Xúc động con dâu nói với mẹ chồng cũ: "Cho con hun mẹ cái!"
(Dân trí) - Thay bỉm, lau người cho bà xong, cô con dâu nói với mẹ chồng cũ: "Cho con hun mẹ cái nha". Người mẹ già cười như trẻ nhỏ khi cô con dâu cũ... cúi xuống thơm mình liền 5 - 7 cái.
Chị Lê Thị Hoài, ở Thủ Đức, TPHCM chia sẻ bức ảnh cô bạn của mình là chị Huỳnh Thị Thanh Phương đang ngồi thủ thỉ với một cụ bà lớn tuổi nằm trên giường với trải lòng: "Đây không phải là mẹ và con gái mà là con dâu và mẹ chồng cũ đấy ạ".
Chị Hoài gọi là bà cụ là "mẹ chồng cũ" vì chị Phương và chồng đã chia tay từ nhiều năm trước.
Chị Hoài chụp bức ảnh này vào tháng trước, khi có dịp cùng mẹ con chị Phương đến nhà thăm bà ở Củ Chi, TPHCM. Biết bạn mình là người rất tình cảm nhưng chị vẫn bất ngờ trước sự ân cần, chăm chút của bạn với mẹ chồng cũ.
Chị Hoài kể, bà cụ nằm liệt một chỗ từ lâu, đang sống cùng con trai. Khi đến thăm bà như mọi lần, chị Phương thay bỉm, rửa ráy cho bà rồi ngồi trò chuyện . Trước khi về, chị Phương còn lén nhét một ít tiền dưới gối của bà.
"Chị ấy nói với bà: "Mẹ cho con hun cái nha". Cụ cười nắc nẻ như trẻ nhỏ, đến khi chị Phương lặp lại: "Cho hun cái đi mà" thì bà giơ má lên. Cô con dâu cúi xuống thơm má mẹ chồng cũ chụt chụt liền 5 - 7 cái, bà cười, mắt sáng trưng. Tiếc rằng tôi đã không kịp chụp lại khoảnh khắc đó", chị Hoài kể.
Chị Huỳnh Thị Thanh Phương là giáo viên tiểu học, là người thành lập Không gian đọc Củ Chi, nơi khuyến khích trẻ nhỏ đến đọc sách. Trích đồng lương ít ỏi của mình, chị còn đi làm thêm để có tiền mua sách, đi khắp nơi xin sách, xin cả quần áo, học bổng hỗ trợ học trò nghèo.
Khi đó, dù con dâu "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" nhưng chị rất được mẹ chồng ủng hộ. Bà còn đồng ý để con dâu lập thư viện ngay tại nhà, suốt ngày đón trẻ đến đọc sách, tổ chức các hoạt động cho trẻ em.
Chị Phượng bộc bạch chuyện ly hôn năm 2018, anh chị có một cậu con trai chung. Trước, chị sống chung với mẹ chồng, giờ chuyển ra ngoài thuê trọ, cách nhà cũ gần 20 cây số. Lâu lâu mẹ con chị lại ghé về thăm bà.
"Sau khi ly hôn, tôi chuyển đồ đạc đi nhưng vẫn để lại hai kệ sách đến bây giờ. Lần nào đến thăm, bà cũng chỉ còn hai kệ sách nhưng tôi chưa nỡ chuyển vì bà rất ham đọc sách và thích tiếng ồn ào của trẻ nhỏ. Để kệ sách lại, tôi hy vọng vẫn nhiều đứa trẻ đến nhà đọc sách", chị chia sẻ.
Theo chị Phương, dù chị và chồng đã chia tay nhưng chị với mẹ chồng cũ vẫn là tình cảm mẹ con, tình người và người bao năm sống cùng nhau, bà còn là bà nội của con trai mình. Tình cảm đó rất tự nhiên, không vì lý do gì hết.
Chị Huỳnh Thị Thanh Phương cũng từng gây sốt với hình ảnh ôm chia tay học trò sau giờ học. Theo chị, cô trò trên lớp cũng có khi giận nhau. Các con ồn, nói chuyện riêng, không nghe giảng, không học thuộc bài, đánh nhau... Cô giáo, với bao cảm xúc, cũng có lúc sai, nặng lời, trách phạt làm học trò buồn.
Thay vì cảm giác hờn giận, buồn bực, cô muốn cô trò ôm chặt lấy nhau để cùng xoa dịu, xóa đi cảm xúc không vui trong một ngày học.
Ngoài ra, theo cô Phương, những cái ôm, hôn mang rất nhiều giá trị tình yêu. Có những học trò mồ côi hay không nhận được vòng tay yêu thương từ bố mẹ thì cái ôm là để cô hiểu các trò hơn, để các trò cũng cảm nhận được tình cảm ấp áp.
Với chị, những người thân yêu, gắn bó với nhau hãy thường xuyên cho nhau những cái ôm, cái thơm để xóa đi những hiểu lầm, khúc mắc trong cuộc sống, để chính mình cảm thấy hạnh phúc và ấm áp hơn.
Mới đây, cô giáo này cũng tham gia làm tình nguyện viên tại trung tâm trợ giúp xã hội nuôi dạy trẻ mồ côi do Covid-19 POWAI (Chính tuệ), nhận theo dõi, hỗ trợ, kết nối cho hai bé mồ côi mẹ do Covid-19 ở Hóc Môn, TPHCM.