Vì sao trẻ em nông thôn có tỷ lệ đuối nước cao gấp 4 trẻ em thành thị?
(Dân trí) - Đây là khẳng định của đại diện Cục trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) về thực trạng đuối nước của trẻ em Việt Nam, đặc biệt là trẻ em vùng nông thôn hiện nay.
Theo thống kê, chỉ có 30% trẻ em từ 6-14 tuổi ở Việt Nam biết bơi. Tỷ lệ này khiến nhiều người lo ngại về tình trạng đuối nước của trẻ nhỏ, nhất là trẻ em nông thôn hiện nay.
Báo cáo Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu tại Việt Nam (GHAI) và Cục trẻ em, cho biết tỷ lệ trẻ em đuối nước tại Việt Nam đang đứng trong các tai nạn rủi ro hàng đầu.
Theo Cục Trẻ em, trong 10 năm qua, tình hình tử vong do đuối nước đã giảm, năm 2010 có 3.300 em tử vong do đuối nước, đến 2019 có hơn 2.000 em tử vong do đuối nước. Mặc dù số vụ đã giảm, nhưng đây vẫn là con số cao và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do tai nạn thương tích trẻ em Việt.
Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em cho hay: "Tai nạn đuối nước xảy ra ở khu vực nông thôn cao gấp gần 4 lần so với khu vực thành thị; xảy ra chủ yếu tại cộng đồng chiếm 77,6% (ao, sông, suối hồ biển, ngã xuống hố ga, hố xây dựng); 15,8% xảy ra tại gia đình; và 6,6% tại nơi khác. Đuối nước xảy ra chủ yếu vào những tháng học sinh nghỉ học".
Theo các chuyên gia về trẻ em, tình trạng trẻ em đuối nước tại nông thôn cao hơn thành thị do nhiều nguyên nhân: Trẻ em nông thông hiện nay có nhiều nguy cơ hơn do hệ thống sông ngòi, ao hồ vẫn nhiều; tình trạng trẻ em hiện nay không được học bơi, hoặc được bơi trong cộng đồng nhiều như trước kia.
Bên cạnh đó, tình trạng đô thị hóa khiến hệ thống ao hồ bị ô nhiễm, không có nơi tập bơi cho trẻ em nông thôn, trong khi đó hệ thống nhà bơi nhân tạo cho trẻ không hoặc ít được đầu tư... Đây là nguyên nhân khiến tỷ lệ trẻ em biết bơi tại nông thôn thấp.
"Trước đây, trẻ em thường đi chăn thả gia súc (trâu, bò...) nên thường đứa lớn, dạy đứa bé bơi, môi trường ao hồ, đầm đìa trước đây ít ô nhiễm hơn hiện nay nên trẻ em có thể học bơi ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, hiện nay, do tỷ lệ ô nhiễm ao hồ cao, trẻ em nông thôn không được tiếp cận với bơi lội sớm. Nhiều địa phương phía bắc, tỷ lệ trẻ em nông thôn biết bơi thấp, trong khi môi trường xung quanh ao hồ còn nhiều, đây là rủi ro lớn", chuyên gia về trẻ em của GHAI cho biết.
Theo bà Đoàn Thị Thu Huyền (Giám đốc GHAI), đuối nước trẻ em xảy ra nhiều nhất vào thời điểm mùa hè - đỉnh điểm vào tháng 6, chứ không phải trong mùa mưa bão. Do đó, để giảm thiểu tử vong do đuối nước, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho trẻ em ngay từ khi kết thúc năm học, kéo dài đến tháng 9, 10 khi trẻ trở lại năm học.
Để phòng ngừa trẻ em nông thôn đuối nước, theo các chuyên gia từ GHAI và Cục Trẻ em, trước mắt cần bảo vệ trẻ em ở những vùng có ao, hồ, đầm, sông. Bên cạnh đó, việc nhiều tổ chức tích cực xây dựng các bể bơi nhân tạo tại các vùng nông thôn là hình thức hợp lý bởi điều này sẽ tạo ra môi trường cho trẻ vừa là cơ hội để hướng dẫn bơi lội cho trẻ em khi có điều kiện.