1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Ông bố nghèo 12 năm cõng con tới trường: Ngã cầu khỉ, té sông vẫn đi học!

Bảo Kỳ

(Dân trí) - 12 năm qua, mặc nắng mưa, ông Mai Ngọc Tuyết (54 tuổi, ngụ tại khu vực 2, phường 7, TP Vị Thanh, Hậu Giang) đều đặn cõng con trai tới trường. Cậu bé bại liệt nay đã thành sinh viên cao đẳng.

Ông bố nghèo 12 năm cõng con tới trường: Ngã cầu khỉ, té sông vẫn đi học! - 1

Ông Tuyết miệt mài cõng con trai đến trường 12 năm qua (Ảnh: Bảo Kỳ).

Ông bố đơn thân nguyện "làm chân" cho con

Ông Tuyết có 2 người con, một trai một gái, trong đó em Mai Khánh Tân (21 tuổi) là con út trong gia đình. Lúc chào đời, Tân cũng bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng bất hạnh ập đến khi em lên 5, mắc bệnh viêm não Nhật Bản suýt mất mạng. 

"Lúc đó, gia đình tôi đem Tân lên bệnh viện tỉnh cấp cứu, cả người con nóng bỏng, phải thở máy. Khi ấy bác sĩ bảo, bệnh này rất nguy hiểm, khả năng sống sót thấp, tôi chỉ biết cầu trời khẩn phật cho con tai qua nạn khỏi. Sau nhiều ngày nằm viện, con tỉnh lại nhưng thành bại liệt", ông Tuyết kể. 

Người đàn ông vừa làm cha, vừa làm mẹ 12 năm cõng con tới trường (Clip: Bảo Kỳ).

Ông bố nghèo 12 năm cõng con tới trường: Ngã cầu khỉ, té sông vẫn đi học! - 2

Cảnh nhà đơn chiếc của ông Tuyết. Năm 2019, ông dành dụm được 45 triệu cất nhà nhưng đến nay vẫn chẳng thể sơn tường cho sáng sủa vì kinh tế eo hẹp (Ảnh: Bảo Kỳ).

Ngày đó, gia đình ông ở xã Hỏa Tiến, huyện Vị Thanh, cũng thuộc dạng có của ăn của để, bao nhiêu năm làm lụng, ông cũng dành dụm mua được vài mảnh vườn. Để cứu con, ông bán hết ruộng đất và căn nhà khi đó, gia đình khánh kiệt dần. 

Kể về biến cố gia đình, ông Tuyết trầm ngâm, thở dài, ánh mắt vô hồn khi nhắc về người vợ cũ. Ông bảo, khoảng một năm sau khi Tân bị bại liệt, vợ ông vì thấy cảnh nhà nheo nhóc, con trai tàn tật, không chịu nổi khổ cực nên "dứt áo ra đi". Từ dạo ấy ông Tuyết "gà trống nuôi con", một mình nỗ lực, cố gắng hết sức mới lo được cho chị em Tân. 

"Vừa làm cha, vừa làm mẹ, lúc ấy Tân mới 5 tuổi nó không thể đi lại, chạy nhảy, mọi sinh hoạt đều trông vào tay tôi. Tôi tự nhủ từ nay về sau mình sẽ là đôi chân đưa con đi khắp thế gian", người cha khắc khổ đôi mắt ầng ậng nước khi nhắc lại quãng đường gian truân của đời mình. 

Ông bố nghèo 12 năm cõng con tới trường: Ngã cầu khỉ, té sông vẫn đi học! - 3

Ông Tuyết tỉ mẩn lau chùi cặp nạng cho con trai (Ảnh: Bảo Kỳ).

Ông bố nghèo 12 năm cõng con tới trường: Ngã cầu khỉ, té sông vẫn đi học! - 4

Ông Tuyết chua xót khoe tấm hình cậu bé khôi ngô lúc chưa bị bại liệt (Ảnh: Bảo Kỳ).

Suốt chặng đường gian truân đó, từ ngày đầu Tân vào lớp 1 đến khi tốt nghiệp trung học phổ thông, cha chính là đôi chân đưa em tới trường. 

Ông Tuyết kể, lúc nhỏ cơ thể Tân rất yếu, không thể quàng tay qua cổ ôm cha nên ông buộc con lên lưng rồi cõng con qua từng cây cầu khỉ, vượt những đoạn đường đất trơn trượt. Năm tháng, Tân lớn dần, quãng đường đến trường của em cũng xa hơn, người cha "gà trống" đổi sang chở con bằng xe đạp và cuối cùng là chiếc xe máy cà tàng. 

"Thấy con ham học nên dù nắng, dù mưa gió cỡ nào tôi cũng ráng đưa con đến trường. Có hôm Tân bệnh tôi không muốn đánh thức nhưng con giật mình tỉnh dậy, soạn vội tập sách rồi hối tôi đèo nhanh đến trường. Đến lớp có muộn nhưng con bảo không muốn nghỉ cả buổi, mất kiến thức.

Vất vả nhất là môn tin học, phòng học lúc nào cũng ở tầng cao, khi ấy hai cha con dìu nhau bò lên chứ tôi cũng không cõng nổi thằng nhỏ", ông Tuyết bộc bạch. 

Ông bố nghèo 12 năm cõng con tới trường: Ngã cầu khỉ, té sông vẫn đi học! - 5

Trong một lần đưa con đến trường, ông Tuyết bị va quẹt với xe tải, mất một đốt ngón chân (Ảnh: Bảo Kỳ).

Cảnh gà trống một mình nuôi 2 con chẳng dễ dàng, để có tiền lo cho con được học hành đầy đủ, ông Tuyết chẳng nề hà việc gì, từ làm cỏ, đặt lờ bắt cá đến phụ hồ, móc đất, cứ thấy có thu nhập, ông đều xin làm. 

Ông bố nghèo 12 năm cõng con tới trường: Ngã cầu khỉ, té sông vẫn đi học! - 6

Ông Tuyết làm nhiều nghề để mưu sinh, thu nhập bấp bênh, có ngày được hơn 200.000 đồng nhưng có ngày không có đồng nào (Ảnh: Bảo Kỳ).

Ông bố nghèo 12 năm cõng con tới trường: Ngã cầu khỉ, té sông vẫn đi học! - 7

Vừa làm cha, vừa làm mẹ chẳng dễ dàng với người đàn ông U60 (Ảnh: Bảo Kỳ).

Ông bảo: "Trời cho mỗi người một số phận. Có lẽ phận của tôi là chăm sóc Tân. 12 năm bế, cõng, tắm rửa, đưa con đi học, những việc đó đã ngấm vào máu. Nếu phải xa con, dù chỉ một ngày, chắc tôi sẽ không chịu được". 

Cõng Tân khá khó nên ông Tuyết chẳng tin tưởng giao con cho ai. Ngày ngày con đi đâu, tới trường hay đi chơi, ông đều tự mình đưa đón. Đôi khi nhìn những đứa trẻ khác chạy nhảy vui đùa, cha con không kìm nổi buồn tủi. 

"Ước mình đừng lớn để lưng cha đỡ oằn"

Đáp lại, Tân chưa một lần buồn than số kiếp. Em còn rất lạc quan, luôn tự hào khoe với bạn bè rằng bản thân có người cha yêu thương vô bờ bến. 

Ông bố nghèo 12 năm cõng con tới trường: Ngã cầu khỉ, té sông vẫn đi học! - 8

Chàng sinh viên Mai Khánh Tân hạnh phúc vì có tình thương bao la của cha (Ảnh: Bảo Kỳ).

Vất vả bao năm tháng, cuối cùng trái ngọt đã đến với người cha nghèo. Cuối tháng 7 năm ngoái, Tân báo tin mừng em đã trúng tuyển ngành Tin học ứng dụng của trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang. 

"Tân ở trong diện ưu tiên, được xét đặc cách tốt nghiệp nhưng thằng bé bảo muốn dùng thành tích tự phấn đấu để thi vào ngôi trường mơ ước. Con tự ôn tập ở nhà, tôi cũng chỉ biết động viên con cố gắng", ông Tuyết tiết lộ. 

Ông bố nghèo 12 năm cõng con tới trường: Ngã cầu khỉ, té sông vẫn đi học! - 9

Ông Tuyết đọc đi đọc lại, cất gữ cẩn thận giấy báo trúng tuyển vào trường cao đẳng của con trai (Ảnh: Bảo Kỳ).

Nhớ lại lúc cầm giấy báo trúng tuyển trên tay, Tân xúc động ôm chầm lấy cha, cảm ơn những hy sinh mà ông đã dành cho em. 

"Vô số lần cha cõng em đi qua cầu khỉ rồi trượt té ngã xuống sông, người ướt sũng, cha con lại quay về nhà thay đồ và đi học tiếp. Có lúc bước chân loạng choạng, thở hổn hển nhưng cha vẫn đưa em đến lớp kịp giờ. Khi ấy em chỉ ước mình đừng lớn nữa, để cha đỡ mệt nhọc", Tân hồi tưởng. 

Ông bố nghèo 12 năm cõng con tới trường: Ngã cầu khỉ, té sông vẫn đi học! - 10

Dù vất vả nhưng ông Tuyết luôn cố gắng lo cho con cái ăn, cái mặc để con yên tâm học hành (Ảnh: Bảo Kỳ).

Hiện Tân đã là sinh viên năm nhất ngành Tin học. Em đã có thể đi lại bằng nạng. Nhà cách xa trường, cả đi và về gần 30km, ông Tuyết chắt bóp tiền mua cho Tân chiếc xe máy cũ làm phương tiện để em đi học. Dù vậy, mỗi lần con rời nhà, ông đều chạy lò dò theo cả đoạn rồi mới quay về. 

Đôi bàn chân nứt nẻ, đen nhẻm, đôi tay chai sần vì lam lũ, cực nhọc nhưng ông Tuyết chẳng oán trách điều gì vì đã tâm niệm mỗi người đều có số phận riêng, ông sống đời này là vì con.

Với Tân, cha là mái nhà, là chiếc ô, che chắn tất cả giông bão cho con. Đôi chân cha cõng em tới trường và cõng cả tương lai, ước mơ của cậu. 

Ông bố nghèo 12 năm cõng con tới trường: Ngã cầu khỉ, té sông vẫn đi học! - 11

Hơn một tháng nay Tân tự lái xe đến trường (Ảnh: Bảo Kỳ).

Ông Nguyễn Trọng Tài - Trưởng Khu vực 2 cho biết, hoàn cảnh của ông Tuyết là diện đặc biệt ở địa phương. Bao năm qua ông Tuyết cật lực làm lụng vất vả để nuôi con ăn học. Dù khó khăn đi lại nhưng Tân rất hiếu học và nỗ lực vươn lên. 

"Ngày ông Tuyết báo tin Tân trúng tuyển cao đẳng, cả khu vực ai nấy đều bất ngờ và vui mừng thay cho gia đình. Thương cha tảo tần, Tân vượt lên nghịch cảnh để cố gắng học thật giỏi", ông Tài nói thêm.