Phòng chống đuối nước: Đừng để "đầu bạc tiễn đầu xanh" vì trẻ thiếu kỹ năng
(Dân trí) - Tình trạng đuối nước trẻ em dù đã được cảnh báo nhiều nhưng nguy cơ thực tế vẫn hiển hiện khi có rất nhiều trẻ sống ở vùng sông nước mà không được trang bị kỹ năng bơi.
Một tuần, 3 trẻ bị đuối nước
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu, năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 5 trẻ em bị đuối nước. Sang đến 2022, mới tính 6 tháng đầu năm đã có 5 trẻ bị đuối nước ở huyện Vĩnh Lợi, huyện Hồng Dân và huyện Phước Long.
Đặc biệt, chỉ trong khoảng một tuần đầu tháng 6 ở huyện Phước Long có đến 3 trẻ bị đuối nước.
Chiều ngày 1/6, bé N.P.A. (13 tuổi, ngụ tại xã Hưng Phú, huyện Phước Long) cùng bạn ra sông bắt ốc. Bé A. không may trượt chân ngã xuống nước. Bạn đi cùng cứ nghĩ A. biết bơi nên đùa giỡn nhưng sau đó không thấy A. nổi lên mới vội tìm người đến ứng cứu. Khi được đưa lên bờ, bé A. đã tử vong.
Bé A. đang học lớp 7. Khoảng một tháng trước, bé xin nghỉ học ở nhà để phụ mẹ chăm nom 3 em nhỏ. Mới ở nhà chưa được bao nhiêu ngày mà bé đã gặp nạn, mất mạng. Theo người nhà, bé A. không biết bơi.
Chiều ngày 8/6, bé H.C.H. (10 tuổi, học sinh lớp 4 ở thị trấn Phước Long, huyện Phước Long) ra sông tắm cùng bạn. Trong lúc tắm, không may bé H. bị trượt chân đuối nước tử vong.
Đó là 2 trong nhiều hoàn cảnh trẻ em bị đuối nước mới xảy ra trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Qua thống kê, hầu hết nạn nhân đều sống ở khu vực vùng sông nước nhưng lại không biết bơi.
Hoàn cảnh của các em phần lớn đều thuộc diện gia đình khó khăn. Em N.P.A. phải nghỉ học ở nhà phụ bố mẹ chăm nom các em nhỏ để cha mẹ mưu sinh. Còn cha mẹ em H.C.H. ly hôn, em sống cùng cha và chị gái 13 tuổi.
Trẻ em vùng sông nước cần được sớm trang bị kỹ năng bơi
Anh Nguyễn Văn Khanh (ngụ tại thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, ở miền Tây nói chung, tỉnh Bạc Liêu nói riêng, có rất nhiều nhà dân sống dọc theo 2 bên bờ sông.
"Có nhà bước ra phía trước cửa đã thấy sông, có nhà thì "sân" sau chính là sông. Có thể nói, cuộc sống người dân gắn bó với sông nước mà không biết bơi là một thiệt thòi và cả thiệt hại", anh Khanh nêu quan điểm.
Theo anh Khanh, những năm qua, tình trạng trẻ đuối nước ở sông, kênh rạch xảy ra khá nhiều, hầu hết các trẻ đều không biết bơi và một phần nguyên nhân là do nhiều cha mẹ, người thân còn ngó lơ, ít quan tâm đến việc trang bị kỹ năng bơi lội cho các em.
Cùng quan điểm với anh Khanh, anh Nguyễn Văn An (ngụ tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) cũng nhận định, trẻ em sống ở vùng sông nước thì việc biết bơi là một trong những kỹ năng chính phải có và cần sớm được trang bị khi đủ điều kiện.
"Xung quanh nhà là sông, ao hồ, các em nhỏ thường ra chơi. Hay vẫn còn nhiều gia đình, trong đó có thể cả những trẻ em, thanh thiếu niên vì cuộc sống mưu sinh phải ra sông, ra biển, xuống ao hồ, kênh rạch, nếu không biết bơi thì rất nguy hiểm, chỉ cần một cú trượt chân hay sụp chỗ sâu thì tính mạng sẽ bị đe dọa ngay", anh An chia sẻ.
Theo anh An, có những tình huống khi gặp sự cố ở vùng sông nước thì ngay cả người biết bơi cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, việc biết bơi và kỹ năng đặc thù của nó thì ít ra cũng sẽ giúp người gặp nạn như những trẻ em kéo dài được một khoảng thời gian nào đó để người khác đến ứng cứu kịp thời, tránh được thương vong.
Trao đổi với PV Dân trí, bà Trần Yến Hòa, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu cho biết, để hạn chế phần nào tình trạng đuối nước xảy ra ở trẻ em, sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền đến tận hộ gia đình nhằm nâng cao ý thức phòng chống đuối nước cho trẻ em.
Các địa phương cần tích cực tuần tra thường xuyên tại các sông, ao, hồ, kênh rạch lớn trên địa bàn để kiểm tra nhắc nhở các em không được xuống tắm khi không có sự quản lý của người lớn.
Các gia đình phải tạo môi trường an toàn cho trẻ, thường xuyên giám sát, dạy bảo, răn đe con em mình nguy cơ có thể xảy ra khi đến gần, xuống sông, kênh rạch. Khi có điều kiện thì dạy bơi cho con em mình để các em có thể trang bị được những kỹ năng cần thiết khi tiếp xúc với sông nước.