1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Sợ hãi trước vụ cháy nhà trọ 14 người chết, mẹ cầu xin con "chuyển trọ gấp"

Hoài Nam

(Dân trí) - Sáng sớm thức dậy, bàng hoàng đọc thông tin cháy nhà trọ ở Hà Nội 14 người chết, hiện lên trước mắt bà Hải là hình ảnh khu trọ nơi con gái út thuê khi bám trụ ở TPHCM.

6h sáng 24/5, bà Nguyễn Ngọc Hải, ở Bình Thuận đọc tin cháy nhà trọ 5 tầng ở Cầu Giấy, Hà Nội làm 14 người chết khi các con chia sẻ trong nhóm chat (trò truyện trực tuyến) của gia đình.

Người mẹ 58 tuổi như muốn nghẹt thở bởi nỗi ám ảnh về hai chữ "phòng trọ" ở phố thị đeo đẳng bà lâu nay.

Sợ hãi trước vụ cháy nhà trọ 14 người chết, mẹ cầu xin con chuyển trọ gấp - 1

Cảnh sát đưa các nạn nhân trong vụ cháy nhà trọ 5 tầng ở Hà Nội ra ngoài (Ảnh: Hoàng Tuấn).

Người mẹ nhắn trong nhóm, như van xin: "Thủy ơi, tìm chỗ trọ khác đi con. Chỗ con mà cháy thì không có lối thoát đâu, mẹ lo lắm con ơi!". Cô con gái chỉ đáp lại bằng biểu tượng like vào tin mẹ gửi. 

Thủy là con gái út của bà Hải, ra trường hai năm nay và đang làm việc ở TPHCM.

Bà Hải kể, hồi tháng 9 năm ngoái, sau vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, Hà Nội, thấy quá bất an nên bà lên thăm con gái vì nghe nói con cũng ở "chung cư mini". 

Con gái bà ở ghép cùng với một người trong phòng trọ nằm ở tầng 5 thuộc tòa nhà cao tầng trên đường Phan Đăng Lưu, Phú Nhuận. Mỗi tầng có tầm 6-7 phòng chỉ vài m2, đặt được chiếc nệm với ít đồ đạc. Phía trước mỗi căn phòng là hàng lang nhỏ xíu, tối tăm.

Tất cả việc đi lại, lên xuống của rất nhiều người thuê trọ ở đây phụ thuộc hết vào một thang máy và một cầu thang bộ nhỏ hẹp.

Sợ hãi trước vụ cháy nhà trọ 14 người chết, mẹ cầu xin con chuyển trọ gấp - 2

Nhiều sinh viên, người lao động ở trọ trong những căn phòng bức bối, chật chội, thiếu an toàn (Ảnh: Mi Anh).

Đây là khu trọ đúng dạng "cái hộp một cửa", chỉ có một lối thoát duy nhất ở cửa ra vào ở tầng trệt. Tuy nhiên, tầng trệt lại là nơi dùng để xe máy, phía trước tòa nhà là cửa hàng bánh mỳ bịt gần 2/3 lối ra vào.

Bà Hải hình dung ngay ra cảnh nếu khu trọ xảy ra cháy thì con mình và những người thuê trọ gần như chỉ có "đường chết" khi không có lối thoát.

Bà thuyết phục con chuyển chỗ trọ khác nhưng cháu giải thích thu nhập chỉ có thể thuê nhà trọ như vậy. Hơn nữa, theo con gái bà: "Phòng trọ chỉ để tối về có chỗ đặt lưng. Chỗ trọ này lại gần trung tâm, tiện đi lại và còn rộng rãi hơn nhiều khu trọ khác". 

Bước ra bước vào chỗ ở của con khiến bà Hải ngột ngạt như nghẹt thở. Tính lên với con một tuần nhưng chỉ đến ngày thứ 3, bà lên xe về quê. Ra về, người mẹ vẫn đau đáu nhắn gửi con gái cân nhắc việc chuyển về quê sinh sống, làm việc.

Lúc đó, có thể đang ám ảnh với vụ cháy chung cư mini làm 56 người chết, cháu cũng xuôi xuôi: "Để con xem!".

"Nhiều đêm tôi ngủ mơ thấy phòng trọ chật chội mà con sống nơi thành phố. Có khi thấy con bị kẹt ở cánh cửa không nhúc nhích được, đưa tay ra gọi mẹ: "Kéo con với!". Tôi đưa tay nhưng không thể nào kéo chạm đến cháu... Cho đến khi bật dậy, tôi ngồi thẫn thờ, sợ hãi", bà Hải kể.

Cũng đôi ba lần bà nhắc lại lời hẹn của con nhưng rồi những cân nhắc, dự tính dần bị quên lãng. Cô con gái vẫn ở chỗ trọ bí bức đó - nơi lâu lâu lại xuất hiện trong những cơn ác mộng của người mẹ.

Sợ hãi trước vụ cháy nhà trọ 14 người chết, mẹ cầu xin con chuyển trọ gấp - 3

Ở nhiều dãy trọ, tầng trệt cũng là lối ra vào duy nhất bị bịt kín bởi xe máy (Ảnh: Hoài Nam).

Cũng từ việc được "trải nghiệm" chỗ ở của con, bà Hải đã hiểu vì sao nhiều người đã rời bỏ thành phố về quê, nhất là khi có con nhỏ. Bà cũng hiểu vì sao nhiều gia đình nuôi giấc mơ mua được một căn nhà ở thành phố. Bởi cái sự an cư không đơn thuần là chỗ ở, chỗ ngủ mà còn gắn với sự an toàn.

Vậy nhưng, cũng rất nhiều người như con gái bà đang sống chung với những nguy cơ thiếu an toàn, nguy cơ đến tính mạng có thể nhìn thấy ngay trước mắt.

Bên cạnh vấn đề kinh tế, thu nhập thấp, chi tiêu ở thành phố đắt đỏ theo bà Hải nhiều người trẻ giờ đây có suy nghĩ "chỗ trọ không phải là nhà mà chỉ là chỗ để đặt lưng, để ngủ khi đêm về".

Sợ hãi trước vụ cháy nhà trọ 14 người chết, mẹ cầu xin con chuyển trọ gấp - 4

An toàn chỗ trọ là một vấn đề an sinh sát sườn đối với người lao động di cư ở các thành phố (Ảnh: Hoài Nam).

Đó là cái tặc lưỡi bỏ qua sự an toàn xuất phát từ suy nghĩ  "do số" hay "chắc chừa mình ra".

Sau những vụ cháy chung cư mini, các khu trọ, cơ quan chức năng liên tục phát cảnh báo nguy cơ cháy nổ cao từ nhà trọ, phòng trọ, chung cư mini, nơi ở của nhiều người lao động, học sinh, sinh viên.

Tại những nơi này, nguy cơ đến từ việc nhiều người cùng ở, sinh hoạt tại không gian chật hẹp, chứa nhiều vật dụng dễ bắt cháy, nhiều nơi câu mắc điện không đảm bảo an toàn…

Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác như nhiều khu nhà trọ nằm trong các hẻm sâu, hẹp, cách xa nguồn nước, không đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy như lối thoát nạn, bố trí, sắp xếp vật dụng, hàng hóa…

Cứ sau mỗi vụ cháy thảm khốc, từ các cơ quan quản lý cho đến chủ nhà trọ, người thuê trọ lại lên "dây cót" tiến hành kiểm tra, rà soát cho đến những cái giật mình, lo lắng, bất an về chỗ ở, đặc biệt chỗ ở của người lao động di cư.

Nhưng dường như, chỉ thời gian ngắn thôi, nỗi bất an đó cũng sớm trôi vào quên lãng bởi những lo toan, mưu sinh thường nhật lẫn cả sự thờ ơ, chủ quan!?

Sợ hãi trước vụ cháy nhà trọ 14 người chết, mẹ cầu xin con chuyển trọ gấp - 5

Đoàn liên ngành TPHCM kiểm tra tại căn nhà kinh doanh mô hình hộp ngủ ở địa bàn quận Bình Thạnh (Ảnh: Lam Giang).

Điều chúng ta đang nhìn thấy, đối diện là đô thị ngày càng chật chội, ngày càng xuất hiện nhiều chỗ trọ dạng hộp ngủ "chỉ cần chỗ để ngủ", những chỗ trọ phải nói là "không lối thoát"...

Như lời nói của Thủy, con gái bà Hải "để con xem" vẫn chỉ là lời hứa hẹn dù thấy rõ mối nguy rình rập ngay chỗ ở của mình ngay trong mỗi bữa ăn, giấc ngủ…