Thủ tướng: Chăm lo người có công với trách nhiệm lớn, nghĩa tình sâu nặng
(Dân trí) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm công tác đền ơn, đáp nghĩa, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Sáng 22/7, tại Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023.
Cùng dự có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và 300 đại biểu người có công đại diện cho 9,2 triệu người có công và thân nhân đến từ khắp mọi miền đất nước.
Những đại biểu người có công với cách mạng trong hội nghị là cán bộ lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, người vợ, người con trung hậu đảm đang, cựu thanh niên xung phong…
Trong số các đại biểu tham dự hội nghị, mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Điểm (Hà Nội) là đại biểu cao tuổi nhất khi tròn 98 tuổi và 13 đại biểu đã trên 90 tuổi.
Ngoài ra, còn có 25 đại biểu là người dân tộc thiểu số Hà Nhì, Hrê, Khmer, Mường, Nùng, Paco, Tà Riêng, Tày, Thái, Xê Đăng.
Trao tặng kỷ vật chiến tranh tới thân nhân cán bộ đi B
Tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, 76 năm qua, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, Đảng, Nhà nước, nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân.
Bộ trưởng thông tin, ngay trong dịp tháng 7 truyền thống lịch sử này, Chính phủ đã ban hành nghị định mới, nâng mức mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Chủ tịch nước quyết định tặng quà tới hơn 1,4 triệu người có công và thân nhân.
Thể hiện trách nhiệm của thế hệ sau, theo Bộ trưởng, 6 năm qua, cả nước đã nỗ lực giải quyết hồ sơ tồn đọng. Kết quả, hơn 7.000 hồ sơ đã được giải quyết căn bản, trong đó trên 2.400 liệt sĩ được trình cấp bằng Tổ quốc ghi công, hơn 2.700 thương binh được hưởng chính sách.
Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nhắc lại trường hợp cụ Phạm Khánh ở Thanh Chương, Nghệ An, được giải quyết chế độ sau 91 năm hi sinh; liệt sĩ Trang Hồng Vinh ở Trà Vinh hi sinh năm 1953 mà không còn hồ sơ nay các cơ quan cũng đã hoàn thành được tâm nguyện của gia đình.
Tính chung cả nước, 13.000 tỷ đồng đã được huy động để hỗ trợ hộ gia đình người có công xây dựng mới trên 84.000 căn nhà và sửa chữa trên 69.000 căn nhà tình nghĩa. Các cấp, ngành cũng tặng gần 126.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với trên 1.000 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn. 2.988 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH khái quát, những kết quả đó mang đậm nghĩa tình, tri ân sâu nặng, phần nào đã xoa dịu những đau thương, mất mát của thân nhân người có công, thể hiện được trách nhiệm của thế hệ đi sau đối với cống hiến, hi sinh của cha ông, đồng thời đánh dấu những nỗ lực của ngành LĐ-TB&XH trong thời gian vừa qua đối với công tác này.
Điểm nhấn trong hội nghị biểu dương cũng như hướng tới kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề cập sự kiện trao tặng tượng trưng kỷ vật chiến tranh cho 15 cán bộ, thân nhân cán bộ đi B đã để lại.
Vị tư lệnh ngành nhắc lại, trong cuộc trường chinh bảo vệ tổ quốc, nửa thế kỷ trước, hàng triệu người con đi chiến trường với hành trang đem theo có cả những kỷ vật trân quý nhất. Hiện tại, Trung tâm lưu trữ quốc gia còn lưu giữ hơn 25.000 hiện vật, kỷ vật của các cán bộ đi B khi đó.
Trong mỗi bộ hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B được trao tặng lại gia đình, ngoài tài liệu phản ánh những thông tin cá nhân như sơ yếu lý lịch,… còn có nhiều kỷ vật như huân chương, huy chương, giấy khen, bằng khen, ảnh, nhật ký, sổ tay, thẻ tiết kiệm…
Chăm lo người có công là nhiệm vụ chính trị quan trọng
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ, chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã độc lập, thống nhất nhưng vẫn còn đó biết bao nỗi đau thương. Đến giờ, những giọt nước mắt vẫn còn lăn trên má của bao người mẹ vì "ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ".
Những vết thương chiến tranh vẫn hằng ngày đau nhức, nhất là lúc trái nắng, trở trời, di chứng do chất độc da cam dày vò biết bao số phận. Những ánh mắt mòn mỏi ngóng trông, khắc khoải đợi chờ của những gia đình chưa có thông tin, chưa được biết phần mộ của con, của em, của vợ, chồng… ở đâu.
Thấu hiểu, sẻ chia với những nỗi đau đó, trong suốt 76 năm qua, Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm công tác đền ơn, đáp nghĩa và ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, luôn coi đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.
Thủ tướng nhận định, đời sống của người có công và gia đình người có công với cách mạng không ngừng được nâng lên và cải thiện về vật chất và tinh thần. Đến nay, 99% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.
Trong giai đoạn 2012-2022, cả nước đã dành hơn 357.000 tỷ đồng để thực hiện chế độ đối với người có công và thân nhân, gia đình người có công, với những công việc như Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã báo cáo.
Dù vậy, nỗi day dứt, trăn trở với người đứng đầu Chính phủ là đời sống của một bộ phận thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng còn khó khăn; nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính...
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương thời gian tới tiếp tục thực hiện thật tốt chủ trương, đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.
"Với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để xoa dịu nỗi đau, làm vơi đi nỗi nhớ, để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng được nâng lên, đầy đủ, tốt đẹp hơn", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.