Phương châm sống của cụ bà U90 ở TPHCM khiến nhiều người "xót xa"
(Dân trí) - Ở tuổi 85, bà Sớm ngày nào cũng đẩy xe chuối chiên đi bán. Thời còn nhỏ, bà xa quê đi làm kiếm tiền nuôi 22 người em. Giờ đây, khi tuổi già, bà vẫn một mình mưu sinh, tự nuôi bản thân.
"Mình ăn thì hết, người khác ăn thì còn"
Giữa trưa, TPHCM đổ cơn mưa nặng hạt. Trong con hẻm 86 đường Thích Quảng Đức (quận Phú Nhuận), một cụ bà khòm lưng, cố hết sức đẩy chiếc xe gỗ ra đầu hẻm dưới cơn mưa, khiến nhiều người chạnh lòng.
Hơn 35 năm qua, bà Nguyễn Thị Sớm (85 tuổi) vẫn đều đặn mưu sinh bằng nghề bán chuối, khoai chiên. Mỗi ngày, bà luôn dậy từ tờ mờ sáng, đi chợ để chuẩn bị nguyên liệu cho kịp 14h đẩy hàng ra bán. Đến khi nào bán hết 2 thau bột, bà Sớm mới lật đật về nhà nghỉ ngơi.
Bữa cơm đầu tiên trong ngày của bà cũng bắt đầu vào giữa trưa. Chén cơm lưng chừng chỉ có vài miếng cá khô, bà Sớm vừa ăn, vừa canh chảo dầu để chuối, khoai không bị khét.
"Tôi già rồi, ăn ít thôi", cụ bà móm mém cười nói, khói từ bếp củi khiến khóe mắt bà như đang khóc. Để chuối, khoai được thơm, giòn, bà luôn chọn những nải vừa chín tới, chiên bằng 2 lớp bột. Nói đến bí quyết bán đắt hàng, bà Sớm cho hay chỉ cần làm bằng cái tâm thì khách hàng sẽ quay lại.
Hôm ấy, vị khách đầu tiên của bà là mấy đứa nhỏ chơi bóng đá ở xóm. Thấy tụi nhỏ không mang đủ tiền, bà Sớm gằn giọng: "Mở hàng như vầy, chắc tụi con biết tay bà!". Miệng thì mắng, nhưng tay bà Sớm vẫn gắp một túi đầy khoai, dặn tụi nhỏ ăn từ từ kẻo nóng.
"Mình ăn thì hết, người khác ăn thì còn. Tôi không tiếc gì mấy miếng khoai, chuối với người khác", bà Sớm bộc bạch.
Dù đã lớn tuổi, cụ bà vẫn tự tin rằng mình vẫn còn rất khỏe mạnh. Mọi việc đều do một tay bà Sớm cặm cụi chuẩn bị. Mỗi ngày, bà có thể kiếm được vài trăm nghìn đồng từ hàng chuối chiên.
Bà kể rằng trước đây bà để tiền trong chiếc bọc, treo ở xe đẩy nên bị người xấu lợi dụng thời cơ đến trộm mất, khiến bà tay trắng, lủi thủi về nhà sau một ngày mưu sinh. Thế nên giờ đây, tiền kiếm được, cụ bà cất gọn vào trong túi ni-lông rồi nhét vào túi áo.
Đôi vai nặng gánh mưu sinh
Bà Sớm sinh ra và lớn lên ở một huyện nghèo tại tỉnh Quảng Ngãi, là chị cả của 22 người em. Thời còn "bom đạn rơi trên đầu", gia đình bà sống nương tựa vào những cánh đồng cày lên sỏi đá. Thấy gia cảnh nghèo khó, bà Sớm lúc ấy chỉ mới 13 tuổi, một mình đi tàu vào TPHCM lập nghiệp.
Thời gian đầu, bà đi làm giúp việc nhà, gửi tiền về nuôi 22 đứa em. Dần dà, bà được giới thiệu vào cảng hàng không Việt Nam, làm nhiệm vụ đưa đón khách từ những chuyến bay xuống.
Bà kết hôn sớm, sinh 4 người con. Năm 50 tuổi, bà nghỉ việc, đi bán chuối chiên. Thời đó, chồng bà dù bị xương khớp nhưng lúc nào cũng chuẩn bị sẵn hàng cho bà đi bán. Cuộc sống không quá giàu có nhưng gia đình lúc nào cũng hạnh phúc.
Năm 2016, chồng bà qua đời. Vì không muốn làm phiền con cháu, bà Sớm chấp nhận ở một mình trong căn nhà cấp 4.
"Nhiều đêm, tôi trằn trọc không ngủ được vì nghĩ đến cảnh mình có chồng, con nhưng bây giờ lại phải cô đơn. Tuy nhiên, sau nỗi buồn ấy tôi cũng cảm thấy cuộc sống vẫn còn nhiều niềm vui, bản thân còn làm lụng, tự kiếm tiền mà không làm phiền đến ai", cụ bà mỉm cười, nếp nhăn co rúm ở khóe miệng.
Bà Sớm kể rằng có nhiều người ở tỉnh khác đến viếng chùa, tình cờ ăn chuối chiên của bà nên ngỏ lời muốn được bà dạy cách làm. Bà Sớm không chỉ đồng ý mà còn cho họ ở nhờ trong nhà vài ngày để học thuộc công thức.
"Tôi không sợ người ta lừa, vì ở tuổi này, tôi không còn tiếc nuối điều gì cả. Nhiều người được tôi dạy làm chuối chiên, về nhà mở bán, bây giờ có tiền xây nhà lầu rồi quay lại cảm ơn tôi. Những lúc như vậy, tôi thấy vui lắm", cụ bà bộc bạch.
Ở tuổi già, bà Sớm chỉ mong bản thân đủ sức khỏe để lao động. Đối với bà Sớm, đồng tiền do bản thân kiếm được là đồng tiền đáng quý nhất.