Tìm hiểu ngay lý do doanh nghiệp không thưởng Tết
(Dân trí) - Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị TPHCM đốc thúc các doanh nghiệp thưởng Tết cho người lao động. Với những doanh nghiệp báo cáo không thưởng Tết, phải tìm hiểu nguyên nhân để cùng tháo gỡ.
Ngày 21/12, đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm trưởng đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TPHCM về tình hình thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định số 416/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong tình hình mới trên địa bàn thành phố.
Sau khi nghe báo cáo của các Sở, ngành ở TPHCM, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhận định, thành phố lớn nhất cả nước đã và đang nỗ lực đảm bảo ổn định nguồn lao động dù gặp phải rất nhiều khó khăn. So với dự báo ban đầu, vấn đề người lao động bị mất việc, ngưng việc đang được kiểm soát, không xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động. Số công nhân mất việc, ngưng việc được đảm bảo quyền lợi nên không xảy ra khiếu kiện, khiếu nại.
Tuy vậy, để đảm bảo hài hòa, ổn định, tiến bộ nguồn lao động trong thời gian tới, TPHCM cần cập trung phát triển thị trường lao động và chăm lo đời sống người lao động dịp Tết năm 2023.
Về lâu dài, cần nâng cao hiệu quả của các tổ chức quản lý lao động; tăng cường thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh hoạt động của hội đồng trọng tài trong lao động để giúp quan hệ lao động được công khai, minh bạch hơn.
Cùng với đó, TPHCM cũng cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức công đoàn, tăng cường đối thoại với người lao động để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ, không để người lao động bị mất quyền lợi. Thứ trưởng Thanh nhắc đến yêu cầu tăng cường thành lập công đoàn mới, đảm bảo nguyên tắc, có 25 đoàn viên trở lên thì thành lập công đoàn mới.
"Cần đảm bảo việc làm, an sinh xã hội cho người lao động, đặc biệt trong dịp Tết Quý Mão 2023. Cần đôn đốc để người sử dụng lao động có trách nhiệm thưởng Tết cho người lao động. Khi doanh nghiệp không thưởng Tết, các cơ quan cần tìm cách tháo gỡ, đảm bảo quyền lợi cho người lao động", Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.
Ngoài ra, TPHCM cũng cần tập trung kết nối cung cầu lao động mạnh mẽ hơn. Lãnh đạo Bộ Lao động nêu hiện tượng một số doanh nghiệp khó khăn, người lao động mất việc làm nhưng cũng có những nơi cần mà khó tuyển nhân công.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng đề cập việc tăng cường công tác đào lại và quan tâm tới lao động phi chính thức. Ông nhấn mạnh, lực lượng lao động phi chính thức có vai trò rất quan trọng, cần phải nắm bắt để hỗ trợ khu vực này khi Tết sắp tới.
Dịp cuối năm, TPHCM cũng cần tìm hiểu kỹ các doanh nghiệp cho thuê lại lao động đang hoạt động ra sao, lao động nước ngoài đang được kiểm soát thế nào... để đề xuất phương án hỗ trợ, giải quyết.
Phát biểu trong buổi làm việc, ông Phạm Anh Thắng - Phó Chánh văn phòng Bộ LĐ-TB&XH, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ tại TPHCM cũng nêu nhận định khả quan về tình hình quan hệ lao động ở TPHCM trong thời gian qua. Tuy nhiên, ông Thắng kiến nghị thành phố quan tâm hơn đến nhóm lao động phi chính thức, sớm đưa nhóm này vào nhóm có quan hệ lao động để đảm bảo chế độ cho người lao động.
Ông Thắng cũng cho biết, khảo sát tại quận Bình Tân, đoàn công tác xác định vẫn còn nhiều công nhân và lao động phi chính thức gặp khó khăn. Từ đó, an sinh xã hội cũng là công tác cần quan tâm hơn nữa trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, TPHCM có gần 250.000 doanh nghiệp với 2,8 triệu lao động. Trong đó, 1.568 doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu công nghệ cao (KCNC) với 333.000 lao động.
Qua khảo sát tại 258 doanh nghiệp có từ 200 lao động trở lên có 159 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển 8.200 lao động, tập trung ở ngành dệt may, cơ khí, giao hàng, chế biến thực phẩm. Dự kiến cuối năm TPHCM sẽ có nhu cầu tuyển dụng 43.000 lao động, tập trung ở các lĩnh vực thương mại dịch vụ, sản xuất tiêu dùng phục vụ dịp lễ, Tết.
Năm 2022, có 31 doanh nghiệp thông báo cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ, dẫn đến 2.969 lao động bị thôi việc. Hai doanh nghiệp có số lượng lao động thôi việc đông nhất gồm Công ty Việt Nam Samho (1.525 lao động). Ngoài ra, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam đã thông báo cho 20.000 lao động tại một số xưởng thỏa thuận sắp xếp nghỉ luân phiên.
Nhận định chung, tới cuối năm 2022, tình hình lao động tại các doanh nghiệp ổn định.
Số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc trên địa bàn là 2,5 triệu người, tăng 267.000 người so với năm 2021. Số tiền các doanh nghiệp đang nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tạm tính tới ngày 30/11 là 6,2 nghìn tỷ đồng.
Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH TPHCM đã phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn lao động thành phố, ban quản lý các KCN, KCX, KCNC kịp thời theo dõi tình hình các doanh nghiệp trên địa bàn và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến quan hệ lao động. Cơ quan quản lý nhà nước cũng nhanh chóng tiếp cận các doanh nghiệp có đông lao động nghỉ việc để tìm hiểu nguyên nhân, hướng dẫn người lao động tìm việc hoặc hưởng trợ cấp thất nghiệp.