"Trẻ ở nhà đã quá lâu, sống ảo quá lâu, nhiều thứ sẽ chết đi, như cảm xúc!"
(Dân trí) - Không phải là vấn đề kiến thức, việc cần cho trẻ quay lại trường, theo nhiều chuyên gia giáo dục, y tế là vì trẻ ở nhà lâu dài có nhiều tác động nguy hiểm đến tâm lý, sự phát triển cảm xúc.
Khi các trường bắt đầu mở cửa hoạt động trở lại sau đợt nghỉ kéo dài vì dịch bệnh Covid-19 thì gặp phản ứng: Phụ huynh chưa muốn cho con quay lại trường.
Hoạt động trở lại theo quy định, Trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội mới đây, ngày đầu tiên có 33 em đi học trực tiếp, ngày thứ 2 chỉ có 9 em. Tính cả hai buổi, chỉ có 42/681 học sinh đến trường học trực tiếp, chiếm hơn 6,1% trên tổng số học sinh khối 12 của trường.
Tại TPHCM, kết quả khảo sát lấy ý kiến với hơn 121.000/131.000 phụ huynh lớp 1 về việc đi học lại có đến hơn 70% phụ huynh không đồng ý cho con đi học trực tiếp trở lại, có nhiều trường ghi nhận không có phụ huynh nào đồng ý cho con đi học lại.
Mới đây, TPHCM phải tạm hoãn kế hoạch cho trẻ lớp 1 và 5 tuổi quay trở lại trường. Dự báo ngày 13/12 tới đây, học sinh lớp 9 và 12 quay lại trường cũng sẽ khó tránh cảnh... hẩm hiu.
Nói về kế hoạch TPHCM cho học sinh bắt đầu đi học lại, TS Dương Minh Thành, Trưởng khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm TPHCM chia sẻ, ông ủng hộ việc này và đánh giá đây là một trong những quyết định dũng cảm của ngành giáo dục thành phố.
Nếu nói về "thích" hay "không thích" thì dĩ nhiên sẽ có nhiều người không thích trẻ đi học lại. Theo ông Thành, lý do đưa ra thì nhiều nhưng ủng hộ hay không, cần có sự suy nghĩ cặn kẽ, nếu không sẽ bị cảm tính chi phối.
Biết còn nhiều phụ huynh không muốn con mình đi học lại dù đã tiêm chủng đủ, ông Dương Minh Thành chia sẻ, ý nghĩ đầu tiên đến với ông: "Tội nghiệp mấy đứa nhỏ quá!".
"Trong khi bạn bè đi học, còn mình thì lại ở nhà theo dõi qua camera. Bạn bè được chạy nhảy, mình thì ngồi, nằm một chỗ. Liệu chúng ta có vô tình không để ý đến sức khỏe tinh thần và vấn đề tâm lý của trẻ?" - TS Dương Minh Thành băn khoăn.
Ông Thành phân tích: "Những đứa trẻ đã ở nhà quá lâu. Đã tách khỏi xã hội quá lâu. Đã ở trong không gian mạng quá lâu. Đã sống ảo quá lâu. Trở lại trường là cơ hội để đứa trẻ được bình thường lại. Nếu không nhiều thứ sẽ chết đi, chẳng hạn như cảm xúc. Không bắt đầu bây giờ thì chờ đến bao giờ?".
Trẻ không sớm quay lại trường, có thể ảnh hưởng đến cả thế hệ
Trong chương trình tư vấn "Học sinh trở lại trường - Phụ huynh làm gì với nỗi sợ F0?", bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhấn mạnh, thời điểm này, khi đã phủ vaccine, cần cho trẻ đi học lại.
Trẻ nghỉ ở nhà quá lâu, điều đáng lo nhất là các em mất tương tác, không nhận diện được những cảm xúc mặt buồn, mặt vui, mặt cười, mặt giận... của người khác. Trẻ phải nhận diện, cảm nhận được điều này, mới phát triển được. Chưa kể, trẻ ở nhà không có người chăm sóc, bố mẹ không đi làm được.
"Tôi lo là lo điều này chứ không lo trẻ không đến trường thì thất học về văn hóa", bác sĩ Trương Hữu Khanh nêu quan điểm và cho rằng, điều này có thể ảnh hưởng đến cả thế hệ.
Về góc độ y tế, bác sĩ Khanh nhấn mạnh, trẻ nhiễm Covid-19 thường nhẹ nên phụ huynh không nên quá lo lắng. Chỉ lưu ý với đối tượng nguy cơ chuyển biến nặng như béo phì hoặc có bệnh nền nặng như suy thận, suy gan giai đoạn cuối, chậm phát triển nặng, tim bẩm sinh nặng…
TS Dương Minh Thành bày tỏ, người lớn đang cố thoát ra thế giới mạng, thế giới ảo mà chính họ đã tạo ra. Con nít thì lại bị đẩy vào hoặc bị hút vào thế giới đó. Trong khi, trước đó người lớn đã xài gần hết thế giới tự nhiên của con nít rồi.
"Tôi ủng hộ việc kéo đứa trẻ ra khỏi thế giới ảo, trả chúng về thế giới thực đáng ra chúng được sống. Xa hơn là trả lại thế giới tự nhiên mà tụi nhóc đáng được hưởng", chuyên gia giáo dục này trải lòng.
Ông Thành cũng chia sẻ thêm, trẻ em là chủ nhân tương lai của thế giới. Hãy trao chủ nhân tương lai đó một thế giới thực tốt đẹp chứ không phải là một thế giới ảo toàn bê tông, dây nhợ và sóng điện từ.