Nơi duy nhất đất Cảng không có người nhiễm HIV
(Dân trí) - Gần 6.200 bệnh nhân HIV còn sống được phát hiện tại 216 xã, phường của Hải Phòng. Chỉ có một xã chưa ghi nhận trường hợp mắc nào. Thành phố Cảng chấm dứt được lây nhiễm HIV ở người tiêm chích ma túy.
Mảnh đất bình yên nhất
Năm 2021, TP Hải Phòng phát hiện 151 trường hợp nhiễm HIV, nâng số người nhiễm còn sống lên 6.177. Số người mắc bệnh này có ở 14/15 quận, huyện của thành phố, riêng huyện đảo Bạch Long Vĩ hiện vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm nào.
Theo bác sĩ Nguyễn Duy Hùng - PGĐ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hải Phòng, 4 quận, huyện có số người nhiễm HIV nhiều nhất lần lượt là: Lê Chân, Thủy Nguyên, Ngô Quyền và Hồng Bàng.
"Qua điều tra kỹ càng, trong tổng số 217 xã, phường trên địa bàn thành phố có duy nhất xã Tây Hưng, huyện Tiên Lãng không có người nhiễm HIV", bác sĩ Hùng cho biết.
Thống kê năm 2021 cho thấy, dịch HIV/AIDS tại TP Hải Phòng giảm ở cả 3 tiêu chí: số nhiễm HIV, số chuyển AIDS và số tử vong. Đối tượng nhiễm HIV mới chiếm tỉ lệ cao nhất là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới với nam (MSM) với 34%, tiếp đến là nhóm vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm với 30%.
Từ năm 2009 - 2018, hình thái lây truyền HIV qua đường máu chiếm tỉ lệ cao nhất nhưng từ năm 2019 đến 2021 đã có sự thay đổi khi tỉ lệ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục không an toàn chiếm cao nhất.
Tính đến hết năm 2021, có 5.288 người nhiễm HIV đang được điều trị thuốc ARV. 85% bệnh nhân được làm xét nghiệm tải lượng virus định kỳ, trong đó gần 99% cho kết quả tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế. Tỷ lệ bệnh nhân nhiễm HIV đang quản lý tại cơ sở chăm sóc điều trị có thẻ BHYT đạt 98%.
Về chương trình điều trị Methadone, bác sĩ Hùng cho biết, tính đến tháng 12/2021 có 3.930 bệnh nhân điều trị tại 18 cơ sở, đạt hơn 85% chỉ tiêu, trong đó: ngành Y tế điều trị cho 2.780 người, số còn lại là ngành LĐTB & XH.
Theo bác sĩ Hùng, trong năm 2022, việc điều trị HIV và cung cấp thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) tập trung vào 5 yếu tố là: Mở rộng điều trị thuốc ARV, tăng độ bao phủ xét nghiệm tải lượng HIV, quản lý bệnh lao và điều trị lao tiềm ẩn, điều trị viêm gan C, tăng người sử dụng PrEP.
"Để việc tìm ca bệnh tại cộng đồng hiệu quả, cần nâng cao năng lực cho 18 nhóm cộng đồng trên địa bàn TP Hải Phòng, trong đó tập trung vào nhóm MSM và bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV. Bên cạnh đó, tập trung can thiệp cho công nhân các khu công nghiệp, sinh viên các trường ĐH, CĐ, tăng cường tiếp cận trực tuyến qua hình thức livestream, các ứng dụng hẹn hò online…", bác sĩ Hùng đề xuất.
Cắt đứt vòng xoáy
Tại Hội nghị Điều phối và Kết nối Các Dự án SCDI ở Hải Phòng diễn ra ngày 7/4, bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) đánh giá cao những thành công trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của TP Hải Phòng.
Theo bác sĩ Oanh, kết quả nghiên cứu cho thấy Hải Phòng đã chấm dứt được lây nhiễm HIV ở người tiêm chích ma túy. "Với những tín hiệu đáng mừng này, chúng tôi có nhiều thời gian hơn để tập trung giải quyết vào các mục tiêu khác, tiến tới chấm dứt viêm gan C, lao…", bác sĩ Oanh chia sẻ.
Lý giải về những thành công bước đầu này, bác sĩ Oanh cho biết, các cơ quan, ban ngành Hải Phòng làm việc không lòng vòng, rốt ráo giải quyết các công việc và đặc biệt là chủ động kéo các tổ chức cộng đồng như SCDI vào cuộc như một phần không thể thiếu trong bộ máy hành động.
Hiện SCDI đang triển khai một số dự án trên địa bàn TP Hải Phòng gồm: Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, dự án Quỹ toàn cầu phòng chống lao, dự án Cải thiện chăm sóc sức khỏe và hòa nhập xã hội cho người sử dụng ma túy, dự án "Bảo vệ tương lai", dự án "Cắt đứt vòng xoáy".
SCDI thực hiện các hoạt động can thiệp giảm tác hại thông qua kết nối các nhóm cộng đồng trên địa bàn toàn thành phố để tiếp cận tư vấn đối tượng có nguy cơ cao xét nghiệm HIV; cấp phát hơn 457.300 bơm kim tiêm, hơn 360.700 bao cao su, 200.000 gói chất bôi trơn, hơn 2600 hộp an toàn, chuyển tiếp điều trị ARV khi kết quả khẳng định HIV dương tính, điều trị PrEP khi kết quả HIV âm tính…
Trong thời gian qua, SCDI đã có sự kết hợp chặt chẽ và phối hợp linh động với các ban ngành và các nhóm cộng đồng dày dặn kinh nghiệm, đa dạng các dịch vụ sẵn có trên địa bàn, nhờ đó hoạt động được triển khai và đạt kết quả tốt dù gặp nhiều khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19.