Thủ tướng nói gì về việc hơn 1,3 triệu lao động thành phố ồ ạt về quê?
(Dân trí) - Phiên chất vấn tại Quốc hội, Thủ tướng đề cập đến chuyện người lao động ồ ạt rời các thành phố lớn về quê né dịch. Ông gợi mở nhiều chiến lược tạo việc làm, ngăn tình trạng bất đắc dĩ phải "ly hương".
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, dịch bệnh Covid-19 không những ảnh hưởng ở Việt Nam và trên thế giới. Sau 2 năm, Việt Nam đã rút ra được nhiều kinh nghiệm nhưng có trả giá, chúng ta có cái chưa được và qua thực hiện phòng, chống dịch này đã có nhiều kinh nghiệm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, từ những kinh nghiệm đó ta dần dần thích ứng và hiểu được dịch bệnh và đặc biệt hiểu được một phần virus.
Hiểu như nào về lao động chạy dịch về quê?
"Chúng ta chưa tổng kết một cách đầy đủ, nghiêm túc, toàn diện. Nhưng chúng ta cũng đưa ra được các trụ cột để mà phòng chống dịch", Thủ tướng nói.
Nói về hiện tượng lao động dịch chuyển từ TPHCM, các tỉnh công nghiệp phía Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: Đây là một hiện tượng bình thường trong kinh tế thị trường, đó là dịch chuyển thị trường lao động.
Tuy nhiên, ông cho rằng, hiện tượng này không bình thường ở chỗ là trong khi dịch bùng phát, quản lý nhà nước vẫn còn có những sơ hở nên khi người lao động dịch chuyển từ thành phố về đến các tỉnh gây áp lực cho các địa phương tiếp nhận.
Người đứng đầu Chính phủ nêu bài học kinh nghiệm: "Thứ nhất, Trung ương và địa phương phải phối hợp với nhau để xem xét lại năng lực y tế. Việc này chúng tôi cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế, các bộ, ngành có liên quan".
Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành khác cùng phải chung tay có giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực y tế cho các tỉnh khu vực này, nhằm giảm bớt khó khăn chống dịch.
Thứ hai, Thủ tướng nhấn mạnh đến tăng cường cung cấp vaccine cho điểm nóng.
"Vừa qua có những cái ta nói công bằng nhưng cũng chưa được công bằng lắm. Vì vaccine của chúng ta ít, cho nên chúng ta phải ưu tiên cho các đối tượng, các địa bàn phức tạp. Cho nên đồng bằng sông Cửu Long lúc đầu chưa được ưu tiên nhiều", Thủ tướng trăn trở.
Người đứng đầu Chính phủ nêu: "Nhưng sau đó, khi các địa bàn như TPHCM, các tỉnh miền Đông Nam bộ đã cơ bản khống chế được dịch bệnh rồi thì chuyển vaccine về cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long".
Trả lời câu hỏi của đại biểu về quyết sách nào căn cơ để người lao động không ồ ạt về quê, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Căn cơ ở đây tức là tạo công ăn việc làm, sinh kế cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long là việc rất quyết định. Muốn tạo được sinh kế, công ăn việc làm thì nút thắt hiện nay chính là hạ tầng".
Con người là vốn quý nhất của đất nước
Thủ tướng nhấn mạnh, hạ tầng ở đây bao gồm giao thông, trong đó có đường bộ, đường cao tốc và thủy nội địa, tận dụng sự "thuận thiên" để ta phát triển hạ tầng.
Thứ hai là hạ tầng chống biến đổi khí hậu. Đồng bằng sông Cửu Long theo thống kê mới nhất mà chúng tôi dự COP26, các Ủy ban liên Chính phủ của Liên hợp quốc đánh giá Đồng bằng sông Cửu Long không những nước biển dâng cao thì bị ngập nhưng mà cả sụt lún. Chúng ta phải khắc phục được vấn đề này thì chúng ta mới ổn định để phát triển được.
Thứ ba là hạ tầng y tế và giáo dục phải được đầu tư toàn diện, hiệu quả. Người đứng đầu Chính phủ cho biết ba cơ sở hạ tầng này và một số hạ tầng khác nữa cần phải giải quyết căn cơ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Vừa qua Chính phủ cũng đã có Nghị quyết 120 về vấn đề này, tuy nhiên để Nghị quyết muốn đi vào cuộc sống phải có cơ chế, chính sách; có nghị quyết là có chủ trương rồi, có ưu tiên rồi nhưng phải có cơ chế, chính sách.
"Chúng tôi đang suy nghĩ cơ chế, chính sách để xin các cấp có thẩm quyền, trong đó có Quốc hội, có một cơ chế chính sách để phát triển căn cơ cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giải quyết ba hạ tầng này", Thủ tướng nói.
Theo người đứng đầu Chính phủ, khi có được các hạ tầng cho ĐBSCL, mới có các doanh nghiệp về đầu tư và có các doanh nghiệp về đầu tư mới tạo ra công ăn việc làm, tạo ra sinh kế cho người dân. Khi họ có công ăn việc làm rồi thì họ yên tâm ở đây họ làm việc, chứ không phải lên thành phố nữa.
Ngoài vấn đề an yên việc làm, người đứng đầu Chính phủ vạch rõ chính sách hỗ trợ người lao động, nhân dân.
"Tập trung cho con người, hỗ trợ cho con người, đặc biệt là an sinh xã hội để cho con người là vốn quý nhất", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Thủ tướng cho biết, tư tưởng con người là vốn quý đã được cụ thể hóa trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tư tưởng trọng tâm là phát huy giá trị con người, con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển.
"Vấn đề an sinh xã hội và tập trung cho con người và nguồn lực con người là nguồn lực lớn nhất. Trong phát triển, lấy nội lực là chiến lược cơ bản, lâu dài là quyết định", Thủ tướng khẳng khái nói.