Xây nhà nhân ái, trao học bổng tới học sinh quê hương Anh hùng Lý Tự Trọng

Dương Nguyên

(Dân trí) - Trung ương Đoàn đã có nhiều hoạt động an sinh, xây nhà tình nghĩa và trao học bổng tới học sinh khó khăn tại tỉnh Hà Tĩnh nhân dịp Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Anh hùng Lý Tự Trọng,

Sáng 19/10, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh đoàn Hà Tĩnh tổ chức chuỗi hoạt động an sinh xã hội nhân dịp Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Anh hùng Lý Tự Trọng (20/10/1914 - 20/10/2024).

Anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, lãnh đạo địa phương cùng đại diện thường trực các tỉnh, thành đoàn và đoàn trực thuộc tham dự chuỗi hoạt động tại Hà Tĩnh.

Xây nhà nhân ái, trao học bổng tới học sinh quê hương Anh hùng Lý Tự Trọng - 1

Trung ương Đoàn phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh trao quà cho học sinh (Ảnh: Giang Thanh).

Đoàn công tác đã trao tặng 105 suất học bổng và quà tặng tới học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các huyện Thạch Hà, Can Lộc; trao tặng bản đồ Tổ quốc hưởng ứng cuộc vận động tự hào một dải non sông và tivi hỗ trợ công tác dạy học tại Trường Trung cấp nghề Lý Tự Trọng; khởi công ngôi nhà nhân ái tặng một hộ dân ở huyện Thạch Hà.

Trung ương Đoàn cùng các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc đã triển khai lễ khánh thành, bàn giao các công trình tại Khu tưởng niệm Anh hùng Lý Tự Trọng.

Xây nhà nhân ái, trao học bổng tới học sinh quê hương Anh hùng Lý Tự Trọng - 2

Khởi công xây dựng nhà nhân ái tặng gia đình học sinh khó khăn ở Hà Tĩnh (Ảnh: Giang Thanh).

Trong chiều 19/10, đoàn tiếp tục khởi công xây dựng Ngôi nhà khăn Quàng đỏ tặng em Hoàng Nguyễn Tiến Đạt ở huyện Đức Thọ; khánh thành công trình bể bơi di động tại huyện Hương Sơn và trao tặng 50 suất học bổng tới học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các địa bàn.

Tổng giá trị nguồn lực an sinh xã hội trao tặng cho người dân và học sinh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh dịp này là hơn 1,9 tỷ đồng.

Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, sinh ngày 20/10/1914 ở bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan, nguyên quán xã Việt Xuyên, nay là xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Bố mẹ ông đều là những Việt kiều yêu nước và sớm giác ngộ cách mạng.

Năm 1926, Lê Hữu Trọng là một trong 8 thiếu nhi Việt kiều được chọn sang Quảng Châu (Trung Quốc) học tập. Đến nơi, Lê Hữu Trọng được đổi tên thành Lý Tự Trọng. Sau đó, chàng thiếu niên được giới thiệu vào học tại Trường Trung học Trung Sơn và được cử làm liên lạc cho Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội.

Năm 1929, Lý Tự Trọng về Sài Gòn - Gia Định với nhiệm vụ làm liên lạc bí mật trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam Kỳ và Trung ương Đảng, đồng thời được giao nhiệm vụ vận động, tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản.

Ngày 8/2/1931, các chiến sĩ cách mạng Việt Nam tổ chức một cuộc mít tinh chớp nhoáng nhưng bị mật thám của thực dân Pháp bắt gặp.

Lý Tự Trọng bị bắt giam, tra tấn dã man nhưng anh không hề khuất phục. Ngày 21/11/1931, Lý Tự Trọng bị kẻ thù xử chém, lúc bấy giờ mới 17 tuổi.

Trước tòa án của đế quốc thực dân, anh từng hiên ngang tuyên bố: "Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác...".

Câu nói đó sau này trở thành kim chỉ nam cho các thế hệ thanh niên cách mạng Việt Nam.