Đắk Lắk:
Tai nạn lao động khi hái hồ tiêu gia tăng tại Tây Nguyên
(Dân trí) - Cao điểm mùa thu hoạch hồ tiêu tại Tây Nguyên, các ca tai nạn lao động do bị ngã khi trèo hái hồ tiêu gia tăng.
Theo thống kê của Khoa Ngoại thần kinh (Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên), trong tháng 3 - 4, Khoa đã tiếp nhận trên 120 ca tai nạn lao động do bị ngã khi trèo hái tiêu trên cao. Trong đó, 44 ca nặng bị chấn thương cột sống phải mổ và những ca khác phải nằm điều trị.
Nằm trên giường bệnh sau ca mổ, chị Lý Thị Thu Nguyên (34 tuổi, xã Đức Hòa, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) vẫn chưa khỏi bàng hoàng sau sự cố ngã từ độ cao 3,8m trên thang xuống đất khi vừa leo lên để hái tiêu.
Cách đây khoảng 1 tuần, chị ra vườn leo lên chiếc thang để hái tiêu nhưng được vài phút thì không may bị té ngã. Cú ngã khiến chị Nguyên bị gãy cột sống.
"Khi té xuống tôi bị ngất xỉu nằm bất động. Do đi hái tiêu một mình nên không ai biết được sự việc để đưa đi cấp cứu. Khoảng hơn 1 tiếng sau tôi mới tỉnh dậy và lấy điện thoại gọi cho người nhà. Cơ thể tôi hiện đau nhức, không thể cử động được", chị Nguyên nói.
Sau vụ tai nạn, chị Nguyên rất sợ khi nghĩ đến độ cao và sẽ "nghỉ hẳn" việc hái tiêu. "Chỉ một chút sơ sẩy nhỏ mà giờ tôi phải nằm đây, tôi cũng lo việc gãy cột sống sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sau này", chị Nguyên trăn trở.
Không chỉ vậy, thẻ bảo hiểm y tế của chị đã hết hạn từ lâu chưa kịp mua lại. Chị Nguyên tự phải chi trả trên 40 triệu đồng cho ca mổ.
Tương tự, bà Lò Thị Mỵ (56 tuổi, ngụ xã Cư Knia, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) cũng không may bị té ngã từ độ cao khoảng 3m khi đang trèo hái tiêu. Bà Mỵ bị ngã xuống hố cà phê. Chiếc thang đè cả lên người khiến gãy cột sống và bị thương phần mềm trên cơ thể.
Được biết, hầu hết những trường hợp té ngã khi hái tiêu đều không có đồ bảo hộ và để lại thương tích nặng nề. Tuy vậy, do công việc hái tiêu mang lại mức thu nhập ổn định từ 180 - 220 ngàn đồng/ngày khiến nhiều lao động vẫn bám trụ để mưu sinh dù nghề tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Có thâm niên hái tiêu gần chục năm, chị H'Hăn Niê (ngụ buôn Ky, phường Thành Nhất, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ, mỗi năm mùa thu hoạch tiêu chỉ tầm 2 tháng nên chị tranh thủ đi hái thuê cho các chủ vườn kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
"Hái tiêu là công việc không quá vất vả, phù hợp với chị em phụ nữ nhưng đây là công việc có nhiều nguy hiểm nếu không cẩn thận trong quá trình thu hái. Tôi có kinh nghiệm sẽ kiểm tra kỹ chiếc thang xem có bị hư hỏng và xem cây trụ để tiêu bám có vững không trước khi leo lên", chị H'Hăn bày tỏ.
Tại Tây Nguyên đã từng xảy ra không ít vụ việc, người trèo hái tiêu bị té ngã xuống đập đầu vào đá, rơi xuống giếng tử vong hoặc bị thương tật suốt đời do tai nạn lao động thu hoạch tiêu. Không chỉ vậy, nhiều em nhỏ cũng tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần để phụ bố mẹ hái tiêu.
Theo bác sĩ Huỳnh Như Đồng - Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên - số lượng bệnh nhân bị tai nạn lao động do hái tiêu năm nay tăng so với nhiều năm trước và hầu hết tai nạn đều không có trang bị đồ bảo hộ trong quá trình leo lên cao thu hoạch tiêu.
Nguyên nhân của tai nạn có thể do người nông dân trồng tiêu bám vào các trụ cây sống (cây muồng, bơ, sầu riêng). Những trụ cây này vươn cao 5 - 6m trong khi thang để hái có giới hạn.
Khi hái, nhiều người cố ráng thêm xíu nên bị hụt chân rơi xuống đất. Hoặc khi hái tiêu, người dân gặp cơn gió lớn làm cây đu đưa cũng làm người hái té ngã…
Theo bác sĩ Đồng, bệnh nhân ngã khi hái tiêu nhập viện chủ yếu bị gãy cột sống, gãy xương gót, gãy phối hợp, có trường hợp bị gãy đứt tủy gây liệt hoàn toàn… Nhiều trường hợp là người đi hái thuê, không có bảo hiểm nên rất khó khăn, trong khi đó mỗi ca phẫu thuật cột sống lên tới trên 40 triệu đồng.
"Do vậy, tôi khuyến cáo người dân nên mua bảo hiểm y tế và phải trang bị đồ bảo hộ lao động trong quá trình hái tiêu, kiểm tra cây thật kỹ trước khi hái để đảm bảo an toàn", bác sĩ Đồng nhấn mạnh.