1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Đắk Nông:

Tổ chăn bò độc lạ ở xã vùng biên

Đặng Dương

(Dân trí) - Thay vì mỗi hộ tự chăm sóc bò của gia đình, người dân xã vùng biên Quảng Trực (Tuy Đức, Đắk Nông) tập hợp thành tổ chăn nuôi, luân phiên mỗi nhà lo việc chăn bò một ngày.

Tổ chăn bò độc đáo này hình thành từ hơn 10 năm trước, khi bon (cách gọi buôn làng của người bản địa) Bu Prăng 2 tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông được tái lập.

Hơn một thập kỷ trôi qua, số lượng vật nuôi đã tăng mạnh, tổ chăn bò trở thành mô hình mẫu để nhiều địa phương khác học hỏi.

Tổ chăn bò độc lạ ở xã vùng biên  - 1

Người dân ở Bu Prăng được hỗ trợ hơn 140 con bò giống từ năm 2012 (Ảnh: Đặng Dương).

Bon Bu Prăng 2 là địa bàn cư trú của đồng bào M'nông. Năm 2012, khi bon này được tái lập, chỉ có khoảng 70 hộ dân. Do điều kiện kinh tế khó khăn, đa phần là hộ nghèo nên từ nhiều chương trình, dự án, người dân trong bon được hỗ trợ hơn 140 con bò giống. Từ đó tổ chăn nuôi trâu, bò độc đáo tại xã vùng biên hình thành.

Chị Thị Ch'rên chia sẻ, thời gian đầu, khi được cấp phát bò, mỗi gia đình đều phải phân công một người ở nhà để trông nom, chăm sóc, rất tốn công sức và thời gian, ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của từng gia đình. Trước thực tế này, người dân đã cùng tìm cách để vừa quản lý số bò được cấp phát, vừa có thời gian làm các công việc khác.

"Chúng tôi đã thành lập các tổ chăn nuôi bò, mỗi tổ có một đàn khoảng 30-40 con bò và phân công mỗi hộ thành viên trong tổ chăn cả đàn một ngày. Nhờ cách làm này, mỗi tuần, người nhà tôi chỉ đi chăn bò một lần, tiết kiệm thời gian và nhân lực rất nhiều", chị Thị Ch'rên nói và cho biết thêm, đến nay, đàn bò của gia đình chị đã phát triển từ 2 con bò giống lên 8 con.

Tổ chăn bò độc lạ ở xã vùng biên  - 2

Tổ chăn bò hình thành giúp người dân tiết kiệm thời gian và nhân lực (Ảnh: Đặng Dương).

Có 10 năm kinh nghiệm tham gia tổ chăn bò của bon Bu Prăng 2, chị Thị Biết cho biết, dù được giao quản lý số lượng bò lớn nhưng trong suốt thời gian qua, chưa hộ nào để xảy ra mất bò hoặc để bò đi lạc.

"Đàn bò được tập trung tại một bãi đất trống, nằm trong bon. Khoảng 7h sáng hàng ngày, chúng tôi đưa bò xuống đồng tìm thức ăn. Hộ nào được giao quản lý bò thì mang theo cơm để ăn trưa ngoài đồng. Đến khoảng 16h chiều, chúng tôi lại đưa bò về bon", chị Biết nói.

Tổ chăn bò độc lạ ở xã vùng biên  - 3

Nhờ tổ chăn bò, mỗi tuần chị Thị Biết chỉ mất một ngày để chăm sóc, quản lý đàn bò (Ảnh: Đặng Dương).

Nói về tổ chăn bò độc đáo này, ông Bùi Minh Hải, Trưởng bon Bu Prăng 2 kể, năm 2012, khi được cấp phát bò giống, tạo sinh kế khi về sinh sống tại bon mới, bà con rất phấn khởi và quý trọng món tài sản "là đầu cơ nghiệp" này.

Tuy nhiên, thời gian đầu, việc chăn thả rất vất vả vì hàng ngày mỗi gia đình phải bố trí một người đi theo quản lý, bảo vệ bò. Việc tập hợp thành các tổ chăn nuôi bò của người dân bon Bu Prăng 2 là cách làm sáng tạo, độc đáo mà chưa địa phương nào trong tỉnh Đắk Nông thực hiện trước đó.

Cũng theo ông Hải, để quản lý, bảo vệ tốt đàn vật nuôi lên tới hàng chục con, tất các các hộ gia đình trong tổ chăn nuôi phải "nhớ mặt" bò. Bên cạnh đó, mỗi tổ sẽ tạo cho một loại lục lạc riêng để đeo cho vật nuôi của mình. Có thể lục lạc được làm bằng gỗ, bằng vỏ lon hoặc bằng ống thép nhỏ, nhưng thông qua âm thanh mà lục lạc phát ra, bò sẽ không bị lạc đàn sang tổ chăn nuôi khác.

Tổ chăn bò độc lạ ở xã vùng biên  - 4

Ngoài tổ chăn bò, người dân còn hình thành thêm tổ chăn trâu để giúp đỡ nhau phát triển kinh tế (Ảnh: Đặng Dương).

"Hiện toàn bon còn 40 hộ dân chăn nuôi bò. Ngoài số lượng bò được duy trì trong suốt hơn 10 năm qua, người dân còn phát triển thêm đàn trâu, với số lượng hàng chục con. Cũng giống như chăn nuôi bò, người dân tập hợp thành tổ chăn nuôi trâu, phân công từng gia đình quản lý, chăm sóc mỗi ngày", ông Bùi Minh Hải thông tin.