Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Trưởng bon "đại lý... nợ", giúp đồng bào dân tộc cơ hội thoát nghèo
(Dân trí) - Gần 10 năm làm trưởng bon Bù Sê Rê 1, xã Đắk Ru (huyện Đắk R'lấp, Đắk Nông), anh Điểu Hoang nhiều lần đứng ra "chịu nợ" đại lý, sáng tạo trong thực hiện chính sách các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đây cũng là mô hình thực hiện hiệu quả Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Không sợ gánh nợ, chỉ sợ bon còn nghèo
Trong căn nhà khang trang, mới xây dựng cách đây chưa lâu, anh Điểu Hoang (SN 1985) dành vị trí trang trọng, treo những tấm bằng khen, giấy khen ghi tên mình.
Gần 20 năm tham gia công tác mặt trận, rồi trở thành Phó Bí thư Chi bộ, trưởng bon, đối với anh Hoang, đó là những tài sản vô giá và là niềm hãnh diện của bản thân, gia đình.
Xuất phát từ tình trạng này, anh Hoang làm việc với một số hộ kinh doanh trên địa bàn để hộ nghèo trong bon được "mua chịu" máy móc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Sau mỗi mùa thu hoạch, người dân có trách nhiệm phối hợp với anh Hoang để trả nợ.
Chia sẻ về câu chuyện đứng ra "chịu nợ" cho người dân, anh Hoang kể: "Có rất nhiều hộ dân muốn thoát nghèo nhưng không có tiền đầu tư làm ăn. Trong khi sự hỗ trợ của Nhà nước có hạn thì mình phải linh động, tìm cách giúp người dân trong bon thoát nghèo. Tôi đứng ra mua giúp người dân ống nước, máy cắt cỏ, phân bón… để bà con yên tâm sản xuất".
Hiện nay, đã có hàng chục hộ dân được anh Hoang đứng ra hỗ trợ mua nông cụ sản xuất. Đặc biệt, có khi mua được máy cắt cỏ còn tranh thủ thời gian đi làm thuê, giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Anh Điểu Thuật là một trong những hộ dân được anh Hoang hỗ trợ mua máy móc. Những năm qua, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ ý nghĩa này mà gia đình anh Thuật đã ổn định đời sống, không còn cảnh chạy ăn từng bữa.
"Mấy năm trước tôi không có tiền mua ống dẫn nước, mua máy bơm, anh Hoang đã đứng ra mua chịu giúp. Cuối năm đó, chúng tôi trả được nợ cho đại lý, không làm mất uy tín của trưởng bon", anh Thuật cho hay.
Mở lớp dạy miễn phí cho học sinh nghèo
Đảm nhiệm vai trò trưởng bon Bù Sê Rê 1 nhiều năm qua, điều anh Hoang trăn trở nhất vẫn là tình trạng nghèo bền vững ở một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
Theo vị trưởng bon, để người dân thoát được nghèo thì điều quan trọng nhất là giúp người dân có ý thức thoát nghèo. Cũng từ điều này, hàng ngày vào khoảng 19h, lớp học bổ túc văn hóa được anh Hoang mở ra dành cho trẻ em trong bon.
Không phân biệt tôn giáo, dân tộc, bất cứ đứa trẻ nào cũng được vào lớp học. Đứng lớp là hai cô giáo người M'nông, cũng chính là em gái anh Điểu Hoang.
"Ngày trước, tôi chỉ học đến lớp 9. Khi ấy gia đình không có điều kiện, nên mình phải chấp nhận nghỉ học để phụ giúp bố mẹ. Ngày nay đời sống kinh tế đã khá hơn, tôi luôn động viên con, em trong nhà đi học để có cuộc sống tốt hơn.
Đối với người dân trong bon, hộ nào khó khăn không đủ điều kiện cho con đi học thêm, cứ đến nhà tôi để bổ túc văn hóa", trưởng bon Bù Sê Rê 1 nói về lớp học ngay bên hiên nhà mình.
Lớp học đã được duy trì trong suốt gần 2 năm qua. Học viên là trẻ em trong bon, gồm cả học sinh người M'nông, Dao, Hoa và Kinh. Tham gia lớp học, các em được hỗ trợ sách, vở và bổ trợ kiến thức, phục vụ học tập tại trường.
Ông Lê Văn Viện, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Ru, đánh giá trong thời gian qua, anh Điểu Hoang đã tích cực tham gia công tác của bon, đặc biệt là tuyên truyền, vận động người dân thoát nghèo và làm đường giao thông nông thôn.
Đặc biệt, để người dân nghe và làm theo, anh Điểu Hoang phát huy trách nhiệm là Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bon, đi đầu trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình và nuôi dạy con cái.