1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Vụ bé gái bị bạo hành: Ớn lạnh bức ảnh diễn cảnh "cả nhà thương nhau"

Hoài Nam

(Dân trí) - Bức ảnh "cả nhà thương nhau" chụp bé gái 8 tuổi vừa qua đời, bố ruột và người mẹ kế đã đánh đập, cướp đi mạng sống của em khiến nhiều người ớn lạnh về những "khuôn mặt giả trân"...

Cái chết đau đớn và tức tưởi của bé T.T.V.A, 8 tuổi ở TPHCM do bị mẹ kế bạo hành ám ảnh nhiều người trong những ngày qua. 

Mới đây, bức ảnh lung linh "cả nhà thương nhau" ghi lại cảnh bố đẻ V.A và bé gái ôm hôn người mẹ kế, cùng với bánh gato, với hoa chúc mừng, được chia sẻ làm nhiều người tiếp tục phải bật khóc, nghẹt tim... 

Vụ bé gái bị bạo hành: Ớn lạnh bức ảnh diễn cảnh cả nhà thương nhau - 1

Bức ảnh "cả nhà thương nhau" mà người mẹ kế và ông bố đẻ V.A từng "trưng face" được chia sẻ lại khiến nhiều người thắt tim khi đối chiếu với những vết thương, những đòn roi em phải chịu đựng về thể xác lẫn tinh thần (Ảnh chụp lại màn hình).

Sự hành hạ đứa trẻ không chỉ ở đòn roi, gậy gộc mà khủng khiếp không kém là hành hạ về tinh thần, cảm xúc. Nhiều người uất nghẹn với những gì mà bố ruột và mẹ kế dành cho đứa trẻ trong bốn bức tường gọi là "mái ấm" kia... 

Nhìn bức ảnh, một giảng viên đại học tại TPHCM thốt lên: "Một đứa trẻ đang sống giữa cha mẹ hạnh phúc, bỗng đùng một cái, cha nó âu yếm một người phụ nữ khác không phải là mẹ trước mắt. Con bé nhỏ thế, hẳn chưa hết sốc khi bị lôi khỏi vòng tay mẹ mà còn bị bắt hôn mẹ kế, diễn tuồng sống ảo".

Vụ bé gái bị bạo hành: Ớn lạnh bức ảnh diễn cảnh cả nhà thương nhau - 2
Vụ bé gái bị bạo hành: Ớn lạnh bức ảnh diễn cảnh cả nhà thương nhau - 3

Nhiều người tức "trào máu" khi nhìn bức ảnh, hình dung về những gì bé phải chịu đựng (Ảnh chụp lại màn hình).

"Xem bức hình, tôi bị ớn lạnh, nổi da gà. Bé gái, như vậy, có lẽ không chỉ bị tra tấn về thể xác mà nỗi đau đớn tinh thần với con cũng không thể diễn tả được...", một bà mẹ thốt lên. 

Trước đó, cộng đồng mạng đã phải choáng ngợp trước những hình ảnh được tô vẽ là một phụ nữ sang chảnh, hiện đại, bao dung của Võ Nguyễn Quỳnh Trang trên trang cá nhân. 

Ở phần mô tả, mẹ kế 26 tuổi trích dẫn câu tiếng Anh "I am not trying to give an image of a fairytale, perfect, everything else, I am just being myself" (tạm dịch "Tôi không muốn cố gắng xây dựng hình ảnh một tiên nữ, tôi chỉ muốn là chính mình"). Cô ta cũng phô diễn để mọi người hiểu bản thân quan tâm, yêu thương con riêng của chồng. 

Phía sau những "hình ảnh được tô vẽ" đó là sự thật trần trụi với tận cùng đau thương. Kết quả sơ bộ khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng xác định cháu A. tử vong do phù phổi cấp, trên cơ thể có nhiều tổn thương bầm tụ máu, gãy nhiều xương sườn, phần đầu cũng có vết thương, tụ máu, não phù...

Tại cơ quan điều tra, mẹ kế Võ Nguyễn Quỳnh Trang khai nhận, để dạy con riêng của chồng sắp cưới học bài, Trang đặt mua roi mây trên mạng, dùng gậy gỗ thường xuyên đánh V.A mỗi khi cháu làm bài sai.

Vụ bé gái bị bạo hành: Ớn lạnh bức ảnh diễn cảnh cả nhà thương nhau - 4

Phía sau những hình ảnh bố ruột và mẹ kế kỳ công tô vẽ là cảnh đứa trẻ bị bạo hành tàn ác.

Trang cũng nhiều lần dùng roi mây đặt mua trên mạng để đánh đập bé A. Vết tích để lại là những vết bầm tím lớn khắp cơ thể nạn nhân, vết mới chồng vết cũ. Thậm chí, khi roi mây gãy, Trang dùng gậy gỗ để đánh bé A.

Tại hiện trường, công an ghi nhận những hình ảnh đau lòng như: cây lau nhà bị gãy trên đó có dính chùm tóc của bé, bảng danh sách dài ghi hàng loạt việc bé phải làm hàng ngày... 

Còn bố ruột của bé, biết rõ con mình bị "mẹ kế" bạo hành, từng đưa cháu đi viện khâu vết thương... 

Sống ảo bất chấp nhân tính 

Trong một tọa đàm chia sẻ với giới trẻ, TS Dương Ngọc Dũng, ĐH KHXH&NV TPHCM cảnh báo một thực tế, nhiều người Việt, nhất là người trẻ, đang cuồng say lối sống ảo, chạy theo việc xây dựng hình ảnh trai xinh, gái đẹp, thành công, hào nhoáng trên mạng xã hội. Họ khát khao những thứ đó và họ bất chấp mọi cách để làm được như vậy... 

Cụ thể, người ta làm mọi cách để có những đánh giá, nhận xét, tâng bốc từ người khác đến mức quên hoặc làm ngơ, thậm chí chà đạp lên thực tế quanh mình. Có người xấu hổ, ấm ức nếu mình không xài đồ hiệu, không đi nước này nước kia, không xinh đẹp, sanh chảnh...

Đành rằng thế giới mạng có những khoảng trống cho mơ mộng, ảo tưởng. Nhưng một mặt bạo hành con trẻ tàn bạo, một mặt bắt bé thể hiện cảnh âu yếm, yêu thương, hạnh phúc thì đó không chỉ đơn thuần là sống mà như các chuyên gia xã hội học gọi tên, đó là "đỉnh cao của sự tàn ác, nhẫn tâm". 

Lật mặt một cái, nhá một bức ảnh, mọi thứ đã được đôi uyên ương "lột xác" lung linh. Đứa trẻ với những mất mát, đau đớn và tủi nhục vẫn bị bố ruột và mẹ kế lôi ra để làm cảnh, diễn hài, bất chấp những đòn roi, bạo lực em phải chịu đựng hàng ngày. 

Sau vỏ bọc gia đình hạnh phúc, mẹ kế yêu thương con chồng trong căn hộ cao cấp là địa ngục, giày xéo cả thể xác, tâm hồn và cảm xúc. Đứa trẻ càng trở nên cô đơn, khó với tay ra ngoài cánh cửa mà người lớn xung quanh tạo nên... 

Vụ bé gái bị bạo hành: Ớn lạnh bức ảnh diễn cảnh cả nhà thương nhau - 5

Trên trang cá nhân, người mẹ kế thường xuyên khoe hình ảnh sang chảnh, những lời lẽ đạo lý (Ảnh chụp lại màn hình).

Bà Phan Hồ Điệp, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội chua chát: "Có thể lắm, người ta nghĩ, một em bé trong một chung cư cao cấp có đầy đủ tiện nghi, có "bố mẹ" ăn mặc đẹp, bóng nhẫy thì kể thì không thể khổ được. Nhiều người lớn coi trọng sự ngay ngắn của quần áo hơn là sự ngay ngắn của tư cách, liêm sỉ. Bởi người ta nghĩ, quần áo luộm thuộm dễ bị người khác phát hiện hoặc không phô ra được sự giàu sang. Còn tư cách, liêm sỉ nếu "luộm thuộm", nhếch nhác, tởm lợm đến vô sỉ thì khó phát hiện hơn, dễ che giấu hơn"...

Bà Điệp nghẹn ngào nói với em bé xấu số: "Cô bé ơi, chắc bây giờ thì con đã biết, con người không phải cứ ở một mình tại một nơi thật xa, trên một hòn đảo trống trơn nào đó mới là cô đơn. Mà đôi khi, cô đơn nhất là khi ở giữa chốn đông người!".

Khi một người, thay vì rèn luyện, bồi đắp cho đạo đức, lối sống, nhân tính lại chạy theo hình ảnh bên ngoài, chăm chút từng ly từng tý cho chiếc áo, chiếc váy, cho từng khung hình... thì đó cũng là lúc các ác trở thành trơ trẽn. Và cũng vào lúc đó, những tiếng kêu cứu trở nên yếu ớt, khó được quan tâm hơn.