"Thanh tra phải dám làm, dám chịu trách nhiệm, không đùn đẩy, né tránh"
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung yêu cầu Thanh tra Bộ luôn phải làm đúng, làm đủ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không được đùn đẩy, né tránh.
Những chỉ đạo của Bộ trưởng được nêu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai công tác năm 2023 của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 28/12. Cùng dự hội nghị có Thứ trưởng Lê Văn Thanh, đại diện Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và toàn thể cán bộ, công chức, người lao động công tác tại Thanh tra Bộ.
Phát hiện, kiến nghị thu hồi gần 200 tỷ đồng chi sai
Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng Diệp, Phó Chánh Thanh tra Bộ cho biết năm 2022, Thanh tra ngành LĐ-TB&XH triển khai 2.273 cuộc thanh tra và 623 cuộc kiểm tra; ban hành 2.273 kết luận thanh tra, phát hiện 9.877 thiếu sót, sai phạm (tăng 12,1% năm 2021); 454 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (tăng 8% năm 2021) với tổng số tiền xử phạt là 26 tỷ đồng (tăng 15,4% năm 2021); thu hồi, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền 198 tỷ đồng (tăng 10% năm 2021).
Về công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị , quyết định xử lý về thanh tra, Thanh tra Bộ đã theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 344 kết luận thanh tra; 98 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 9,4 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi, truy thu số tiền 193 tỷ đồng.
Tại các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, công tác này cũng được chú trọng thực hiện theo định hướng của ngành LĐ-TB&XH, kịp thời điều chỉnh kế hoạch phù hợp với yêu cầu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó, năm 2022, công tác tiếp công dân được ngành LĐ-TB&XH thực hiện theo quy định, đảm bảo trách nhiệm; chủ động đối thoại và giải quyết kịp thời những vướng mắc của người dân; công dân đến Bộ được tiếp đón chu đáo, các đoàn đông người đều được Lãnh đạo Bộ trực tiếp đối thoại và giải quyết.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Thanh tra Bộ đã tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành và triển khai kế hoạch thực hiện công tác phòng chống tham nhũng của Bộ; xây dựng và thực hiện kế hoạch điều chuyển vị trí việc làm của công chức, thanh tra viên trong Thanh tra Bộ để phòng, chống tham nhũng.
Bên cạnh công tác thanh tra, thanh tra Bộ cũng đã dành nhiều thời gian cho công tác đào tạo, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao bản lĩnh thanh tra đối với đội ngũ thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành.
Về nhiệm vụ trong năm 2023, Phó Chánh thanh tra Bộ Nguyễn Thị Hồng Diệp cho biết, Thanh tra Bộ sẽ tập trung triển khai các nội dung thanh tra đã được phê duyệt tại Quyết định số 1046/QĐ-LĐTBXH ngày 01/11/2022 của Bộ trưởng về việc phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2023 của Bộ và các công việc đột xuất khác.
"Làm đúng, làm đủ rồi còn phải dám chịu trách nhiệm"
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, mục tiêu thanh tra là để phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý, khắc phục, nhưng quan trọng nhất là công tác phòng ngừa.
Biểu dương những kết quả mà Thanh tra Bộ đã đạt được trong năm 2022, Bộ trưởng lưu ý, công tác thanh tra trước tiên phải làm đúng, sau đó là làm đủ, đủ quy trình, đủ thủ tục, đủ hồ sơ.
"Đã làm đúng rồi, đủ rồi còn cần phải dám làm, dám chịu trách nhiệm, không được đùn đẩy, né tránh", người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nói.
Bộ trưởng yêu cầu, thời gian tới, Thanh tra Bộ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nội dung thanh tra, đặc biệt là những vấn đề nóng của xã hội, xử lý nhanh chóng, kịp thời các vấn đề hậu thanh tra, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trong công tác thanh tra.
Ở khía cạnh khác, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhắc Thanh tra Bộ bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Thanh tra, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về triển khai nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài, nhất là triển khai Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XIII, kế hoạch, phương hướng nhiệm vụ của ngành trong 5 năm 2021-2026, trong đó bao gồm năm 2023.
Lãnh đạo Bộ lưu ý tập trung thanh tra đối với các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra sai phạm, tham nhũng, tiêu cực, nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, nhất là chất lượng, tiến độ, kết luận thanh tra và thực hiện kết luận thanh tra.
Thanh tra Bộ có nhiệm vụ tham mưu và triển khai nghiêm túc chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đảm bảo phối hợp với địa phương để không làm phát sinh các điểm nóng.
Từng cán bộ thanh tra phải nâng cao trách nhiệm phòng chống tham nhũng, tăng cường kỷ cương, liêm chính, có bản lĩnh và đi đầu trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát nội bộ, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm, xây dựng bộ máy thanh tra tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Thứ trưởng Lê Văn Thanh, ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ cho biết, sự ghi nhận của lãnh đạo Bộ là nguồn động lực tiếp thêm ý chí, tinh thần để cán bộ, công chức, người lao động Thanh tra Bộ trong năm 2023 triển khai các nhiệm vụ được giao tốt hơn nữa so với năm 2022.