Sóc Trăng:
Phát triển kinh tế đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
(Dân trí) - Ngày 30/11, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội thảo về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát biểu tại hội thảo, bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh Sóc Trăng có gần 1,2 triệu người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 35%.
Hiện nay, tình hình sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cơ bản được bảo đảm ổn định, công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt trên các lĩnh vực.
"Qua đó, góp phần giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nói chung, hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng từng bước được cải thiện đời sống, phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo", bà Đào chia sẻ.
Tính đến cuối năm 2022, tỉnh có hơn 1.100 hộ nghèo và trên 10.000 hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số; ước đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung chia sẻ nhiều tham luận xung quanh nội dung hướng tới phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Sóc Trăng hiện nay.
Đó là thực trạng của đội ngũ cán bộ, công chức người đồng bào dân tộc thiểu số; một số mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế nông thôn;…
Theo GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thực hiện chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và địa phương, trong những năm qua đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được nâng lên.
Tuy nhiên, kinh tế - xã hội và việc đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Sóc Trăng vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ vẫn còn chậm; một số mô hình sản xuất hiệu quả chưa cao; thu nhập bình quân đầu người vẫn còn thấp…
"Những hạn chế, bất cập này cần phải có những giải pháp để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Sóc Trăng", ông Lợi chỉ rõ.
GS.TS Lê Văn Lợi cho rằng, có thể khẳng định việc đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế của không chỉ ở Sóc Trăng, mà còn cả các địa phương khác ở Việt Nam.