Nụ cười thay đổi số phận của cô gái 27 năm không răng

Có được một hàm răng, được ăn những bữa cơm đúng nghĩa, sống một cuộc sống bình thường như bao người khác với Nguyễn Ngọc Hạnh - cô gái 27 năm không có răng là một bước ngoặt cuộc đời…

…Hai năm sau ngày được cấy ghép răng, giờ đây Hạnh đã có nhiều thay đổi, nhiều niềm vui. Ngày trước, Hạnh luôn nghĩ rằng tên cô gắn với nỗi bất hạnh, buồn phiền, nhưng bây giờ, cô lại cảm nhận được tên cô gắn với niềm hạnh phúc.

Cô gái không muốn cười

Nhà Hạnh ở khu trồng đào Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội. Như bao người dân ở làng nghề trồng hoa, bố mẹ Hạnh quanh năm đầu tắt mặt tối với nghề. Ngày ngày, bố Hạnh cần mẫn, dồn hết tâm huyết cho nghề trồng mai trắng. Đêm đêm, mẹ Hạnh nhọc nhằn bán hoa ở chợ hoa Quảng Bá. Vất vả mấy bố mẹ cũng chịu được, nhưng có một nỗi niềm canh cánh luôn khiến họ lo lắng, muộn phiền, đó chính là những khiếm khuyết trên gương mặt mà cô con gái Ngọc Hạnh phải chịu. 

Nụ cười thay đổi số phận của cô gái 27 năm không răng - 1
Nguyễn Ngọc Hạnh trước và sau khi được phục hồi răng thành công.

Năm 1993, mẹ sinh con gái đầu lòng, đặt tên là Ngọc Hạnh, những mong con sẽ luôn được hưởng hạnh phúc tròn đầy. Lúc đón Hạnh từ tay bác sĩ, mẹ thoáng giật mình khi thấy con gái mình đầu nhẵn bóng không hề có chút tóc nào, cũng không có dấu hiệu của lông mày trên khuôn mặt.

Mẹ nói với bố, nhưng rồi họ lại an ủi nhau rằng một đứa trẻ sơ sinh thì việc chưa có tóc, chưa có lông mày là chuyện bình thường. Tháng ngày trôi đi, bố mẹ vừa nuôi Hạnh, vừa mong ngóng mà vẫn không thấy có gì thay đổi. Đến tuổi mọc răng mà mãi những chiếc răng sữa xinh xinh không xuất hiện. Bố mẹ cho Hạnh đi kiểm tra thì mới tá hỏa khi bác sĩ bảo con không có mầm răng, nên những chiếc răng sẽ mãi không mọc lên.

Những năm tháng còn nhỏ, ám ảnh nhất với Hạnh là việc ăn. Hạnh chỉ có thể ăn bột, cháo và những thức ăn nấu mềm. Việc ăn của Hạnh thường lâu hơn, kì công hơn những đứa trẻ bình thường. Lớn hơn chút nữa, bố mẹ kiên trì nhai bón cho Hạnh tất cả thức ăn thô. Hạnh còn nhớ mãi cảm giác ngửi thấy mùi hạt lạc rang thơm phức, nhưng khi đưa vào miệng thì không thể nhai nuốt được vì hạt lạc cứng ngắc như viên sỏi.

Hạnh đi học tiểu học, trưa ăn cơm bán trú ở trường. Bố Hạnh phải đến trường trình bày với cô đầu bếp cho Hạnh ăn cơm mềm và cắt nhỏ thức ăn giúp Hạnh. Suốt 5 năm tiểu học, Hạnh luôn căng thẳng, lo lắng khi đến giờ ăn trưa, luôn có cảm giác nhai vội nhai vàng rồi nuốt, phải ăn đuổi cho bằng các bạn. Bởi thế, với Hạnh, chưa từng có được một bữa cơm nào thật sự ngon miệng. Cô còn thường xuyên bị đau dạ dày vì thức ăn không được nhai kỹ.

Bé thì khổ việc ăn, nhưng càng lớn lên, khi Hạnh bắt đầu có ý thức về ngoại hình của mình, thì việc ăn uống khó không khổ bằng những mặc cảm, tự ti về mái đầu trọc lóc và cái miệng không răng, nụ cười méo mó. Để tránh những ánh mắt dò xét, cười cợt của bạn bè, cả ngày Hạnh lúc nào cũng đội sùm sụp cái mũ và đeo khẩu trang.

Cô gái chẳng mấy khi nở nụ cười. Có người ác miệng thường nhìn Hạnh và thắc mắc "sao con bé lại dị dạng thế", hay là "bị ảnh hưởng chất độc da cam". Đầu óc non nớt của Hạnh bị ám ảnh bởi những cụm từ đó, Hạnh vừa khóc vừa hỏi bố. "Ngày mẹ con mang bầu con, có một đợt mẹ bị cúm. Có lẽ vì thế mà ảnh hưởng đến con…", bố ôm con gái vào lòng, thì thào mấy lời mà thương con đến thắt ruột.

Nụ cười thay đổi số phận của cô gái 27 năm không răng - 2
Hạnh lúc 5 tuổi với mái đầu trọc lóc và cái miệng không răng.

Không đành lòng với sự khiếm khuyết của con, bố mẹ Hạnh chắt chiu tiền bạc để đưa con đi khám ở nhiều bệnh viện lớn nhỏ. Tuy nhiên, hết lần này tới lần khác, câu trả lời hai bố con nhận được chỉ là "không răng bẩm sinh", "chưa mọc răng". Hay bị bạn bè trêu trọc nên cả ngày Hạnh rất ít khi cười. "Ai trêu thì kệ họ, con cứ cố gắng học tốt là chẳng ai bắt nạt được con", lời bố nói giúp Hạnh vững tin, bỏ ngoài tai tất cả mọi lời lẽ không hay chĩa vào mình. Cũng có những người bạn tốt hiểu hoàn cảnh, bệnh tình của Hạnh, nhờ thế Hạnh vẫn có bạn để chơi. Và đặc biệt, cô luôn nhủ lòng phải quyết tâm học để không ai coi thường mình. Kết quả học tập tốt của Hạnh khiến bố mẹ được an ủi phần nào. 

Hạnh đi đỗ cấp ba, bố mẹ vui lắm. Mẹ đưa Hạnh đi xăm lông mày, bố đưa cô đi làm răng giả tháo lắp để bù đắp phần nào cho con. Nhưng hàm răng giả chẳng giúp ích được gì cho Hạnh vì không có độ bám nên thường xuyên rơi ra. Học hết cấp 3, Hạnh thi và đỗ vào học Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội. Cũng bởi cô gái ước mơ được đi đây đó, được gặp gỡ nhiều người. "Em đã cố gắng, nỗ lực học tập và làm việc để khẳng định bản thân, để mọi người nhìn mình bằng ánh mắt khác. Nhưng khi đi xin việc, em mới nhận ra mọi thứ không hề đơn giản như em nghĩ. Dù nộp hồ sơ xin việc ở nhiều nơi, nhưng không một nơi nào chấp nhận, có lẽ tất cả đều do ngoại hình của em", Hạnh chia sẻ.

Từ bé đến giờ Hạnh luôn mặc định rằng do mẹ bị cúm nên Hạnh bị như vậy. "Chả nhẽ lại không có cách gì để thay đổi bản thân, mình cứ mãi phải chịu đựng như thế",  nghĩ thế nên cô không cam lòng. Hễ có chương trình giúp thay đổi ngoại hình nào được tổ chức, cô đều nộp hồ sơ tham gia nhưng tất cả đều bị từ chối với lí do tình trạng của Hạnh điều trị phức tạp, cần nhiều thiết bị hỗ trợ và thời gian phục hồi chậm. Hạnh luôn dằn vặt, rằng tại sao mình không có răng như bao người khác, tại sao mình lại là người dị biệt, sao ông trời bất công đến vậy. Khi mọi hy vọng trong Hạnh đều tắt ngúm thì cơ hội lại mở ra thật bất ngờ.

Tái sinh

Thời điểm tháng 6/2020, khi bạn bè, người thân gửi cho Hạnh hình ảnh những người không răng, không tóc giống cô, cô mới nhận ra rằng không chỉ mình cô mắc chứng bệnh này. Có cả người ở đất nước khác, và ở trong nước cũng có một số người bị như vậy. Hạnh bắt đầu tìm hiểu về bệnh trạng của mình và thấy rằng mình đã mắc phải căn bệnh cực kỳ hiếm gặp, đó là hội chứng loạn sản ngoại bì, dẫn đến tình trạng không răng, không tóc, không lông mày bẩm sinh. Rồi Hạnh đọc được bài báo về một người đàn ông bị bệnh giống mình ở Đồng Nai được Tiến sĩ, bác sĩ Võ Văn Nhân ở thành phố Hồ Chí Minh làm răng thành công. Hạnh có cảm giác bài báo đó khiến cô bừng tỉnh.

Nụ cười thay đổi số phận của cô gái 27 năm không răng - 3
Giờ đây, cuộc sống của Hạnh đã có nhiều thay đổi tích cực.

Trong đêm, cô ngồi viết email gửi tới bác sĩ Nhân: "Con đã từng muốn phó mặc cuộc đời mình vì xung quanh có quá nhiều thứ khiến con tự ti, mệt mỏi. Nhưng bây giờ, khi con viết mail để gửi cho bác, con nghĩ con sẽ có một cuộc đời mới giống hai anh chị đã được bác phẫu thuật cho ạ. Không muộn cũng chẳng sớm, con mong trường hợp của con sẽ "tái sinh", để con có một cuộc sống mới, kiếm được một công việc tốt có thể hỗ trợ gia đình về kinh tế".

00h43 phút ngày 13/6/2020, một bức email cho bác sĩ Nhân được Hạnh gửi đi, mang theo bao nhiêu hy vọng, cảm giác giây phút sắp có răng đang đến rất gần. Gửi thư đi, Hạnh hồi hộp, ngóng tin, lúc nào cũng check mail. Hai ngày sau, Hạnh nhận được phản hồi của bác sĩ Nhân, yêu cầu Hạnh chụp lại gương mặt, tình trạng không răng hiện tại. Sau khi xem xét bác sĩ Nhân đồng ý làm răng và tài trợ 100% chi phí cho Hạnh. Nhận tin đó, lúc đầu bố mẹ Hạnh không tin đó là sự thật. Hai mẹ con Hạnh cùng khóc vì mọi diễn biến như một giấc mơ.

Cuối tháng 7/2020, Hạnh một mình từ Hà Nội bay vào thành phố Hồ Chí Minh để thăm khám. Gặp bác sĩ Nhân, Hạnh khóc vì xúc động. Từ ngày tháng 11/2020 đến tháng 4/2021, một năm rưỡi đó là khoảng thời gian Hạnh được vị bác sĩ tốt bụng điều trị tận tình qua nhiều giai đoạn bằng những công nghệ tiên tiến nhất và phục hồi răng thành công cho Hạnh. Kết quả ngoài mong đợi, Hạnh đã có một hàm răng đẹp với khả năng nhai tốt. Sau 27 năm sống trong tự ti với những giọt nước mắt nhiều hơn nụ cười, giờ đây Hạnh cười nhiều vì hạnh phúc, mà khóc nhiều cũng vì hạnh phúc.

"Ngày trước, thỉnh thoảng em được bố chở đi ăn sáng, bao giờ bố cũng yêu cầu một bát phở thịt bò băm nhỏ cho em. Bây giờ, bố không phải làm điều ngoại lệ cho con gái nữa, bởi em đã là một người bình thường, em có thể "ăn cả thế giới". Em muốn được nhai chầm chậm tất cả những món ăn mà từ bé đến giờ em chưa được ăn, cảm nhận được thức ăn đang tan đi, chứ không phải là cảm giác nhai tếu táo bằng lợi rồi cố nuốt cho xong như trước kia", Hạnh vui vẻ chia sẻ. Ngày trước, mũ và khẩu trang là vật bất li thân với Hạnh. Giờ, cô không còn cần che kín gương mặt nữa, mà tự tin nói cười, chụp ảnh cùng bạn bè. Ngày trước, Hạnh hạn chế ra ngoài, tiếp xúc với mọi người, còn giờ cô muốn được gặp thật nhiều người để chia sẻ, để kết nối.

Trước, Hạnh tự ti nghĩ rằng cuộc sống của cô sẽ mãi quẩn quanh, tù túng. Nhưng giờ đây, Hạnh đã xa ngôi nhà, xa mảnh vườn trồng mai của bố ở làng đào Nhật Tân, vào sống trong TP Hồ Chí Minh và trở thành nhân viên của bác sĩ Nhân. Cô biết ơn vị ân nhân và muốn được truyền cảm hứng, nghị lực sống cho những bệnh nhân giống mình. Hạnh muốn có thêm nhiều người gặp may mắn giống Hạnh. Giờ, Hạnh không còn cô độc như trước nữa. Cô tham gia hội nhóm những người bị chứng bệnh như cô, để cùng sẻ chia, cùng nhau vượt qua mặc cảm, khó khăn. 

Theo Thái Hưng - Công an nhân dân