Phát triển công tác xã hội hỗ trợ người khuyết tật

Tiến Thành

(Dân trí) - Suốt 20 năm qua, ông Chiến dành thời gian trao gửi yêu thương tới các em nhỏ thiệt thòi trên hành trình thắp sáng hy vọng với cuộc sống.

Công việc đòi hỏi tình yêu thương vô điều kiện

Ông là Lê Quyết Chiến - Giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng, nuôi dạy trẻ khuyết tật, nhiễm chất độc da cam Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh. 

Phát triển công tác xã hội hỗ trợ người khuyết tật  - 1

Ông Lê Quyết Chiến chăm sóc trẻ khuyết tật tại Trung tâm phục hồi chức năng nuôi dạy trẻ khuyết tật, chất độc da cam Hiền Ninh (Ảnh: Tiến Thành).

Hành trình gắn bó với trẻ khuyết tật của ông Chiến bắt đầu từ lúc thành lập trung tâm vào năm 2002. Đây là thời điểm trung tâm nhận được tài trợ bởi dự án của Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam trong thời gian 5 năm.

Ông Chiến và những người tâm huyết đã xin sử dụng lại dãy nhà cấp 4 bỏ hoang của bệnh viện huyện Lệ Ninh làm nơi chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật.

Phát triển công tác xã hội hỗ trợ người khuyết tật  - 2

Ông Chiến gắn bó với trẻ khuyết tật, chất độc da cam đến nay đã hơn 20 năm (Ảnh: Tiến Thành).

Phát triển công tác xã hội hỗ trợ người khuyết tật  - 3

Trung tâm là ngôi nhà chung của trẻ em khiếm khuyết (Ảnh: Tiến Thành).

Sau khi trung tâm được thành lập, ở đâu có trẻ khuyết tật, ông Lê Quyết Chiến đều có mặt để vận động, hướng dẫn phụ huynh, đưa các em về trung tâm để hỗ trợ, cải thiện chức năng.

"Về các xã vùng sâu, vùng xa, nông thôn, có nhiều trẻ khuyết tật bị bỏ bê do cha mẹ các cháu nghèo quá. Nhìn thấy hình ảnh như vậy, ai chẳng đau lòng. Tôi muốn làm điều gì đó để các cháu bớt thiệt thòi. Có thể nói cách tốt nhất để giúp đỡ các cháu là đưa về trung tâm để chăm sóc, tập luyện", ông Chiến chia sẻ.

Năm 2007, dự án của Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam kết thúc, đồng nghĩa với kinh phí hoạt động không còn. Đây cũng là điều mà ông Chiến trăn trở, bởi trung tâm đang hoạt động rất hiệu quả, giúp đỡ được nhiều trẻ em khuyết tật, tháo gỡ khó khăn cho phụ huynh, gia đình.

Phát triển công tác xã hội hỗ trợ người khuyết tật  - 4

Trung tâm hiện là nơi chăm sóc, phục hồi chức năng cho hơn 50 trẻ khuyết tật (Ảnh: Tiến Thành).

Trăn trở, ông Chiến và các nhân viên trung tâm đã bàn nhau, quyết tâm giữ lại ngôi nhà chung của trẻ khuyết tật. Ông lặn lội nhiều nơi kêu gọi nguồn xã hội hóa để trang trải kinh phí vận hành trung tâm.

Ông Chiến đã có hơn 20 năm gắn bó, đồng hành với trẻ em khuyết tật, rong ruổi nhiều nơi kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ trẻ khiếm khuyết.

Phát triển công tác xã hội hỗ trợ người khuyết tật  - 5

Bà Nguyễn Thị Minh Lợi, y sĩ đã nghỉ hưu cũng đến trung tâm để hỗ trợ chăm sóc trẻ em khuyết tật (Ảnh: Tiến Thành).

"Thời điểm dự án kết thúc, tôi không nghĩ mình có thể giữ lại được trung tâm này cho các cháu, bởi kinh phí hoạt động không có. Lúc đó khó khăn lắm. Rất may là tôi có những người đồng hành nhiệt huyết, được các tổ chức, mạnh thường quân tin tưởng, giúp đỡ để tiếp tục hỗ trợ các cháu", ông Chiến cho biết thêm.

Để dành thời gian chăm lo cho các em nhỏ khuyết tật, bản thân ông Chiến cũng phải hy sinh một phần cuộc sống cá nhân. Khi mẹ bị tai biến nằm một chỗ, ông vừa lo cho đám trẻ nhỏ, vừa chăm sóc mẹ. Thấu hiểu tấm lòng và sự nhiệt huyết của chồng, vợ ông Chiến cũng thường xuyên động viên, tận tình chăm sóc mẹ già để ông yên tâm tiếp tục công việc tâm huyết.

Ngôi nhà chung 

Không chỉ ông Chiến, nhiều người tại trung tâm cũng đã có hàng chục năm gắn bó, miệt mài vì sự phát triển của trẻ khuyết tật. Họ đều đặn đến đây mỗi ngày để chăm sóc trẻ, bằng tình yêu thương vô điều kiện.

Phát triển công tác xã hội hỗ trợ người khuyết tật  - 6

Bà Lợi cũng đã gắn bó với trẻ em khuyết tật gần 20 năm qua (Ảnh: Tiến Thành).

Công tác trong ngành y tại một bệnh viện địa phương, sau khi nghỉ hưu theo chế độ, bà Nguyễn Thị Minh Lợi (SN 1949) tình nguyện làm việc tại trung tâm, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam, trẻ em khuyết tật, hỗ trợ những mảnh đời thiệt thòi, bất hạnh. Đến nay, đã gần 20 năm bà gắn bó với trung tâm.

Bà Lợi chia sẻ, bản thân luôn cảm phục tấm lòng của ông Chiến và những người chăm sóc trẻ khuyết tật, cũng như đồng cảm và muốn góp một phần công sức để hỗ trợ, giảm bớt thiệt thòi cho trẻ em khuyết tật.

Phát triển công tác xã hội hỗ trợ người khuyết tật  - 7

Chị Nguyễn Thị Thuân đưa con trai là Lê Ngọc Toàn đến trung tâm để được hỗ trợ phục hồi chức năng (Ảnh: Tiến Thành).

"Với trẻ khuyết tật, việc chăm sóc phải kiên trì, phải dành tình thương đặc biệt với các cháu. Mỗi cháu có một bệnh lý, khuyết tật riêng, tùy từng trường hợp mà có hướng hỗ trợ, phục hồi. Với chúng tôi, giúp đỡ giảm bớt khó khăn cho gia đình và đặc biệt là sự thay đổi của các cháu chính là niềm vui mỗi ngày", bà Minh Lợi nêu quan điểm.

Nhờ sự tận tình của những người bố, người mẹ nuôi tại trung tâm, cùng sự đồng hành của phụ huynh, hàng chục trẻ em khuyết tật đã có những bước hồi phục kỳ diệu, dần hòa nhập cộng đồng.

Chị Nguyễn Thị Thuân và cậu con trai Lê Ngọc Toàn đã gắn bó với trung tâm từ khi cháu còn nhỏ, nay Toàn đã 15 tuổi. Cháu bị não úng thủy bẩm sinh, gai đốt sống lưng nên không thể vận động.

Phát triển công tác xã hội hỗ trợ người khuyết tật  - 8

Hiện trung tâm có 6 nhân viên (Ảnh: Tiến Thành).

"Cháu đến cơ sở từ lúc 2 tuổi, nay đã hồi phục, nhận thức tốt hơn, tự vận động tay, tự đẩy xe lăn được. Đó là niềm vui lớn của gia đình. Tôi rất biết ơn đội ngũ nhân viên tại cơ sở chăm sóc trẻ khuyết tật", chị Thuân chia sẻ.

Bên cạnh việc đồng hành cùng con, chị Thuân cũng thường xuyên đến cơ sở để hỗ trợ nhân viên chăm sóc các cháu. Nhiều phụ huynh khác, tương tự chị Thuân, cũng đến vì tìm thấy sự đồng cảm và chia sẻ trong cuộc sống, để từ đó lạc quan, giúp con hồi phục tốt hơn.

Hiện trung tâm có 6 nhân viên, trong đó có một bác sĩ, một y sĩ về hưu và một kỹ thuật viên. Họ là những người đến với trẻ khuyết tật bằng tấm lòng, sự yêu thương.

Phát triển công tác xã hội hỗ trợ người khuyết tật  - 9

Hơn 20 năm hoạt động, trung tâm đã giúp hơn 100 trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng (Ảnh: Tiến Thành).

Hơn 20 năm hoạt động, trung tâm đã giúp hơn 100 trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Nhiều em quyết tâm vươn lên, có công ăn việc làm và thu nhập, đóng góp cho gia đình và xã hội. Những bước đi vững chãi hơn của các em là động lực để các cán bộ, nhân viên tại trung tâm tiếp tục cố gắng vì sự phát triển của trẻ khuyết tật, bằng một tình yêu vô điều kiện.