1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Rà soát hộ nghèo không "chạy" theo thành tích làm sai lệch thực trạng

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Kết quả rà soát phải phản ánh đúng thực trạng đời sống của nhân dân, tuyệt đối không bỏ sót hộ nghèo, hộ cận nghèo, không chạy theo thành tích làm sai lệch thực trạng nghèo của địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều vừa ban hành kế hoạch điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh.

Rà soát phải đúng thực trạng đời sống của dân

Kế hoạch được ban hành nhằm xác định và lập danh sách hộ nghèo, cận nghèo để có cơ sở xây dựng kế hoạch, giải pháp giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội năm 2023.

Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu yêu cầu, việc rà soát hộ nghèo, cận nghèo phải bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và có sự tham gia của người dân nhằm xác định đúng đối tượng.

Rà soát hộ nghèo không chạy theo thành tích làm sai lệch thực trạng - 1

Tỉnh Bạc Liêu đang tích cực thực hiện công tác giảm nghèo, cận nghèo bền vững (Ảnh minh họa: Huỳnh Hải)

"Kết quả rà soát phải phản ánh đúng thực trạng đời sống của nhân dân, tuyệt đối không bỏ sót hộ nghèo, cận nghèo, không chạy theo thành tích làm sai lệch thực trạng nghèo của địa phương", Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu yêu cầu rõ.

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, đối tượng rà soát là toàn bộ hộ gia đình nằm trong danh sách hộ nghèo, cận nghèo theo kết quả tổng điều tra cuối năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 do UBND xã, phường, thị trấn đang quản lý.

Bên cạnh đó, lưu ý một số hộ gia đình không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo nhưng địa phương chủ động phát hiện thấy hộ gia đình gặp khó khăn, biến cố rủi ro có khả năng rơi vào diện nghèo, cận nghèo.

Giám sát chặt chẽ việc rà soát

Theo quy định, tiêu chí đo lường nghèo đa chiều ở khu vực nông thôn có mức thu nhập 1,5 triệu đồng/người/tháng và khu vực thành thị là 2 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra, còn có tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin; 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt này.

12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: việc làm, người phụ thuộc trong hộ gia đình, dinh dưỡng, bảo hiểm y tế, trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em, chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người, nguồn nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người từ 1,5 triệu đồng/người/tháng trở xuống (khu vực thành thị là từ 2 triệu đồng/người/tháng trở xuống) và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người từ 1,5 triệu đồng/người/tháng trở xuống (khu vực thành thị là từ 2 triệu đồng/người/tháng trở xuống) và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

Còn chuẩn hộ có mức sống trung bình ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người trên 1,5 triệu đồng đến 2,250 triệu đồng/người/tháng (khu vực thành thị trên 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng/người/tháng).

Theo kế hoạch của UBND tỉnh Bạc Liêu, thời gian rà soát thực hiện từ ngày 1/9 đến 15/12/2022.

UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác giám sát việc điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo đúng theo quy định.

Tỉnh Bạc Liêu có một thành phố, một thị xã và 5 huyện, với 64 xã, phường, thị trấn. Khu vực thành thị là các phường của thành phố, thị xã và các thị trấn của huyện. Khu vực nông thôn là các xã còn lại của thành phố, thị xã, huyện.