TPHCM:

Phường, xã phải chủ động chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi vì Covid-19

Xuân Duy

(Dân trí) - Theo Sở Tư pháp TPHCM, UBND phường, xã, thị trấn nơi trẻ em cư trú phải chủ động hỗ trợ, nuôi dưỡng các trẻ mồ côi do mất cha, mẹ, người thân thích vì dịch bệnh Covid-19.

Theo thống kê, toàn TPHCM hiện có hơn 1.500 trẻ mất cha, mẹ hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ, thậm chí mất cả người thân do dịch Covid-19. 

Nhằm thực hiện việc chăm sóc các trẻ mồ côi, ngày 17/9, Sở Tư pháp TPHCM có văn bản hướng dẫn các quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn về việc chăm sóc, giám hộ trẻ em mồ côi không có người nuôi dưỡng do cha, mẹ, người thân thích chết vì Covid-19 và quản lý di sản chưa xác định được người thừa kế, người quản lý di sản. 

Theo đó, với trẻ mồ côi, trẻ không ai nuôi dưỡng do mất cha, mẹ, người thân vì dịch bệnh Covid-19, UBND phường, xã, thị trấn nơi trẻ em cư trú phải hỗ trợ, nuôi dưỡng.

Phường, xã phải chủ động chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi vì Covid-19 - 1

Đợt dịch vừa qua khiến hàng ngàn trẻ em mất cha, mẹ (Ảnh: Nguyễn Quang).

Đồng thời, UBND phường, xã, thị trấn cần quyết định các biện pháp chăm sóc thay thế, đăng ký giám hộ cho trẻ theo quy định. Nếu trẻ không có người giám hộ, địa phương cử người giám hộ. Trình tự, thủ tục việc đăng ký giám hộ, cử người giám hộ được thực hiện theo quy định của Luật Hộ tịch.

Trong trường hợp chưa thực hiện được các biện pháp chăm sóc thay thế cho trẻ, địa phương thực hiện ngay các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, quản lý tài sản của trẻ trong thời gian chưa tìm được người giám hộ.

Đối với di sản do cha, mẹ, người thân của trẻ bị mất để lại, địa phương thực hiện công tác quản lý trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế, người quản lý di sản và giao lại di sản khi có yêu cầu của người thừa kế theo quy định. Việc quản lý du sản được thực hiện theo khoản 1, Điều 617 Bộ luật Dân sự.

Cũng trong  Sở Tư pháp đề nghị UBND phường, xã, thị trấn thực hiện công tác quản lý di sản trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế, người quản lý di sản.

Theo Điều 61, 62, 66 Luật trẻ em quy định trường hợp trẻ mồ côi, trẻ em không người nuôi dưỡng cần được chăm sóc thay thế bởi người thân thích; cá nhân, gia đình không phải là người thân thích; bằng hình thức nhận con nuôi hoặc chăm sóc tại cơ sở trợ giúp xã hội.

Tư vấn, trợ giúp  pháp lý cho trẻ mồ côi - Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội luật sư thuộc hội bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cho biết, từ tháng 8/2021 đến nay, các luật sư của chi hội đã tư vấn, trợ giúp pháp lý cho 44 trẻ mồ côi. Trong đó, nhiều trẻ chưa được khai sinh, không có thẻ bảo hiểm y tế, căn cước công dân khi đã đủ 14 tuổi, chưa được đến trường… Có trẻ bơ vơ nơi nhà trọ, nhưng cũng có trẻ bất đắc dĩ nhận tài sản thừa kế khi còn quá nhỏ.