1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Trao quyền cho phụ nữ nhưng đừng "bỏ quên"... đàn ông!

Hoài Nam

(Dân trí) - Trao quyền cho phụ nữ, nếu chỉ nhấn mạnh đến vai trò của phụ nữ sẽ càng "khoét" sâu bất bình đẳng giới. Bên cạnh đó, cần đưa vai trò nam giới vào cuộc mạnh mẽ hơn...

Đó là vấn đề bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh tại tọa đàm "Hành trình trao quyền cho phụ nữ", tổng kết một năm hành trình chung tay thúc đẩy quyền năng phụ nữ Việt "Vẹn tròn cuộc sống - Làm chủ tương lai" diễn ra vào chiều 1/12.

Bà Trần Thị Hương chia sẻ thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp và đặc biệt là đại dịch Covid-19 gây hậu quả, tác động nặng nề đến sự phát triển kinh tế xã hội và cuộc sống mỗi gia đình.

Trao quyền cho phụ nữ nhưng đừng bỏ  quên... đàn ông! - 1

Các chuyên gia trao đổi về trao quyền cho phụ nữ tại tọa đàm (Ảnh: CTV).

Trong bối cảnh đó, phụ nữ Việt Nam nói chung và nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương đang phải gánh chịu những tác động tiêu cực với các nguy cơ hiện hữu như mất việc làm, thất nghiệp, giảm thu nhập, gánh nặng chăm sóc con cái, gia đình… 

Giai đoạn 2020-2021, Hội triển khai chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ" thông qua việc tăng cường các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện trong thời kỳ chuyển đổi số, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, khởi nghiệp, tăng thu nhập, xây dựng gia đình hạnh phúc, đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em. 

Qua một năm thực hiện, dù giai đoạn này có nhiều tác động khách quan nhưng tính đến 11/2021 có tổng số 9 tỉnh, 321 xã, 70 huyện và 1.946 hội viên tham gia triển khai chương trình. Các hoạt động truyền thông, tập huấn hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng; các mô hình sinh kế đã dần có thu nhập, cuộc sống của hội viên phụ nữ dần được nâng cao về chất lượng, tạo công ăn việc làm bền vững. 

Trao quyền cho phụ nữ nhưng đừng bỏ  quên... đàn ông! - 2

Bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam lưu ý nhấn mạnh đến vai trò của phụ nữ nhưng không để khoét sâu bất bình đẳng giới (Ảnh: CTV).

Tại tọa đàm, các chuyên gia chỉ ra thực trạng bất bình đẳng giới đang là rào cản đối với quản trị và phát triển nguồn nhân lực. Vì vậy, thúc đẩy các giá trị bình đẳng, trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt phụ nữ trong doanh nghiệp không chỉ xóa bỏ được các rào cản mà còn là yếu tố đầu tư chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.  

Việc vận dụng những nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ sẽ đem lại lợi ích thiết thực tại nơi làm việc, cho cả người sử dụng lao động và người lao động là việc vô cùng cần thiết. 

Theo bà Trần Thị Hương, bên cạnh việc không ngừng vận động các chính sách, cơ chế cùng các doanh nghiệp tạo cơ hội để phụ nữ phát huy năng lực, khẳng định được vị thế của mình, việc trao quyền cho phụ nữ cũng cần quan tâm đến việc... lôi kéo đàn ông vào cuộc.

"Đàn ông cần thấy vai trò của mình, tin rằng mình có thể làm được. Nếu chúng ta chỉ nhấn mạnh đến vai trò của phụ nữ sẽ càng khoét sâu bất bình đẳng giới",  Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam bộc bạch.

Trao quyền cho phụ nữ nhưng đừng bỏ  quên... đàn ông! - 3

Phụ nữ có tay nghề là yếu tố quan trọng trong hành trình chống bất bình đẳng giới (Ảnh: CTV).

Tạo nghề nghiệp bền vững cho phụ nữ là một trong những yếu tố quan trọng trong hành trình trao quyền cho phụ nữ, chống bất bình đẳng giới. 

Về khía cạnh này, bà Phạm Thị Hoàn, Phó Vụ trưởng vụ đào tạo thường xuyên, Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) đã chia sẻ về định hướng tập trung rà soát lại chính sách đào tạo người lao động, trong đó có chính sách ưu tiên đào tạo lao động nữ.  

Ngoài ra, không ngừng đổi mới giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp để triển khai đào tạo người lao động theo nhu cầu, thích ứng với công nghệ mới, theo hình thức liên thông, linh hoạt về thời gian, địa điểm; chính sách cho vay vốn nhằm đáp ứng nhu cầu của chị em vừa sản xuất, vừa nâng cao trình độ, vừa chăm lo được gia đình.