Quảng Nam:
Ổn định chỗ ở cho người dân bị sạt lở, mất nhà
(Dân trí) - Đến thăm làng Tăk Chay, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My bị sạt lở do ảnh hưởng bão số 4, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam yêu cầu khẩn trương ổn định chỗ ở cho người dân.
Do đợt mưa lớn kéo dài, trên địa bàn làng Tăk Chay (thôn 5), xã Trà Cang, huyện miền núi Nam Trà My đã xảy ra hiện tượng sạt, nứt đất.
Vụ sạt lở làm 33 hộ với 175 nhân khẩu bị ảnh hưởng, trong đó có 20 hộ với 98 nhân khẩu đã được di dời, bố trí ở xen ghép, ở tạm tại điểm trường thôn; còn lại 13 hộ với 77 nhân khẩu đang tiếp tục di dời.
Qua đánh giá, vụ sạt lở không gây thiệt hại về người và tài sản nhưng số hộ cần di dời khẩn cấp khá lớn, khó khăn cho địa phương.
Theo UBND huyện Nam Trà My, việc xác định địa điểm tái định cư an toàn cần được đánh giá chặt chẽ, dựa trên cơ sở nghiên cứu của các ngành và sự đồng thuận của người dân.
Trước mắt, UBND huyện Nam Trà My yêu cầu UBND xã Trà Cang đã tổ chức họp dân để bàn phương án tái định cư, đồng thời hỗ trợ gạo, tiền mặt giúp bà con trang bị dụng cụ sinh hoạt trong quá trình dựng nhà tạm.
Ngày 21/9, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đã kiểm tra thực tế tình hình sạt lở và chỉ đạo công tác ổn định dân cư cho 33 hộ dân làng Tăk Chay.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động của địa phương trong việc kịp thời di dời, ổn định tinh thần cho người dân. Ông đồng thời lưu ý địa phương cần tiếp tục quán triệt các văn bản của Trung ương, Chính phủ và tỉnh trong phòng ngừa, ứng phó thiên tai.
"Chúng ta phải đặt an toàn tính mạng nhân dân lên trên hết, không để dân chịu đói, rét, không để học sinh phải nghỉ học. Tinh thần là phải chủ động lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, đặc biệt nâng tính chủ động của người dân; tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng tránh thiên tai", ông Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũng yêu cầu địa phương cần tăng cường tuyên truyền, cập nhật thông tin, cảnh báo nguy cơ mưa lũ, sạt lở nhanh chóng tới người dân và các trường học; cần chi tiết hơn nữa các phương án ứng phó, phòng chống, khắc phục thiên tai.
Ngoài ra, quán triệt đầy đủ cho các lực lượng cần thiết để tham mưu, thực hiện kịp thời khi có sự cố xảy ra; tập trung chỉ đạo sớm công tác dự trữ lương thực, thực phẩm, khẩn trương di dời, sắp xếp dân cư.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam yêu cầu địa phương cần phải hoàn thành di dời các hộ dân còn lại chậm nhất đến ngày 23/9.