Sự thật hậu sao kê ủng hộ vùng lũ: Lợi dụng mất mát để "làm màu"
(Dân trí) - Sau khi Mặt trận tổ quốc Việt Nam công khai sao kê tiền ủng hộ đồng bào vùng lũ, một số cá nhân bị vạch trần khi số tiền gửi thực tế thấp hơn nhiều so với khoản "fake" để khoe trên mạng xã hội.
Sự giả dối bị bóc trần
Sáng 13/9, Việt Anh Pí Po (tên thật Phùng Việt Anh), một Tiktoker với hơn 1,3 triệu lượt theo dõi trên mạng xã hội, đăng video xin lỗi về sự thật tiền ủng hộ đồng bào vùng lũ, khiến nhiều người bàng hoàng.
Trước đó, trên trang cá nhân của mình, anh khoe bản thân đã chuyển hàng chục triệu đồng ủng hộ lũ lụt ở miền Bắc. Tuy nhiên, khi Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố sao kê số tiền ủng hộ đồng bào bão lũ, nhiều người nhận thấy khoản tiền thực tế mà anh chuyển là 1 triệu đồng.
Cùng ngày, một người phụ nữ tên N.K.L. cũng phải thừa nhận, xin lỗi về hành vi ăn chặn tiền từ thiện cho đồng bào chịu cảnh lũ lụt phía Bắc. Khi cả nước đang đau thương vì đồng bào phải chịu nhiều thiên tai, chị L. đã đăng lên mạng xã hội đấu giá đôi giày trẻ em.
Tổng cộng sau hoạt động kêu gọi từ thiện này, số tiền quyên góp được lên đến 8,5 triệu đồng. Sau đó, chị N.K.L tuyên bố sẽ ủng hộ thêm 1,5 triệu đồng cho tròn 10 triệu đồng và tiền sẽ được chị chuyển khoản đến Mặt trận tổ quốc Việt Nam.
Cũng từ bản sao kê được công bố, sự thật lộ ra là số tiền được chuyển đi chỉ 100.000 đồng.
Xâu chuỗi những hiện tượng này, ông Lê Anh Tú, Giảng viên khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông, trường Đại học Văn Lang, cho rằng việc một số người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội khoe "khống" số tiền quyên góp là để gây sự chú ý, tăng độ nhận diện thương hiệu cá nhân.
Vào thời điểm nhạy cảm, khi tất cả mọi người trong xã hội đang chung một tâm trạng thương xót cho bà con vùng lũ, những hành vi lợi dụng sự mất mát của đồng bào khơi lên những phẫn nộ từ cộng đồng.
"Điều này không chỉ khiến danh tiếng của riêng cá nhân đó bị hủy hoại nghiêm trọng mà còn gây mất niềm tin trong xã hội, khiến những người hoạt động trong cùng lĩnh vực bị ảnh hưởng theo.
Để khắc phục điều này, họ cần hành động ngay lập tức bằng những cách như xin lỗi, ủng hộ lại đúng số tiền như họ đã công bố, thành tâm tham gia vào công tác cứu hộ, khắc phục sau thiên tai… Tuy nhiên, đây cũng chỉ là hành động nhằm xoa dịu dư luận, rất khó để tạo dựng lại danh tiếng cá nhân", ông Tú nói.
Vị chuyên gia nhận định, ngày nay độ xác thực của các thông tin trên mạng xã hội là một vấn đề vẫn còn nan giải.
"Thông tin trên mạng xã hội là vô vàn và có thể làm giả được không khó khăn gì. Chúng ta chỉ nên tin vào những thông tin đã được các cơ quan chính quyền, địa phương hoặc báo chính thống xác minh", ông nhấn mạnh.
Nghiêm trị hành vi "xén" tiền từ thiện
Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TPHCM), hành vi ăn chặn tiền từ thiện không chỉ trái đạo đức và còn vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ vi phạm, người thực hiện hành vi ăn chặn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điểm c, khoản 1, Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định người thực hiện hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản; đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả, sẽ bị phạt 2-3 triệu đồng.
Nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, tùy theo tính chất hành vi, hậu quả, thủ đoạn, động cơ, mục đích, người thực hiện hành vi ăn chặn tiền từ thiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, người thực hiện hành vi có thể đối mặt với khung hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, họ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, với khung hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù.
Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm; tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo luật sư Trần Minh Hùng, việc cá nhân cố tình chỉnh sửa thông tin về số tiền chuyển khoản để khoe khoang là thể hiện mục đích vụ lợi, trục lợi cá nhân, thổi phồng, đánh bóng tên tuổi, tạo tương tác trên mạng xã hội… Đó chính là hành vi vi phạm pháp luật.
Điểm a, khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định, cá nhân sử dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng.
Nếu cá nhân có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội cố tình chỉnh sửa hình ảnh thông tin chuyển khoản giả mạo, đăng tải lên mạng xã hội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cá nhân đó có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, cá nhân có thể đối mặt với khung hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.