Chống bạo lực gia đình:

"Tôi hóa điên hóa dại khi chồng suốt ngày nức nở khen... cô em họ"

Hoài Nam

(Dân trí) - Cuộc hôn nhân của chị Lam kết thúc 5 năm trước vì nhiều lý do nhưng ám ảnh nhất với chị đến cả lúc này là việc chồng luôn ca ngợi và so sánh vợ với cô em họ.

Ý kiến "Chồng suốt ngày khen hàng xóm xinh đẹp, chu đáo... cũng là hành vi bạo lực gia đình" mà đại biểu quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, Ủy viên UB Tư pháp của Quốc hội) khơi lên tại phiên thảo luận về dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi chiều 31/5/2022 lập tức gây sốt dư luận.

Vấn đề nêu ra thổi bùng lên những tranh luận. Nhiều người bày tỏ sự ngạc nhiên, thậm chí cười cợt rằng như vậy "khen người khác cũng có tội". Có ý kiến cho rằng đó là "chuyện nhỏ", liệu có đáng xem xét trên bàn nghị sự của Quốc hội khi "nhà còn bao việc".

Tôi hóa điên hóa dại khi chồng suốt ngày nức nở khen... cô em họ - 1

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề xuất xem xét quy định, việc chồng suốt ngày khen hàng xóm xinh đẹp, chu đáo... cũng là hành vi bạo lực gia đình (Ảnh: Quochoi.vn).

Nhưng ai đã từng trải qua cảnh "chồng khen vợ người ta" mới cảm nhận rõ đó là hành vi chà đạp, một dạng bạo hành tinh thần không kém phần tàn nhẫn so với nắm đấm. 

"Ước gì con vợ mình được phần như cô em... họ"

Chị Trần Ngọc Lam, 39 tuổi, làm kế toán tại một siêu thị ở TPHCM ly hôn 5 năm trước trong sự ngạc nhiên của tất cả mọi người. Chị thừa nhận chồng mình không vướng vào "tứ đổ tường" của cánh đàn ông, không rượu chè, trai gái, cờ bạc, vũ phu.

Nhưng như chị nói "chỉ ở trong chăn mới biết rận bò theo kiểu nào". Chồng chị ra ngoài thoáng tính nhưng ở nhà lại cực kỳ bủn xỉn và keo kiệt với vợ con, kiểu như vợ con sung sướng là anh không tài nào chịu nổi. Anh chi ly từng đồng, vợ mua sắm đồ dùng trong nhà anh cùng càm ràm, đay nghiến. Tất cả đồ dùng trong nhà như tủ lạnh, máy giặt, bàn ghế... anh chỉ cho vợ sắm đồ cũ, còn không sẽ khó chịu, chửi bới. 

Hiểu rằng con người không ai hoàn thiện, chị Lam vẫn cố gắng nhịn cho qua. Vậy nhưng, một đặc điểm của chồng khiến chị không thể nào chịu thêm nổi là luôn so sánh vợ với người khác, ca tụng người khác kèm thái độ chán chường, thất vọng về vợ. 

Tôi hóa điên hóa dại khi chồng suốt ngày nức nở khen... cô em họ - 2

Chị Lam uất hận khi nhớ câu chồng nói trước mặt mọi người: "Ước gì con vợ mình được một phần như... cô em họ" (Ảnh minh họa).

Năm chị sinh con, bé rất quấy, trào ngược nôn ói thường xuyên khiến mẹ rất vất vả, loay hoay với con cả ngày trong mấy tháng thai sản. Cùng thời điểm, cô em họ của chị cũng sinh đứa thứ 2, nuôi con thuận lợi, sinh xong vài tuần là đã ngồi vào máy làm hồ sơ, sổ sách, buôn bán... Chồng chị suốt ngày khen em gái họ xinh đẹp, giỏi giang này kia, chị Lam chỉ cười cho qua. 

Đến một lần, gia đình tụ họp, giữa bao nhiêu người, chồng chị ca tụng: "Cô Sương đã xinh đẹp lại còn tài giỏi. Cũng đẻ đái mà cô đã làm việc ngay, đâu ra đó, dáng lại đẹp như con gái". Chị Lam ngồi ôm con, nghẹn đắng. 

Nhưng chưa hết, anh ta còn tiếp: "Ước gì con vợ mình được một phần như cô Sương thôi cũng đủ mừng". Đến cô em họ còn chối tai, phản ứng: "Mỗi người khác nhau, mỗi trẻ mỗi tính anh rể ơi. Vợ anh sinh lần đầu, lại không có ông bà giúp như nhà em, vất vả hơn nhiều". Thế nhưng chồng chị vẫn bĩu môi mỉa mai vợ: "Có mỗi đứa con làm quá lên, làm như mỗi mình đẻ". 

Chị như hóa điên hóa dại!

Đến giờ, ly hôn đã 5 năm, nghĩ lại cảnh tượng lúc đó, cảm giác căm ghét chồng cũ vẫn chảy rần rần trong chị. Ngoài việc bản thân bị chồng xúc phạm, hạ giá trị, chị còn cảm thấy kinh thường người đàn ông với hành vi chị gọi là "khốn nạn" khi bày trò chê bai, so sánh vợ mình với người khác. 

Chồng khen vợ người khác là "đàn bà biết đẻ"

Nhắc đến chuyện chồng khen ngợi những người phụ nữ khác rồi đưa vợ ra so sánh là chị Lê Thanh Tâm, 37 tuổi, ở Gò Vấp, TPHCM lại cay nghẹn ở cổ. Bất cứ là điều gì, chồng chị cũng chê vợ bằng được.

Chuyện nhan sắc, anh lôi từ hoa hậu, người mẫu cho đến cô bán bánh mỳ đon đả đầu ngõ ra để so, để than ngắn thở dài chê vợ mập, vợ đen. 

Mọi chi tiêu trong gia đình một mình chị Tâm gánh, chồng dù thu nhập cao cũng chỉ thanh toán trả góp tiền nhà, mỗi tháng đưa chưa đến 7 triệu đồng, còn có tiền là anh gửi về cho bố mẹ ở quê sửa nhà, đắp mộ. Nhưng do ăn chơi đua đòi, mê xe cộ, cá độ nên chồng chị nợ ngập đầu bên ngoài. 

Tôi hóa điên hóa dại khi chồng suốt ngày nức nở khen... cô em họ - 3

Rất nhiều người vợ sống trong cảnh bị chồng chê bai, xúc phạm (Ảnh minh họa).

Lỗi của mình, anh cũng đổ lên đầu vợ. Anh chê bai công việc, thu nhập của vợ, chê vợ chẳng lo được gì cho chồng, cho nhà chồng. Anh thường đưa những cô vợ của các ông bạn trong hội mê xe ra khoe, khen đã đẹp rồi còn giỏi, lo được kinh tế, tâm lý, chồng nợ nần hay thiếu thốn gì là vợ... mang tiền đến "giải cứu" ngay. 

Chị Tâm sợ nhất là những phụ nữ vừa đẹp, nuôi con khéo, giỏi kiếm tiền lại chiều chồng xuất hiện quanh mình và cả trên mạng xã hội. Không phải cô ghen tỵ với họ mà kiểu gì chồng cô cũng nghiến hai hàm răng rồi dí sát vào mặt chị: "Cô nhìn người ta đi!".

Đến cả việc vợ chồng sinh hai cô con gái, không có con trai, anh ta cũng trút sang vợ, thường xuyên đưa vợ bạn, vợ đồng nghiệp, em út họ hàng khắp nơi khen "người ta là đàn bà biết đẻ" để mỉa mai, mắng xéo vợ. 

Chị Tâm trải lòng, dường như mình cố gắng bao nhiêu cũng không đủ, luôn bị chồng tạt nước lạnh vào người, nguyên cớ kéo theo nhiều xung đột trong gia đình.

Lý do không hề tầm phào

Chia sẻ về ý kiến "chồng suốt ngày khen hàng xóm xinh đẹp, chu đáo... cũng là hành vi bạo lực gia đình" đang gây tranh cãi, TS.Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) cho rằng, luật càng chi tiết càng tốt, càng chứng tỏ những người làm luật muốn luật thực sự là công cụ hiệu quả để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý, răn đe những hành vi sai trái.

Việc các đại biểu quốc hội đưa ra nhiều ví dụ về hành vi bạo lực gia đình càng chứng tỏ họ quan tâm và có trách nhiệm đối với vấn đề này. Những thông tin, phát biểu như vậy được đưa đầy đủ, chân thật, khách quan.

Theo nữ tiến sĩ, người vợ suốt ngày so sánh chồng với người khác bằng những lời miệt thị, coi thường, xúc phạm thì đó cũng là bị bạo lực tinh thần. Việc chồng suốt ngày ngắm nghía cô hàng xóm rồi chê bai, xỉ nhục, ghẻ lạnh vợ… cũng là hành vi bạo lực tinh thần. Những người chế giễu, cười cợt vấn đề được nêu ra có lẽ chưa bao giờ rơi vào tình cảnh như vậy nên nghĩ chưa tới.

TS Khuất Thu Hồng cho rằng, các đại biểu Quốc hội khi nêu vấn đề cần có lập luận vững chắc cho quan điểm của mình. Việc liệt kê hành vi bạo lực thì bao nhiêu cũng không hết, không đủ. Vậy nên cần chia các dạng bạo lực thành các nhóm lớn như bạo lực thể xác, bạo tinh thần, bạo lực tình dục, bạo lực kinh tế... và lấy ví dụ cho từng nhóm. 

"Ngoài ra, tôi mong những người làm luật tập trung vào các giải pháp phòng ngừa và xử lý bạo lực gia đình" - bà đề xuất bỏ quy định hòa giải, buộc người bạo hành tạm thời đi khỏi nơi cư trú chứ không phải là đưa nạn nhân phải đi lánh nạn. 

Theo ý kiến của nữ Viện trưởng, cần tăng cường vai trò xử lý khẩn cấp cho công an. Cụ thể, công an phải là người ra lệnh người có hành vi bạo hành cấm tiếp xúc với nạn nhân trong gia đình chứ không phải UBND. Công an là nơi trực tiếp nhận báo cáo về bạo lực chứ không phải nhiều bên như hiện nay nên lực lượng này cần phải có mặt  để chặn đứng vụ bạo hành ngay lập tức, sau đó sẽ là vai trò của cơ quan y tế, đại diện phụ nữ…