Xử lý đối với các vụ việc khiến trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích
(Dân trí) - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa đề nghị chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định đối với các vụ việc khiến trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Thanh Hóa, trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn, thương tích trẻ em như vụ việc trẻ em bị rơi, ngã từ các khu chung cư, nhà cao tầng, trẻ đuối nước... gây hậu quả nghiêm trọng.
Mới đây nhất, vào ngày 6/3, một vụ việc đau lòng xảy ra khi 2 anh em ruột ở xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc tử vong tại hố chôn cột điện chưa được san lấp. Theo Sở LĐ-TB&XH thì đây là vụ đuối nước trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng, Sở đã đề nghị địa phương chỉ đạo các phòng, đơn vị có liên quan thăm hỏi, động viên và hỗ trợ kịp thời đối với gia đình nạn nhân; điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân gây ra vụ việc.
Đến nay, dư luận vẫn đang chờ đợi câu trả lời về nguyên nhân và việc xử lý đơn vị có liên quan từ phía ngành chức năng đối với vụ việc nêu trên.
Ông Nguyễn Ngọc Thụ, Trưởng phòng Trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa thông tin, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 trường hợp trẻ em tử vong liên quan đến tai nạn, thương tích.
Cũng theo ông Thụ, đơn vị đã tham mưu cho Sở có văn bản tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em.
Theo đó, Sở LĐ-TB&XH đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa trẻ em bị đuối nước, rơi, ngã.
Cụ thể: Thực hiện nghiêm các chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh về công tác phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng, chống đuối nước trẻ em. Đặc biệt, chú trọng công tác phòng ngừa tai nạn, thương tích, đuối nước, bị rơi, ngã trẻ em ở các khu chung cư, nhà cao tầng,...
Rà soát các quy định và việc thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng, trường học và các công trình xây dựng, khu chung cư, nhà cao tầng. Đồng thời, rà soát và phát hiện kịp thời các đồ dùng, công trình chứa nước, các khu vực hố nước, hồ ao, sông ngòi, vùng nước sâu, nguy hiểm thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em.
Sở LĐ-TB&XH đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định đối với các vụ việc khiến trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục về phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em đến cha mẹ, người chăm sóc trẻ, hộ gia đình, thôn, bản… để bảo đảm an toàn cho trẻ em và thực hiện việc cải tạo, sửa chữa các vị trí có nguy cơ xảy ra tai nạn, thương tích trẻ em.
Sở LĐ-TB&XH cũng đề nghị tích cực triển khai xây dựng ngôi nhà an toàn theo Quyết định số 548/QĐ-LĐTBXH của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về việc ban hành tiêu chí ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em và xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.
Tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng ngừa trẻ em bị đuối nước, bị súc vật cắn…; huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và của người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh báo, gia cố các khu vực có nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em.
Kịp thời phát hiện, có biện pháp hỗ trợ, trợ giúp đối với các trường hợp trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích và báo cáo về Sở LĐ-TB&XH để tổng hợp, phối hợp giải quyết.