Tin lời quảng cáo phòng trọ giá rẻ, nam sinh nhận hàng loạt uất ức
(Dân trí) - Sau khi dọn vào ở một phòng trò được giới thiệu chỉ 1-2 triệu đồng/tháng, Tuấn bất ngờ được chủ nhà thông báo giá thuê mỗi tháng hơn 5 triệu đồng, không ở sẽ mất tiền cọc.
Hơn nửa tháng qua, Minh Tuấn (SN 1995, nhân viên truyền thông) ở TPHCM vẫn chưa thoát khỏi cảm giác uất ức vì bị lừa thuê nhà trọ giá rẻ. Nhiều khi, quá bực tức, Tuấn lại đấm túi bụi vào đầu mình vì "lớn đầu rồi còn ngu".
"Tôi thấy người ta đăng thông tin cho thuê phòng trọ ở ngay trung tâm mà giá chỉ có 1-2,5 triệu đồng nên tưởng vớ được chủ nhà tốt. Ai ngờ, đấy chỉ là một vở kịch của những người gian thương", Tuấn bức xúc.
Theo Tuấn, cuối năm 2023, vì có nhu cầu chuyển trọ vào các quận trung tâm để đi làm thuận tiện hơn nên anh lên mạng xã hội tìm phòng trọ. Chàng trai gốc miền Trung khá bất ngờ khi hàng loạt phòng trọ khá đẹp mắt, giá thuê cũ là 3-4 triệu đồng/tháng nay giảm chỉ còn 1-2 triệu đồng.
Thậm chí, nhiều phòng trọ còn ở ngay vị trí trung tâm, được giới thiệu là khu an ninh, sạch sẽ. Có phòng trọ còn giới thiệu có khu vui chơi riêng, sân tập thể thao, xe hơi vào tận cửa.
"Tôi xem hình ảnh, thấy phòng sạch đẹp, giờ giấc tự do nên để lại bình luận ở phía dưới bài đăng. Chỉ sau 2-3 phút sau đã có người nhắn tin giới thiệu về các tiện ích, vị trí cụ thể khu trọ, với giá chỉ 1-2 triệu đồng/tháng", Tuấn nhớ lại.
Sau cuộc trao đổi nhanh, môi giới hẹn Tuấn đến địa chỉ phòng trọ để xem phòng. Vừa giới thiệu về phòng, môi giới liên tục hối thúc Tuấn đặt cọc trước 2 triệu đồng để giữ chỗ vì rất nhiều người đang muốn thuê. Thấy phòng ưng ý và giá "hạt dẻ", Tuấn không chần chừ mà đặt cọc luôn.
Rắc rối nổ ra ngay ngày hôm sau, khi Tuấn dọn đồ vào ở. Lúc này, chủ nhà thông báo Tuấn phải đặt cọc trước 1 tháng tiền trọ, tổng số tiền hơn 5 triệu đồng.
Chủ nhà cũng đưa cho Tuấn một bản hợp đồng với hàng loạt điều kiện khác xa với thỏa thuận đã trao đổi với môi giới. Cụ thể, tiền phòng 4,6 triệu đồng/phòng, tiền điện 3.800 đồng/số; nước 100.000 đồng/người, tiền dịch vụ dịch vụ 150.000 đồng/người, tiền gửi xe máy 120.000 đồng/xe.
"Khi tôi thắc mắc về thông tin giá phòng 2 triệu đồng/tháng thì chủ nhà trọ cho hay số tiền đó chỉ tính cho một người. Mỗi phòng ở 2 người trở lên vì vậy dù ở 1 mình cũng phải trả tiền phòng theo giá của 2 người", Tuấn thuật lại lý giải của chủ nhà trọ.
Biết mình bị lừa, Tuấn tìm mọi cách thương lượng với chủ nhà nhưng bất thành. Vì đã trả phòng trọ cũ và chưa thể tìm ngay được phòng trọ ưng ý, chàng trai đành chấp nhận vào ở.
"Lỡ đóng tiền cọc rồi nên đành phải chấp nhận, ở đỡ qua Tết rồi tìm chỗ trọ mới. Còn ở đây ngày nào là còn bực tức ngày đó, vì cảm giác bị lừa, dắt mũi", Tuấn chán nản nói.
Cũng như Tuấn, Hờ Linh (SN 1996) chuyển chỗ làm từ quận 12 sang quận 7 nên đành phải tìm chỗ ở gần công ty. Tìm hiểu trên mạng xã hội, Linh thấy chủ yếu các phòng trọ được giới thiệu chỉ 1,2-2 triệu đồng, dù vị trí rất đẹp.
Sau khi thả bình luận "quan tâm" ở dưới bài đăng, Linh cũng được hàng loạt môi giới phòng trọ nhắn tin mời đi xem phòng. Tuy vậy, khi Linh đòi gặp chủ nhà và có hợp đồng rõ ràng về các điều khoản môi giới đã trao đổi thì giá nhà báo lại đều tăng gấp 2, thậm chí gấp 3 so với trên quảng cáo.
"Cảm giác như bị lừa đảo, tôi không còn muốn chuyển phòng trọ nữa, chịu khó đi làm xa một thời gian vậy", Hờ Linh thở dài.
Cẩn trọng khi thuê phòng trọ qua mạng
Trao đổi về nội dung này, Luật sư Nguyễn Văn Ân (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, chiêu trò đăng thông tin "ảo" để tìm người cần thuê trọ diễn ra phổ biến trên mạng. Không ít người thuê trọ đã bị chiếm dụng tiền cọc, thậm chí phải bồi thường hợp đồng.
Theo vị luật sư, khi quyết định thuê phòng hoặc xuống tiền đặt cọc, người thuê nhà cần tìm hiểu thông tin để chắc chắn gặp đúng chủ nhà, chỉ đặt cọc giữ chỗ khi có biên nhận rõ ràng.
Khi đặt cọc phải yêu cầu chủ trọ ghi rõ ràng và chi tiết những thỏa thuận về tiền phòng, chi phí hằng tháng để làm bằng chứng.
Khi chuyển đến ở, để tránh mắc bẫy lừa đảo, mọi người phải trao đổi kỹ thông tin với chủ nhà về giá phòng và các chi phí cơ bản.
"Hợp đồng thuê phòng trọ phải ghi chi tiết giá thuê, áp dụng giá đó trong thời gian bao lâu. Bên cạnh đó, hợp đồng phải quy định rõ việc thay đổi vật dụng, sửa chữa các thiết bị trong phòng... sẽ do ai chi trả, tránh sau này không ở nữa bị chủ nhà lấy cớ trừ tiền cọc", Luật sư Ân nhấn mạnh.