Vị giáo sư "ăn mày" và hành động liều lĩnh khiến nhiều người nể phục

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Vị giáo sư tại Trung Quốc có bề ngoài xuề xòa, được mệnh danh là giáo sư "ăn mày", nhưng lại khiến nhiều người nể phục vì dùng cả quãng đời, tiền bạc để giúp người nghèo.

Năm 1984, người dân tại Trung Quốc bắt gặp một người đàn ông đi bộ suốt 225 ngày với quãng đường 12.686km trên dãy núi Đại Biệt (miền trung Trung Quốc). Ông là người đầu tiên trực tiếp kiểm tra toàn diện dãy núi này, để thu thập hàng nghìn mẫu thực vật mang về nghiên cứu.

Khi tìm hiểu, họ bất ngờ khi biết rằng đó là ông Hứa Gia Khánh (SN 1949), một vị giáo sư nổi tiếng có bề ngoài như… ăn mày.

Vị giáo sư ăn mày và hành động liều lĩnh khiến nhiều người nể phục - 1

Vị giáo sư "ăn mày", mặc một chiếc áo suốt 28 năm nhưng lại có hành động khiến nhiều người nể phục (Ảnh: Sohu).

Vị giáo sư "ăn mày"

Hứa Gia Khánh sinh ra trong một gia đình nghèo ở TP An Khánh (tỉnh An Huy), bố mẹ đều là nông dân. Gia đình khó khăn, bố mẹ ông luôn cật lực làm việc để nuôi dạy các con trưởng thành.

Thấu hiểu hoàn cảnh ấy, ngay từ nhỏ ông Khánh đã hiếu học, luôn hình thành thói quen tiết kiệm. Một lần lên thành phố phụ bố bán nông sản, ông Khánh vô tình bị rách áo.

Bố của ông dù không có nhiều tiền nhưng vẫn cắn răng mua cho ông chiếc áo mới, không quên dặn ông phải học hành chăm chỉ. Điều đó đã khiến ông càng trân trọng chiếc áo mà bố tặng, trở nên nỗ lực hơn.

Báo đáp công ơn của bố mẹ, ông Khánh đã đỗ vào trường đại học An Huy. Biết gia đình của ông khó khăn, nhiều dân làng và giảng viên đã giang tay giúp đỡ suốt những năm đại học của ông Khánh.

Vị giáo sư ăn mày và hành động liều lĩnh khiến nhiều người nể phục - 2

Vì gia cảnh nghèo khó, ông Khánh càng trân trọng đồng tiền và giá trị tạo ra cho cuộc sống (Ảnh: Sohu).

Trong 4 năm đại học, ông đã phát huy tính hiếu học của mình đến mức tối đa, dành hầu hết thời gian ở trong phòng thí nghiệm và thư viện.

Học bổng nhận được mỗi kỳ, ông Khánh không tiêu xài hoang phí mà chắt chiu, tiết kiệm từng đồng. Sau đại học, ông ở lại làm giảng viên, tham gia nghiên cứu về phân loại thực vật và làm thuốc từ thực vật suốt 7 năm. Khi kết hôn, ông cũng chỉ làm một đám cưới nhỏ để không hoang phí tiền bạc.

Dần dà, ông bắt đầu mở rộng nghiên cứu những thứ bên ngoài sách vở, cụ thể là lần đi bộ hàng nghìn km để tự khảo sát dãy núi Đại Biệt, nhằm nghĩ ra cách giúp dân làng thoát nghèo. Lúc đó, ông Khánh chỉ có 3.000 NDT (khoảng 10,3 triệu đồng) trong túi.

Hay tin, bố của ông một mạch chạy đến, cầm thêm 4.000 NDT của ông và dân làng gom góp, đưa cho Hứa Gia Khánh. "Con lớn lên bằng thức ăn của nơi này thì phải làm gì đó cho nơi này", bố của ông nói.

Nghe câu này, ông Khánh chực trào nước mắt, nguyện cống hiến sức lực cứu lấy tương lai của hàng trăm gia đình trong ngôi làng nghèo. Đối với người ngoài, ông luôn là một người đàn ông gầy gò, da ngâm đen, mặc bộ áo dài chắp vá. Không ai có thể nghĩ ông là một giáo sư nếu chỉ gặp lần đầu.

Trả ơn cuộc đời

Ông Khánh nhớ lại, trong suốt quá trình nghiên cứu ở dãy núi Đại Biệt, ông từng gặp phải thú dữ và suýt mất mạng. Những lúc ấy, ông Khánh luôn giữ chặt những mẫu thực vật trong tay mình. Thậm chí, ông còn bị chứng đau khớp sau thời gian dài đi bộ, cheo leo trên những vách đá ở khắp dãy núi.

Điều đó hoàn toàn không thể ngăn cản ông Khánh, vì bản thân ông quyết tâm muốn trả ơn cuộc đời. Những khó khăn trong quá trình nghiên cứu đã khiến ông thấu hiểu hơn sự vất vả của người dân nghèo trên núi. Vì vậy, ông càng muốn giúp họ thoát nghèo, kiếm tiền dễ dàng hơn.

Năm 1990, ông trở thành Phó Quận trưởng khoa học và công nghệ huyện Kê Tây, dùng những nghiên cứu của mình về nuôi tằm để giúp nhiều ngôi làng thoát nghèo.

Năm 1998, ông đã dành 305 ngày, thăm 8 tỉnh, thành phố, 426 ngôi làng và đi bộ 400km để dạy người dân cách trồng cây nưa Konjac và đạt được vô số thành tựu xóa đói giảm nghèo.

Toàn bộ số tiền kiếm được từ dự án nghiên cứu, ông Khánh dùng cho những chuyến đi "xóa nghèo" kế tiếp. Khi không có tiền, ông sẽ đi ăn xin để duy trì cuộc sống rồi tiếp tục nghiên cứu, giúp người nghèo.

Vị giáo sư ăn mày và hành động liều lĩnh khiến nhiều người nể phục - 3

Khi qua đời, vị giáo sư "ăn mày" nhận được sự cúi đầu kính trọng của nhiều người (Ảnh: Sohu).

Đến năm 2019, ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Vào giây phút cuối đời, ông Khánh đã ký thỏa thuận hiến giác mạc và nội tạng.

Khi ông Khánh trút hơi thở cuối cùng, nhiều người đã đứng cạnh giường bệnh của ông và cúi đầu, bày tỏ sự kính trọng dành cho vị giáo sư "ăn mày" này.

Theo www.sohu.com