Thúc đẩy doanh nghiệp hòa nhập cho người khuyết tật trong ASEAN
(Dân trí) - Ngày 22/10, tại Hà Nội, cuộc họp lần thứ 4 của Mạng lưới các chuyên gia về Doanh nghiệp hòa nhập cho Người khuyết tật trong ASEAN (gọi tắt là NIEA) đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Đây là hoạt động thuộc khuôn khổ Khung hợp tác chiến lược về Phúc lợi xã hội và Phát triển của ASEAN do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì trong giai đoạn 2020 - 2021.
Thành phần tham dự trực tuyến gồm các đầu mối phụ trách Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN về Phúc lợi xã hội và Phát triển (SOMSWD), các thành viên của NIEA đến từ 10 nước thành viên ASEAN; Ban Thư ký ASEAN và đại diện các tổ chức liên kết với ASEAN.
Tại Việt Nam, cuộc họp có sự tham gia của các đại biểu đến từ Liên Hiệp hội Người khuyết tật Việt Nam và các tổ chức, chi hội, công ty, doanh nghiệp của người khuyết tật; đại biểu các Bộ, ngành liên quan và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, nhấn mạnh, theo Ủy ban Liên hợp quốc về Kinh tế xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) ước tính, 1/6 người dân ở châu Á - Thái Bình Dương đang sống chung với một số dạng thức của khuyết tật phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn về vấn đề tiếp cận bao gồm tiếp cận về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm, tín dụng…
Trong đó, trong khu vực ASEAN với hơn 625 triệu người dân, có khoảng 100 triệu người là người khuyết tật. Vì vậy, việc tăng cường quyền năng và tạo một môi trường không rào cản đối với người khuyết tật là một trong những biện pháp quan trọng của ASEAN nhằm đẩy mạnh vai trò của người khuyết tật trong cộng đồng.
“Trong số những sáng kiến mà ASEAN đưa ra, sáng kiến thành lập Mạng lưới các chuyên gia về doanh nghiệp hòa nhập cho Người khuyết tật thuộc khuôn khổ Kế hoạch công tác chiến lược về Phúc lợi xã hội và Phát triển là rất cần thiết và kịp thời”, ông Nguyễn Văn Hồi cho biết.
Đại diện các nước thành viên đã cùng thảo luận, trao đổi chia sẻ luật pháp, chính sách, điển hình tốt của các nước ASEAN về thúc đẩy doanh nghiệp hòa nhập cho người khuyết tật tại các nước ASEAN; vai trò của các bên liên quan; những khó khăn, thách thức.
Bên cạnh đó xây dựng một bản khuyến nghị chung tập trung vào chủ đề thúc đẩy Doanh nghiệp hòa nhập cho người khuyết tật hướng tới một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng để báo cáo lên các quan chức, các Bộ trưởng phụ trách Phúc lợi xã hội và Phát triển.
Ông Nguyễn Văn Hồi cho biết, ông đánh giá cao những nỗ lực của Thái Lan trong vai trò sáng lập và điều phối Mạng lưới suốt 3 năm vừa qua.
Với gần 30 thành viên, Mạng lưới đã và đang góp phần thúc đẩy và quảng bá về các doanh nghiệp của người khuyết tật với các bên liên quan và công chúng; chia sẻ các thông tin liên quan đến vấn đề người khuyết tật; và đóng góp cho các giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật trong khu vực.
“Các quốc gia cần có những chính sách, chương trình nhằm tăng cường sự tham gia của người khuyết tật, thúc đẩy tiếp cận nhiều hơn cho người khuyết tật, đặc biệt là tiếp cận việc làm, kinh doanh, công nghệ thông tin…để người khuyết tật có thể chủ động hơn trong cuộc sống.
Đối với Việt Nam chúng ta nên rà soát những luật pháp, chính sách về người khuyết tật, trong đó quy định những chi tiết về trách nhiệm xã hội, các nghị định và có những cơ chế chính sách để khuyến khích hỗ trợ cho những doanh nghiệp tuyển nhiều người khuyết tật”, ông Nguyễn Văn Hồi cho biết thêm.