Việt Nam đạt nhiều thành tựu về bình đẳng giới

Gia Đoàn

(Dân trí) - Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác bình đẳng giới, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Những con số ấn tượng

Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế phụ nữ và đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030. Trong đó có các mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã nỗ lực cụ thể hóa các chính sách bình đẳng giới thành các văn bản pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia một cách bình đẳng vào các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội.

Kết quả là, vai trò và vị thế của phụ nữ đã có những bước tiến đáng kể. Phụ nữ ngày nay không chỉ đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, mà còn giữ các vị trí lãnh đạo cao cấp trong bộ máy nhà nước, với tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng không ngừng tăng qua các nhiệm kỳ.

Việt Nam đạt nhiều thành tựu về bình đẳng giới - 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới tại chương trình làm việc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, sáng 22/5 (Ảnh: Quang Vinh).

Đáng chú ý, 59% các bộ và cơ quan ngang bộ hiện có nữ lãnh đạo chủ chốt, và 74,6% chính quyền địa phương có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Đặc biệt, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đã đạt 30,26%, vượt mức trung bình toàn cầu.

Ngoài ra, khoảng cách giới trong tất cả các cấp học được thu hẹp rõ rệt; mạng lưới dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới được mở rộng; vai trò và vị thế của phụ nữ trong kinh tế cũng ngày càng vững chắc, với tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp vào năm 2024 đạt 28,2%.

Đặc biệt, nhiều nữ sĩ quan Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, thể hiện khả năng và tiềm năng mạnh mẽ của phụ nữ trong các nhiệm vụ quốc tế quan trọng.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Đào Ngọc Dung cho biết, những nỗ lực của Việt Nam trong công tác bình đẳng giới nói chung và tăng cường quyền năng và vị thế của phụ nữ thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

"Nhờ những nỗ lực này, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 đã đạt thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022. Đặc biệt, ngày 9/4, Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc đã bầu Việt Nam vào Hội đồng chấp hành cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025-2027", Bộ trưởng thông tin.

Quốc gia tiên phong về bình đẳng giới

Mặc dù được LHQ và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, song theo người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Một trong những vấn đề lớn là tư tưởng định kiến, phân biệt đối xử về giới, vẫn còn tồn tại và là trở ngại trong việc thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực giới tại Việt Nam.

"Vì vậy, việc thúc đẩy bình đẳng giới và quan tâm đến nhu cầu, lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trong lĩnh vực an sinh xã hội, vẫn cần được ưu tiên trong thời gian tới, nhằm tiến tới bình đẳng giới thực chất hơn", Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ nhấn mạnh.

Việt Nam đạt nhiều thành tựu về bình đẳng giới - 2

Bình đẳng giới là chìa khóa xóa bỏ bạo lực (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).

Trong quá trình thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ, Đảng và Nhà nước vẫn kiên định mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Chia sẻ về những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, đánh giá cao tỷ lệ tham gia của phụ nữ Việt Nam trong các cơ quan dân cử. Bà đặc biệt đề cao kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Bên cạnh đó, bà Pauline Tamesis ghi nhận những đóng góp tích cực của Việt Nam trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, với cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy sự tham gia của các nữ quân nhân vào các hoạt động này.

Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia tiên phong trong khu vực trong việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động gìn giữ hòa bình và triển khai chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh.

Bên cạnh đó, bà Pauline Tamesis khẳng định UNDP sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam để xây dựng một hệ sinh thái thuận lợi, tạo điều kiện cho các nữ doanh nhân và doanh nghiệp của họ phát triển mạnh mẽ.

Đại sứ một số nước khu vực Nam Mỹ tại Việt Nam như Venezuela, Colombia... đánh giá cao Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới của Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Trong bối cảnh phụ nữ ở nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang phải đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình, Việt Nam đã chủ động xây dựng, triển khai các chính sách về bình đẳng giới, xem đây vừa là nhu cầu thiết yếu, vừa là quyền con người cần được bảo vệ và thúc đẩy.

Điều này cho thấy, Việt Nam thừa nhận tầm quan trọng của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế và xã hội.