1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

ĐBSCL:

Vì sao số người lao động ở miền Tây nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 68 còn ít?

Nguyễn Hành

(Dân trí) - Mặc dù ngành lao động An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp khẩn trương triển khai các gói hỗ trợ đến người lao động mất việc vì Covid-19. Nhưng đến nay, nhóm lao động này nhận hỗ trợ còn quá ít, vì sao?

Người lao động "mất việc"… nhận hỗ trợ còn quá ít

Theo lãnh đạo các Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp, việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động ảnh hưởng dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Thủ tướng Chính phủ luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm.

Sở phối hợp với các quận, huyện khẩn trương triển khai khi các văn bản của Chính phủ và UBND tỉnh có hiệu lực. Nhờ đó, nhiều chính sách hỗ trợ đạt tỷ lệ khá cao.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH các tỉnh này, tính đến ngày 1/9, số lượng người lao động (chính sách 4,5,6 Nghị quyết 68), nhận hỗ trợ còn khiêm tốn.

Vì sao số người lao động ở miền Tây nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 68 còn ít? - 1

Con số người lao động nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ còn khá thấp ở nhiều tỉnh, thành miền Tây.

Cụ thể, tại Kiên Giang, đến nay mới chi hỗ trợ 90 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Riêng số lao động ngừng việc đến nay chưa có hồ sơ nào.

Còn đối với nhóm người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Kiên Giang đang tiếp nhận, thẩm định hồ sơ của 10 lao động.

Tại An Giang, đối với nhóm lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương tỉnh đã chi hỗ trợ cho 632 người lao động. Nhóm lao động ngừng việc đã chỉ 8 lao động và nhóm người lao động chấm dứt hợp động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ 2 lao động.

Vì sao số người lao động ở miền Tây nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 68 còn ít? - 2

Trong khi đó, chính sách hỗ trợ cho nhóm lao động tự do nhiều tỉnh đã giải ngân trên 50%.

Còn tại Đồng Tháp, nhóm lao động "mất việc" do dịch Covid-19 được nhận hỗ trợ khả quan hơn. Cụ thể, đối với nhóm lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương tiếp nhận hơn 2.100 lao động, xét duyệt chi hỗ trợ hơn 1.700 lao động.

Tuy nhiên, với nhóm người lao động ngừng việc chưa có hồ sơ nào; Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ 76 lao động.

Doanh nghiệp chưa "mặn mà" vay vốn?

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn trả lương cho công nhân ngừng việc, toàn tỉnh Đồng Tháp có 4 doanh nghiệp. Chính sách hỗ trợ đào tạo, duy trì sản xuất đến nay chưa có doanh nghiệp nào nộp hồ sơ vay vốn.

Còn tại An Giang, có 17 doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc, với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng. Nhưng đến nay chưa có doanh nghiệp nào nộp hồ sơ vay vốn đào tạo, duy trì sản xuất.

Tại Kiên Giang, đến nay chỉ có 2 doanh nghiệp vay vốn trả lương cho công nhân ngừng việc với số tiền hơn 170 triệu đồng và một doanh nghiệp được vay vốn đào tạo, duy trì việc làm cho 70 lao động.

Nguyên nhân nào?

Khi Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kiên Giang được UBND tỉnh giao chủ trì phối hợp với các huyện, thành phố triển khai các gói hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 68, Sở LĐ-TB&XH Kiên Giang khẩn trương vào cuộc với tinh thần "làm hết việc, không hết giờ".

Tuy nhiên, đối với các đối tượng thuộc chính sách 4,5,6 số lượng người lao động nhận hỗ trợ đến nay vẫn còn rất thấp.

Theo ông Đặng Hồng Sơn- Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kiên Giang, người lao động thuộc chính sách 4,5,6 nhận hỗ trợ chưa cao là có nhiều nguyên nhân. Tỉnh Kiên Giang áp dụng Chỉ thị 16 trong công tác phòng, chống dịch khiến các đơn vị sử dụng lao động và người lao động chưa thể ngồi lại với nhau làm biên bản thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng.

Hơn nữa khi doanh nghiệp đóng cửa, người lao động về quê, hay người lao động nằm trong khu phong tỏa, cách ly tập trung,… cũng không thể nộp hồ sơ nhận hỗ trợ.

Vì sao số người lao động ở miền Tây nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 68 còn ít? - 3

Một trong những nguyên nhân người lao động nhận hỗ trợ còn ít là do thực hiện cách ly xã hội và thời hạn nộp hồ sơ kéo dài đến 31/12.

Ông Đặng Hồng Sơn cũng cho rằng: "Thời gian nộp hồ sơ nhận hỗ trợ kéo dài đến 31/12 mới hết hạn cũng là nguyên nhân doanh nghiệp, người lao động chưa vội hoàn thành hồ sơ để nhận trợ cấp theo Nghị quyết 68 của Chính phủ".

Còn theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp, mặc dù số lượng người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, không nhận lương, đạt tỷ lệ khá cao. Tuy nhiên vẫn còn nhiều lao động chưa thực hiện được hồ sơ là vì doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, một số doanh nghiệp chỉ thu hẹp sản xuất, không dừng hẳn sản xuất nên người lao động không đủ điều kiện nhận hỗ trợ.

Còn đối với chính sách cho doanh nghiệp vay vốn trả lương cho công nhân ngừng việc, đào tạo nghề, duy trì sản xuất. Theo ông Đặng Hồng Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kiên Giang, chính sách rất hữu ích cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, đối với các doanh nghiệp còn duy trì hoạt động sản xuất đang tập trung sản xuất và chống dịch.

Vì sao số người lao động ở miền Tây nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 68 còn ít? - 4

Đối với chính sách cho doanh nghiệp vay vốn trả lương công nhân ngừng sản xuất hoặc gói vay duy trì sản xuất, đến thời điểm 1/9, con số doanh nghiệp nộp hồ sơ vay cũng khiêm tốn.

Còn đối với doanh nghiệp đã ngừng sản xuất thì không "mặn mà" với việc vay vốn. Vì công nhân chưa trở lại doanh nghiệp. Do vậy việc vay vốn đào tạo nghề, duy trì sản xuất chưa phù hợp trong thời gian này.

Ông Châu Văn Ly - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang - cho biết: "Hiện tại tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16 và yêu cầu người dân "ai ở đây ở yên đó" để chống dịch. Vì thế, đây cũng là lý do, người lao động, đơn vị sử dụng lao động chưa khẩn trương tìm đến gói hỗ trợ mà lo tập trung phòng, chống dịch.

Riêng gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc, duy trì sản xuất kéo dài đến tháng 3/2022 nên các doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến gói vay ưu đãi này, vì thời gian còn khá dài.