Noel ngập tràn tiếng cười của những "người cô đơn"
(Dân trí) - 20 cụ già ở Viện dưỡng lão tình thương Vinh Sơn phải mất 4 tháng để tập các bài hát cho buổi văn nghệ chào mừng Giáng sinh. Có cụ, vì đãng trí nên quên lời khiến khán giả vừa buồn cười, vừa thương.
Những tháng ngày vui vẻ
Dưới tiết se lạnh buổi sáng ngày Noel, 20 cụ già ở Viện dưỡng lão tình thương Vinh Sơn (quận Bình Thạnh, TPHCM) thay phiên nhau trình diễn hơn 10 tiết mục đặc sắc, khán giả ở dưới thi nhau reo hò cổ vũ. 20 cụ đều đã trên 65 tuổi, người thì đãng trí, người thì loạn ngôn ngữ… phải dành 4 tháng để tập cho các tiết mục văn nghệ hôm nay.
Các cụ có mỗi người một phong cách trình diễn, thời trang khác nhau. Nhiều cụ xúng xính váy hoa, trang điểm nhẹ nhàng, nhưng cũng có cụ yêu nét truyền thống, diện bộ áo dài rực rỡ.
Theo đại diện Viện dưỡng lão, trong suốt 4 tháng qua, các cụ phải trải qua không ít vất vả để có thể hoàn thành các tiết mục hôm nay. Khó khăn nhất chính là nhớ lời bài hát, bởi phần lớn các cụ đều mắc bệnh đãng trí, sức khỏe không cho phép tập luyện quá lâu.
Mỗi năm, Viện lại tổ chức một vài chương trình văn nghệ để các cụ được vui chơi, hòa nhập với cộng đồng. Nhiều cụ rơi vào trầm cảm, tủi thân, cũng nhờ vào những hoạt động này mà thoát ra được vòng tròn cô độc. Các cụ trở nên hoạt bát, vui vẻ hơn, trí nhớ cũng cải thiện không ít so với trước.
Thưởng thức các màn trình diễn đơn sơ, cụ Huỳnh (80 tuổi) lần đầu mỉm cười sau khoảng thời gian rơi vào trầm cảm. Thông thường, cụ Huỳnh ít nói, chỉ lầm lì ăn xong rồi ngồi thơ thẩn một mình. Qua buổi văn nghệ hôm nay, cụ trở nên tươi tắn hơn, bày tỏ cảm xúc bằng vài câu nói gãy gọn: "Tôi thấy rất vui. Tôi thấy sức khỏe mình được cải thiện nhiều lắm".
Bà Hứa Thị Bích Thủy (65 tuổi, ngụ Hà Nội) cho biết, chị chồng của bà là một người thường xuyên tham gia vào các hoạt động thiện nguyện. Sau nhiều lần chần chừ, cô Thủy cùng con gái theo chị chồng vào TPHCM, đến thăm Viện dưỡng lão Vinh Sơn. Thấy hình ảnh các cụ già neo đơn, phải nương tựa vào nhau làm chỗ dựa tinh thần, cô Thủy không kiềm được nước mắt.
"Nhìn các cụ thế này tôi xót lắm, thương lắm. Chỉ mong muốn có thể dùng hết sức giúp đỡ, động viên các cụ khi không có gia đình ở bên. Lần đầu tiên được xem những người mẹ, người bà dù thiếu thốn tình cảm nhưng lại có giọng hát ấm áp đến vậy", bà Thủy xúc động.
Vô vàn khó khăn
Viện dưỡng lão được ví như "xã hội thu nhỏ", trong đó, có cụ từng là tiến sĩ, giáo viên, bán vé số,… đủ các loại nghề nghiệp. Dù trước đây ở địa vị cao cách mấy, giờ họ phải trở về với thực tại rằng họ không còn gia đình, chỉ còn những người bạn đồng hoàn cảnh.
Được thành lập từ năm 1997, đến nay Viện hiện có 102 cụ bà neo đơn, sống nương tựa vào sự chăm sóc của các Sơ và giáo dân xung quanh. Tại đây, một nửa các cụ bị liệt phải nằm một chỗ, không ít người mắc bệnh đãng trí và các bệnh nan y khác. Dù số lượng đông, các Sơ vẫn cố gắng giữ không gian sạch sẽ, nấu ăn thật ngon và chăm sóc tận tâm cho đến khi các cụ qua đời.
Không những vậy, để tránh các cụ chịu cảm giác cô đơn, nhớ gia đình hay tủi thân rồi trầm cảm, các Sơ thường chủ động bắt chuyện, gợi nhớ những ký ức đẹp ngày xưa để các cụ vui vẻ hơn. Qua đó, nhiều cụ cũng lấy lại được trí nhớ, giao tiếp cũng khá hơn.
Tưởng như phải vất vả, lang thang "đầu đường xó chợ", không ít cụ cảm thấy biết ơn khi được Viện đưa về chăm sóc. Các cụ tự bầu bạn với nhau, kể cho nhau nghe những câu chuyện chỉ còn là ký ức. Có cụ còn thích nói "giá như", "giá như có con tôi ở đây, tôi sẽ…".
Đại diện Viện dưỡng lão Vinh Sơn cho biết, hiện trung tâm đang gặp khá nhiều khó khăn về kinh phí duy trì, tu dưỡng cơ sở vật chất. Thực tế, chi phí hoạt động, lương thực, thực phẩm hầu như nhờ vào sự đóng góp của các mạnh thường quân.
"Hiện tại chúng tôi phải lo kinh phí sửa lại phần mái tôn để đỡ dột, các cụ yên tâm ngủ hơn. Ngoài ra, tôi cũng trăn trở những thiết bị y tế ở Viện vẫn còn kém. Mỗi khi các cụ bị bệnh, phải đưa đi bệnh viện, nhưng vì các cụ không có bảo hiểm hay giấy tờ gì, nên viện phí rất tốn kém", vị này thở dài.