi kinh tế mới ở Lai Châu.
Thông tin đáng giá nói trên đã khích lệ ông Khư tiếp tục thực hiện ý nguyện của mình. Ông Khư tiếp tục liên lạc đến một số đơn vị thuộc tỉnh Lai Châu. Lần này, ông đã có thêm thông tin để tìm nhân vật nên tập trung vào những người từ Thái Bình đi kinh tế mới.
"Tôi liên lạc khắp nơi rồi tập hợp nhiều nguồn thông tin khác nhau và được biết phần lớn người dân Thái Bình đi kinh tế mới đều tập trung ở xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên). Cuối cùng, tôi được một người ở Đội 4, xã Thanh Yên xác nhận có người tên Chinh quê ở Thái Bình, từng tham gia chiến đấu ở Quảng Trị năm 1972. Lúc ấy tôi mừng quá, trong người thấy hồi hộp, một lúc sau mới lấy lại được bình tĩnh", ông Khư chia sẻ.
Vỡ òa cuộc trùng phùng ở Thành cổ
Sau khi để lại tên mình, số điện thoại và lời nhắn, ông Khư vẫn mang tâm trạng bồi hồi chờ đợi giây phút được trò chuyện với nhân vật chính trong bức ảnh.
Ông thầm nghĩ, nếu chính xác là nhân vật cần tìm, ông sẽ hoàn thành tâm nguyện và có thêm tư liệu "sống" để phục vụ công tác và bảo tàng Thành cổ cũng sẽ có nhân vật lịch sử sống động, xác thực, bức ảnh cũng có giá trị hơn. Ngày hôm sau, ông Khư nhận được cuộc điện thoại từ Lai Châu giới thiệu là Lê Xuân Chinh.
"Để xác minh nhân vật đang nói chuyện có chính xác là người mình cần tìm không, tôi hỏi ngay: Anh có đi bộ đội chiến đấu ở Quảng Trị không? Bên kia nói: Có, em chiến đấu tại Quảng Trị, đánh địch tái chiếm năm 1972. Thêm vài câu hỏi nữa, tôi chợt lặng người, vậy là sau 4 tháng tôi đã tìm ra được chính xác nhân vật của bức ảnh.
Qua cuộc trò chuyện với người chiến sĩ năm xưa, ông Khư biết cựu binh Lê Xuân Chinh (SN 1954), nhập ngũ năm 1971, vào Quảng Trị năm 1972 làm nhiệm vụ thông tin và trực tiếp chiến đấu. Nhưng sau đó, ông bị thương, được đơn vị đưa về tuyến sau điều trị. Đến tháng 6/1974, do sức khỏe yếu, người lính Lê Xuân Xhinh được phục viên.
Thời gian sau, do điều kiện khó khăn, ông Chinh phải đi làm ăn xa, có lần bị móc túi và mất hết giấy tờ. Sau này, ông Chinh về lại xã xin hồ sơ gốc thì hồ sơ đã bị thất lạc…
"Sau khi xác minh được nhân vật trong bức ảnh, tôi tìm thông tin và liên lạc với nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính, tác giả của bức ảnh. Tôi kể cho anh ấy nghe chuyện của anh Chinh. Anh Tính hứa với tôi sẽ sắp xếp ra Quảng Trị ngay. Rồi chúng tôi gặp nhau tại Thành cổ", ông Khư cho biết.
Theo ông Trần Khánh Khư, sau khi nhận được thông tin, địa chỉ ông cung cấp, tác giả bức ảnh đã rủ ông cùng đi Lai Châu để xác minh nhân vật chính trong bức ảnh, nhưng do bận việc nên ông không thể đi cùng. Sau khi gặp và đưa ông Chinh về Hà Nội, ông Tính và một số cựu binh đã kết nối được với các đơn vị cũ của ông Chinh, xác nhận khôi phục lại hồ sơ bị thất lạc… để ông Chinh có đủ điều kiện làm các chế độ chính sách.
Trăn trở với số phận của những người lính đã vào sinh ra tử trên mảnh đất oai hùng Thành cổ, đặc biệt sau khi biết được cuộc sống khó khăn của cựu binh Lê Xuân Chinh, ông Khư đã kết nối với một số cựu chiến binh từng quen biết để giúp đỡ ông vượt qua phần nào khó khăn, có việc làm, ổn định đời sống.
Nhiều năm sau, ông Trần Khánh Khư đã gặp được cựu binh Lê Xuân Chinh trong một lần ông vào thăm Thành cổ Quảng Trị. Hai người vỡ òa khi gặp nhau tại chiến trường xưa.
Hiện ông Khư còn lưu giữ bức ảnh hai người nắm tay nhau chụp ảnh tại Thành cổ Quảng Trị, ngay tại nơi đặt bức ảnh "Nụ cười thách thức bom đạn".
"Đối với tôi, niềm vui lớn nhất là tìm được nhân vật chính của bức ảnh, hiện còn sống. Cũng nhờ đó mà anh Chinh được đồng đội hỗ trợ để vượt qua khó khăn, thay đổi cuộc sống. Sau lần gặp đầu tiên, tôi và anh Chinh cũng có cơ hội trùng phùng nhiều lần nữa. Cuộc gặp nào cũng để lại ấn tượng sâu đậm", ông Khư tâm sự.