1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

TPHCM: Cán bộ đến tận nhà trao tiền hỗ trợ cho người dân từ gói 886 tỷ đồng

Xuân Hinh

(Dân trí) - Bất ngờ được cán bộ phường Đa Kao, quận 1, đến trao 1,5 triệu đồng, ông Vương Chí Tài (72 tuổi) làm nghề bán vé số nghẹn ngào: "Tôi đỡ vất vả hơn rồi".

TPHCM: Cán bộ đến tận nhà trao tiền hỗ trợ cho người dân từ gói 886 tỷ đồng - 1

Ông Tài nghẹn ngào khi được cán bộ phường đến tận nhà trao tiền hỗ trợ. 

Hơn 2 tháng nay, ông Vương Chí Tài (72 tuổi, ngụ phường Đa Kao, quận 1) gần như không có thu nhập, khiến cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Công việc bán vé số của ông Tài đã khó khăn nay còn khó khăn hơn. Nhiều ngày qua, ông phải nhận hỗ trợ của các tầm lòng từ thiện để ổn định cuộc sống.

Gần trưa 12/7, khi cả gia đình ông Tài đang nghỉ thì nghe tiếng gõ cửa. Cán bộ phường Đa Kao, quận 1 gọi khi đến tận nhà trao tiền hỗ trợ cho ông.

Sau khi nghe cán bộ thông báo, ông Tài vào nhà lấy giấy tờ tùy thân để đối chiếu thông tin. Ông được cán bộ địa phương trao 1,5 triệu đồng từ gói hỗ trợ của TPHCM.

"Dịch khó khăn quá, nhờ được hỗ trợ mà những ngày tới tôi đỡ vất vả hơn rồi. Tôi xin cảm ơn Nhà nước đã giúp người dân vượt qua khó khăn" - ông lão nhận tiền và chia sẻ trong xúc động. 

Ông Tài làm nghề bán vé số đã nhiều năm. Nhà ông có 4 người, đều làm nghề tự do, thu nhập bấp bênh suốt thời gian qua.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thành phố giãn cách xã hội, mọi người trong nhà hầu hết đều nghỉ làm để phòng dịch. Vì không có tiền dự phòng nên cuộc sống những ngày qua của ông Tài gặp nhiều khó khăn.

TPHCM: Cán bộ đến tận nhà trao tiền hỗ trợ cho người dân từ gói 886 tỷ đồng - 2

Phường Đa Kao đã rà soát hồ sơ và dự trù 900 triệu đồng để hỗ trợ cho người dân.

Cùng hoàn cảnh như ông Tài, bà Nguyễn Thị Kim Loan (65 tuổi, cùng ngụ hẻm 84 phường Đa Kao), cũng gần kiệt quệ vì dịch Covid-19.

Bốn người trong gia đình bà Loan đều là lao động tự do. Bà bán nước ngọt và bánh kẹo rong khắp thành phố nhiều năm qua.

Từ ngày giãn cách xã hội, chiếc xe đẩy cùng nhiều hàng hóa tồn đọng bị bỏ trong xó nhà. Các thành viên cứ nhìn nhau rồi buồn bã, thở dài vì không có thu nhập.

Sau khi xét duyệt tiêu chuẩn, cán bộ phường đến trao hỗ trợ cho bà Loan và 3 người trong gia đình, mỗi người 1,5 triệu đồng.

"Tôi mong dịch sớm qua để tự đi làm nuôi gia đình. Tôi cảm ơn Nhà nước đã hỗ trợ tôi và gia đình có tiền mua gạo và lương thực dự trữ. Số tiền còn lại tôi để phòng khi ốm đau", bà Loan nói.

Theo ông Hồ Tiến Huy, Phó chủ tịch UBND phường Đa Kao, trên địa bàn có 750 người là lao động tự do, như: bán vé số, chạy xe ba gác, giao hàng bằng xe thô sơ, bán hàng rong. Phường đã rà soát hồ sơ và dự trù 900 triệu đồng để hỗ trợ cho người dân.

Để đảm bảo công tác phòng dịch, phường đã tổ chức phát tiền hỗ trợ tận nhà từ ngày 9/7 với lao động cao tuổi, khuyết tật... Những người còn lại sẽ trao tại trụ sở phường, khu phố hoặc qua thẻ tài khoản của người dân.

Phường họp trực tiếp lẫn trực tuyến để đẩy nhanh việc xét duyệt, để người dân sớm nhận được tiền. Danh sách tại các tổ dân phố đều đã nắm rõ, tuy nhiên do dịch nên công tác hỗ trợ còn nhiều hạn chế. Dù vậy, phường sẽ cố gắng để người dân nhận được tiền sớm nhất - ông Huy chia sẻ.

Theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, đến nay, TP đã giải ngân hơn 100 tỷ đồng hỗ trợ tới 62.000 lao động tự do. Cụ thể, Quận 12 có 7.129 lao động được hỗ trợ 10,6 tỷ đồng; huyện Củ Chi đã chi 10,83 tỷ đồng; Quận 5 đã chi 10,74 tỷ đồng.

Dự kiến trong tháng 7, khoảng 230.000 lao động tự do sẽ được nhận hỗ trợ. Nhóm đối tượng này không cần phải làm đơn xin nhận hỗ trợ hay các thủ tục khác, chính quyền địa phương sẽ tổng hợp danh sách và xét duyệt. Người dân chỉ lên ký nhận, tiền sẽ chuyển vào tài khoản hoặc chi trả tận tay cho người dân.