1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Vụ bé trai nghi bị cho hít ma túy: Những người mẹ tiếp tay cho tội ác!

Hoàng Chung

(Dân trí) - Nhiều chuyên gia cho rằng, trẻ có thể bị ảnh hưởng nặng nề khi sống trong môi trường bạo lực. Tiếp xúc với chất kích thích, trẻ sẽ không có được cảm giác chạm vào hạnh phúc của đời sống thực...

Những đứa trẻ bị tổn thương về thể xác và tinh thần, sống trong môi trường không an toàn đối diện với nhiều nguy cơ khi trưởng thành. Đáng nói, qua vụ bé trai bị dọa dẫm, nghi cho hút ma túy ở TPHCM, nhiều người lên án vai trò của người mẹ khi để con rơi vào tình cảnh trên.

Vụ bé trai nghi bị cho hít ma túy: Những người mẹ tiếp tay cho tội ác! - 1
Hình ảnh bé trai bị nghi cho hút ma túy ở TPHCM (Ảnh cắt từ clip).

Những hành vi "đầu độc" trẻ

Sau 2 ngày truy tìm, chiều 26/3, Công an huyện Hóc Môn (TPHCM) phối hợp với các đơn vị liên quan bắt hai người liên quan trong vụ việc bé trai 3 tuổi bị bạo hành, nghi bị ép hút ma túy để điều tra, làm rõ.

Bước đầu, cả hai khai nhận là đùa giỡn chứ không có ý định làm hại đến bé trai. Tuy nhiên, qua những clip ghi lại cho thấy trẻ bị mắng chửi khi còn nhỏ, bị dọa với các hành vi như dùng búa, kéo, tua vít, kìm dọa  gõ và kẹp vào vùng kín của bé khiến em phải đối diện với những tổn thương tâm lý.

Thạc sĩ tâm lí Lê Thị Minh Hoa nhìn nhận, trẻ em phải được sống trong môi trường an toàn, được cha mẹ yêu thương, chăm sóc mới có thể phát triển tốt cả về thể chất và tinh thần. Thông qua những hình ảnh ban đầu trong vụ việc có thể thấy, đứa trẻ đang sống trong một môi trường không an toàn, nguy cơ bạo lực như đề cập. Chưa kể, hình ảnh trong video clip còn cho thấy mối nghi người đàn ông cho bé sử dụng chất kích thích.

"Những hành động đó đang "đầu độc" đứa trẻ, ảnh hưởng tới sự phát triển hệ thần kinh của bé", bà Hoa nhận định.

Thạc sĩ tâm lí cho biết thêm, 6 năm đầu đời được gọi là 6 năm "vàng" với trẻ, nếu được tác động đúng, đủ thì đứa trẻ nó phát triển rất tốt và và trưởng thành về nhân cách. Còn 6 năm đầu đời mà trục trặc thường sẽ có không ít khó khăn khi nuôi dạy trẻ sau này.

Bà Hoa phân tích, khi người lớn tác động đến trẻ như đánh vào cơ thể, chửi mắng, dọa dẫm… đều làm tổn thương trẻ. Sự bạo hành càng nhiều, ảnh hưởng tâm lý càng lớn. Đứa trẻ có thể trở thành người quá nhút nhát, sống bó hẹp hoặc trở nên lì lợm, chai lì với cuộc sống. Thậm chí, trẻ có hành vi chống đối và có nguy cơ bạo hành lại người khác. Nặng hơn nữa, đứa trẻ sẽ bị rối loạn về tâm lý, chẳng hạn như trầm cảm hoặc bất thường về hệ thần kinh.

"Nhiều người cứ nghĩ là một đứa trẻ không biết gì, đánh rồi sẽ qua, trẻ sẽ quên nhưng không phải vậy. Những điều đó sẽ dồn nén lại, đến một lúc sẽ chi phối toàn bộ hành vi và suy nghĩ của trẻ. Để sửa chữa một con người rất khó, hàn gắn vết thương về tinh thần, thể xác còn khó hơn nữa", bà Hoa bày tỏ.

Vụ bé trai nghi bị cho hít ma túy: Những người mẹ tiếp tay cho tội ác! - 2

Thạc sĩ Lê Thị Minh Hoa - chuyên gia tâm lý (Ảnh: Hoàng Chung).

Đồng quan điểm, Thạc sĩ Đinh Văn Thịnh - Giám đốc Công ty Giáo dục kỹ năng Angel - phân tích, theo tâm lý học, trẻ em là giai đoạn đầu của phát triển tâm lý, nhân cách của con người. Xã hội học cũng cho rằng, trẻ em là người chưa có sự phát triển đủ về thể chất và tinh thần, do vậy, trẻ em cần được xã hội đồng hành quan tâm, bảo vệ, chăm sóc và nuôi dưỡng để phát triển một cách toàn diện.

Về pháp luật, trẻ em là những đối tượng được bảo vệ, đảm bảo được sống an toàn, lành mạnh, khỏi bị gây tổn hại về thể chất và tinh thần.

"Với các góc nhìn từ tâm lý, xã hội đến pháp luật, trẻ em cần phải được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục một cách toàn diện, lành mạnh, an toàn. Đứa trẻ trong video clip được đăng tải cho thấy những hình ảnh biểu hiện của việc bị bạo hành. Nếu điều tra kết luận những việc đó thật sự diễn ra thì đây là môi trường sống không an toàn và lành mạnh", ông Thịnh nhận định.

Theo ông Thịnh, những hành vi bạo lực sẽ tác động đến tâm lý trẻ trong quá trình sống, dấu vết hằn sâu bạo lực ấy sẽ làm trẻ gặp các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu… hoặc trẻ sẽ ám ảnh sợ quá khứ. Đồng thời, việc này sẽ ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi của trẻ trong cách giải quyết vấn đề, tức là dùng bạo lực, mắng chửi…

Trẻ thu hẹp mình trong các mối quan hệ của đời sống, thiếu tự tin, nhút nhát, vì sợ người khác sẽ làm tổn thương mình, ảnh hưởng đến sự phát triển bản thân, giao tiếp xã hội, động lực học tập, nghề nghiệp và ước mơ. Trẻ có thể bị mất phương hướng, bế tắc trong cuộc sống, dễ rơi vào tệ nạn xã hội.

Từ nhỏ nếu đã tiếp cận với những chất gây nghiện thì trong quá trình sống dễ dẫn đến việc trẻ tìm lại những cảm giác thời thơ ấu. Điều này làm trẻ chỉ sống trong những cảm giác thích thú của chất kích thích, không có được cảm giác chạm vào hạnh phúc của đời sống thực.

"Sống thiếu tình yêu thương, trẻ tủi thân, mất điểm tựa và động lực. Cùng với đó là sự hận thù… trẻ dễ dàng sống buông thả, bê tha và sa đọa về thể chất và tinh thần", ông Thịnh nêu ra những cảnh báo.

Vai trò quan trọng của cha mẹ

Thời gian gần đây xuất hiện nhiều câu chuyện về cha dượng, người tình của mẹ có những cái hành vi không chuẩn mực, thậm chí là xâm hại, gây tổn thương tới những đứa trẻ. Đáng nói, trong nhiều vụ việc xuất hiện bóng dáng của người mẹ tiếp tay cho tội ác hoặc biết nhưng không bảo vệ con.

Về góc độ này, Thạc sĩ Lê Thị Minh Hoa nhấn mạnh, bậc làm cha, làm mẹ cần xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mình với con trẻ cho đến khi trưởng thành. Dù là cha mẹ có vấn đề gì thì đứa trẻ vẫn phải được sống trọn vẹn trong tình yêu thương và sự chăm sóc của cha mẹ. Không thể vì mâu thuẫn của cha mẹ mà đối xử không tốt với con.

Đặc biệt là vai trò của người mẹ. Những người mẹ tiếp tay cho tội ác cần phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, phải bị lên án. Xã hội cũng cần truyền thông kiến thức tới bậc làm cha, làm mẹ để họ biết được gia đình là cái nôi hình thành nhân cách, là trường học đầu tiên của trẻ. Trong đó, người mẹ là người thầy đầu tiên. Cho nên, người mẹ cần có vai trò rất lớn trong quá trình nuôi dưỡng trẻ trưởng thành.

"Người xưa có câu "hổ dữ không ăn thịt con", cho nên người mẹ phải thấy được vai trò của mình trong sự phát triển của đứa trẻ", bà Hoa nhấn mạnh.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cho biết, Chi hội sẽ có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ vụ việc.

Bà Nữ nhận định, thông qua hình ảnh ban đầu được đăng tải, có thể thấy bé trai đang sống trong môi trường quá nguy hiểm. Hội Bảo vệ trẻ em sẽ có văn bản, công văn, phiếu cử luật sư để tham gia tư vấn, hỗ trợ bảo vệ và giúp bé trở về môi trường an lành.

Nữ luật sư nhấn mạnh, trong vụ việc này, ngoài xem xét "tội" của người đàn ông trong clip thì người mẹ phải chịu trách nhiệm khi để cho người khác xâm phạm tới sức khỏe con mình.