1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Quảng Nam:

Tham gia bảo hiểm, về già có lương hưu, đỡ gánh lo cho con cháu

Công Bính

(Dân trí) - "Được nhận lương hưu hàng tháng, có thẻ bảo hiểm y tế nên tinh thần tôi thoải mái lắm, đỡ gánh nặng cho con cháu lúc về già", bà Bùi Thị Thắng ở Quảng Nam chia sẻ.

Nhà bà Bùi Thị Thắng (SN 1966) nằm trong một con hẻm nhỏ ở ngoại ô TP Tam Kỳ, Quảng  Nam. Về hưu gần một năm, bà Thắng hiện ở nhà nuôi đàn gà, làm công việc đồng áng và chăm sóc các cháu.

Tham gia bảo hiểm, về già có lương hưu, đỡ gánh lo cho con cháu - 1

Bà Bùi Thị Thắng tự nguyện đóng thêm bảo hiểm số năm còn thiếu để được nhận lương hưu hàng tháng và chăm sóc sức khỏe.

Bà Thắng chia sẻ, trước đây, bà làm đủ thứ nghề để nuôi sống gia đình. Cuộc sống không dễ dàng nhưng vẫn cứ phải sống và làm việc. Đến năm 2010, bà xin vào làm việc tại Trung tâm văn hóa tỉnh Quảng Nam. Từ đây bà được đóng bảo hiểm, có thẻ bảo hiểm y tế…

Đến tháng 9/2021, bà nghỉ hưu vì đủ tuổi. Lúc này, sổ BHXH của bà chỉ mới đóng được 11 năm. Số năm để bà được nhận lương hưu chưa đủ.

"Lúc này tôi suy nghĩ nhiều lắm. Nếu nhận bảo hiểm xã hội một lần thì số tiền được lĩnh khoảng 50 triệu đồng. Nếu đóng tiếp để sau này nhận lương hưu thì lúc đó cũng không biết lấy tiền đâu mà đóng", bà Thắng chia sẻ.

Theo bà Thắng, số tiền này nếu rút ra thì bà cũng có một khoảng kha khá để lo việc nhà, nhưng được sự động viên của người thân, nhất là được con cái hỗ trợ nên bà tiếp tục đóng số tiền còn lại để nhận lương hưu. Tổng cộng, bà đóng hơn 100 triệu đồng và từ tháng 10/2021, hàng tháng, bà được nhận lương hưu như bao người nghỉ hưu khác.

Tham gia bảo hiểm, về già có lương hưu, đỡ gánh lo cho con cháu - 2

Hiện bà Thắng ở nhà nuôi gà, làm vườn và chăm sóc gia đình, con cháu...

"Chồng con động viên và hỗ trợ nên tôi quyết định không rút bảo hiểm một lần mà đóng tiếp. Đến tháng 5 này tôi đã nhận lương hưu được 8 tháng. Tuy số tiền nhận lương hưu hàng tháng chỉ hơn 1,6 triệu đồng nhưng giờ tôi thấy vui và rất yên tâm. Hơn nữa, nếu có đau ốm gì thì có thẻ bảo hiểm y tế. Đỡ lắm". bà Thắng nói.

Bà Thắng cũng chia sẻ, ở vùng nông thôn như xã Tam Thăng này, số tiền lương hưu của bà chỉ từng đấy nhưng cũng đủ để ông bà ổn định cuộc sống, cộng với ruộng vườn sẵn lúa sẵn rau nên không lo bị thiếu đói. Bà còn tăng gia sản xuất, nuôi gà, nuôi heo nên cuộc sống cũng ổn định.

Ngoài tiền lương hưu hàng tháng, chồng bà đi làm thuê cũng có đồng ra đồng vào. Cuộc sống không giàu có nhưng với bà như thế là ổn định, không phải suy nghĩ nhiều.

Nói về bảo hiểm xã hội tự nguyện, bà Thắng cho rằng, đây là chính sách nhân văn của Nhà nước, tạo điều kiện cho người lao động chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm, giúp họ an tâm lúc về già vì ai cũng có lương hưu để ổn định đời sống, lại được chăm sóc y tế khi ốm đau, không thành gánh nặng cho con cháu nên tinh thần rất thoải mái.

"Nói chung, tôi và cả nhà rất vui, thoải mái và biết ơn chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhân văn của Nhà nước ta", bà Bùi Thị Thắng bày tỏ.

Tham gia bảo hiểm, về già có lương hưu, đỡ gánh lo cho con cháu - 3

Bà Ung Thị Tỉnh rất hạnh phúc khi tự nguyện đóng bảo hiểm đủ số năm còn thiếu để được nhận lương hưu hàng tháng và yên tâm khi đau ốm vì đã có bảo hiểm y tế.

Cũng như bà Thắng, bà Ung Thị Tỉnh (trú tại phường An Phú, TP Tam Kỳ) cũng yên tâm nhận lương hưu hàng tháng sau khi đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Năm 2000, bà Tỉnh nghỉ việc ở một công ty may và nhận bảo hiểm một lần. Sau đó, bà tìm kiếm việc làm mới và bắt đầu đóng bảo hiểm trở lại. Đến tuổi nghỉ hưu, bà chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm để nhận lương hưu.

Lúc này, Nhà nước có chính sách đóng BHXH tự nguyện. Được sự tuyên truyền, động viên của đại lý thu ở phường, bà tiếp tục đóng đủ số năm bảo hiểm còn thiếu. Tháng 7/2021, bà đóng BHXH tự nguyện và đến tháng 8/2021, bà nhận tháng lương hưu đầu tiên.

Nhận thấy lợi ích từ BHXH tự nguyện đem lại, từ đó, bà Tỉnh tình nguyện trở thành "tình nguyện viên" của đại lý thu. Bà vận động phụ nữ ở địa phương tham gia BHXH tự nguyện để được nhận lương hưu, công việc đem lại niềm vui cho bà khi tuổi về chiều.

Trao đổi với PV Dân trí, bà Ung Thị Mỹ Nhàn, nhân viên đại lý thu phường An Phú (TP Tam Kỳ) cho hay, những năm qua, bà vận động được hơn 500 người tham gia BHXH tự nguyện. Bà cũng được BHXH TP Tam Kỳ, BHXH tỉnh Quảng Nam nhiều lần khen thưởng về thành tích vận động người tham gia BHXH tự nguyện.

Bà Nhàn khẳng định, BHXH tự nguyện là chính sách nhân văn, ưu việt, góp phần bảo đảm an sinh và đem lại lợi ích cho người dân, phương thức và mức đóng linh hoạt. Ở tỉnh Quảng Nam, đa số người dân sống bằng nghề nông, bảo hiểm xã hội là cách "phòng xa" khi về tuổi già. Đây là điều kiện thuận lợi khi người dân nhiệt tình tìm hiểu và tham gia BHXH tự nguyện.