1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Những hỗ trợ chưa có tiền lệ vào lúc "một miếng khi đói, một gói khi no"…

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - "Cửa hàng phải đóng cửa 3 lần trong năm do Covid-19. Thu nhập không có, con nhỏ lại sắp đi học. Món tiền hỗ trợ thực sự đã đến đúng lúc với gia đình tôi", chị Lê Thị Hiền nói.

Chị Lê Thị Hiền là chủ cửa hàng cắt tóc bình dân ở quận Hà Đông (Hà Nội) được nhận hỗ trợ từ gói an sinh trị giá 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68/NQ-CP.

Không để ai cô độc trong khó khăn…

Cuối tháng 7/2021, Hà Nội bước vào đợt giãn cách mới theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tại nhiều tuyến đường ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, nhiều dãy hàng quán đóng cửa im lìm. Cửa hàng cắt tóc bình dân của vợ chồng chị Lê Thị Hiền cũng nằm trong số đó.

Không có thu nhập, vợ chồng anh chị phải chạy vạy khắp nơi để lo trả 5 triệu đồng tiền thuê cửa hàng mỗi tháng. "Những tháng hoạt động đều, cửa hàng thu về từ 300.000-400.000 đồng/ngày. Do Covid-19, chúng tôi tạm dừng hoạt động hơn 2 tháng, vợ chồng lo lắng không tìm ra nguồn thu", chị Lê Thị Hiền kể lại. 

Tiếp nhận món tiền hỗ trợ theo diện lao động tự do (một nhóm đối tượng được hỗ trợ từ gói an sinh 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68/NĐ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ) từ UBND phường Kiến Hưng, chị Lê Thị Hiền rất vui mừng vì số tiền 3 triệu đồng giúp vợ chồng chị đỡ lo một phần cho khoản học phí đầu năm học của 2 con.

Những hỗ trợ chưa có tiền lệ vào lúc một miếng khi đói, một gói khi no… - 1

Gia đình chị Lê Thị Hiền nhận hỗ trợ từ UBND phường Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Mạnh).

Cũng gặp cảnh nhiều tháng mất việc vì Covid-19, nhưng anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1993, ngụ tại quận Phú Nhuận) còn gặp khó khăn hơn vì phải nuôi mẹ già và con nhỏ. Thất nghiệp nhiều tháng, anh còn gặp khó khăn trong tìm các nguồn hỗ trợ khác cho cuộc sống. Đầu tháng 9, người công nhân này trút được một phần gánh nặng, áp lực khi nhận khoản hỗ trợ đợt 3 của UBND TPHCM. 

"Tôi thấy vui vì trong lúc khốn khó không bị cô độc. Chính quyền vẫn nhớ tới gia đình chúng tôi. Đặc biệt, cán bộ cùng phường với Tổ công tác đặc biệt của Bộ LĐ-TB&XH còn tới trao tận nhà khoản tiền hỗ trợ…", anh Nguyễn Văn Tuấn nói.

Không chỉ bằng tiền mặt hay hiện vật, sự hỗ trợ còn tới bằng đường… tin nhắn. Tuần đầu tháng 10, chị Hồ Thị Minh Hiếu, kế toán trưởng Hợp tác xã ô tô Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) bất ngờ thấy có tin nhắn báo tài khoản được cộng thêm 3,3 triệu đồng. 

Tới lúc đó, chị Hồ Thị Minh Hiếu mới biết mình thuộc danh sách hơn 200 người lao động đầu tiên ở Đà Nẵng được nhận hỗ trợ đợt đầu tiên từ gói an sinh 38.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 116/NĐ-CP ngày 1/10/2021 của Chính phủ. "Thấy tin nhắn tiền hỗ trợ về tài khoản, tôi bất ngờ, vui mừng lắm. Bây giờ, tôi thêm hiểu về lợi ích khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp", chị Hiếu nói.

Ba câu chuyện trên chỉ là những nét điểm xuyết cho hàng triệu cảnh đời được phản ánh trong chuỗi hoạt động triển khai việc thực hiện các chính sách an sinh theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116.

Đây là những chính sách được ban hành theo hướng đề xuất, tham mưu của Bộ LĐ-TB&XH, nhằm hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và người dân gặp khó khăn do Covid-19 từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau. Những chính sách, những gói hỗ trợ này chưa có tiền lệ được xây dựng với mục đích "tiếp sức" cho người dân trong tình trạng khẩn cấp, để không ai phải cô độc khi gặp khó khăn trong cơn đại dịch lịch sử.

Những hỗ trợ chưa có tiền lệ vào lúc một miếng khi đói, một gói khi no… - 2

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi (bìa phải) thăm hỏi lao động tự do gặp khó khăn ở Hậu Giang (Ảnh: Hữu Khoa).

Hỗ trợ để ai ở đâu thì ở yên đó

Qua 6 tháng triển khai đã thấy rõ nét hiệu quả của các chính sách "cấp cứu" với người dân. Rút kinh nghiệm của việc triển khai Nghị quyết 42 năm 2020, Nghị quyết 68 ra đời vào giữa năm 2021 với 12 nhóm chính sách, được đánh giá là có sự tiết giảm tối đa các điều kiện, thủ tục, rút ngắn về thời gian hỗ trợ để người sử dụng lao động và người lao động dễ dàng tiếp cận, thụ hưởng.

Đặc biệt là đối với nhóm lao động tự do và đối tượng đặc thù bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, Chính phủ quy định mức sàn tối thiểu và giao các địa phương chủ động quy định tiêu chí, tạo sự linh hoạt, phù hợp với đặc điểm của địa phương. Do vậy, chính sách đã hỗ trợ được số lượng lớn các đối tượng thụ hưởng.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tới cuối tháng 12/2021, cả nước đã có 27,8 triệu lượt đối tượng được nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng của Nghị quyết 68, gồm: Hơn 378.000 lượt đơn vị sử dụng lao động, hơn 27,4 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác…

Nhiều địa phương đã có cách làm chủ động sáng tạo và mở rộng các đối tượng như Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Quảng Nam, Cần Thơ…

Đặc biệt, TPHCM đã chủ động triển khai 3 gói hỗ trợ thiết thực cho người dân thành nhiều đợt với tổng kinh phí khoảng gần 12.000 tỷ đồng, triển khai hàng triệu "túi an sinh xã hội", nhằm thực hiện mục tiêu đảm bảo người dân có mức sống tối thiểu, không bị thiếu đói, qua đó giúp người dân yên tâm thực hiện nguyên tắc "ai ở đâu, ở yên ở đó". 

Bên cạnh đó, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với 46 tỉnh, thành phố hỗ trợ 14,68 tỷ đồng cho 3.321 trẻ em mồ côi mất cha, mẹ do Covid-19 và 481 trẻ em sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19.

Với gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 116, thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, hết tháng 11, ngành đã cơ bản hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng cho 363.600 đơn vị sử dụng lao động, giải quyết hưởng hỗ trợ cho hơn 12,4 triệu lao động đang và đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Chính sách của Nghị quyết 116 vừa đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng và vừa có sự chia sẻ rủi ro. Qua đó thể hiện vai trò "giá đỡ" của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động và người lao động. 

"Chiếc cầu bắc qua dòng nước siết…"

Theo ông André Gama, phụ trách chương trình về An sinh xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, Nghị quyết 68 được Chính phủ Việt Nam ban hành đã đem lại hiệu quả tốt, cung cấp các giải pháp kịp thời nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Những hỗ trợ chưa có tiền lệ vào lúc một miếng khi đói, một gói khi no… - 3

Tin nhắn về tài khoản thông báo người lao động đã nhận được tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. (Ảnh: Hoàng Mạnh).

Cũng theo ông André Gama, việc mở rộng độ bao phủ và tăng cường hiệu quả từ gói an sinh này được cụ thể hóa bằng cách thêm các nhóm lao động được nhận hỗ trợ, giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính. 

Tuy nhiên, vị chuyên gia quốc tế này cho rằng, người dân Việt Nam không nên nhìn nhận các gói hỗ trợ kinh tế như Nghị quyết số 68 ở khía cạnh chi phí. "Thay vào đó, người dân nên coi đó là sự đầu tư - là "chiếc cầu bắc qua dòng nước siết" nhằm giúp bình ổn nền kinh tế, giúp các gia đình không bị rơi vào nghèo khó, giúp đất nước hồi phục nhanh và mạnh mẽ hơn từ cơn bão Covid-19", ông André Gama nói.

"Tác động của chính sách khẳng định sức mạnh đoàn kết của dân tộc, sự chia sẻ của Nhân dân, đem lại niềm tin đối với Đảng, Nhà nước trong công cuộc phòng chống dịch bệnh và phục hồi, tăng trưởng kinh tế..." - Ông Bùi Sỹ Lợi đánh giá.

Đồng quan điểm khi đánh giá về ý nghĩa của các chính sách an sinh nêu trên, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm UB Xã hội của Quốc hội - nhận định, hiệu quả của chính sách đã tác động tốt tới việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và người lao động. Qua đó nhằm thực hiện "mục tiêu kép" vừa khống chế, ngăn chặn đại dịch và phục hồi, phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống và an toàn cho người dân. 

Bên cạnh đó, ông Bùi Sỹ Lợi lưu ý, bài học qua đại dịch Covid-19 cho thấy vai trò quan trọng của hệ thống an sinh xã hội là bảo đảm an toàn cho người dân trong điều kiện biến động về kinh tế - xã hội. 

Đứng từ góc độ đại diện người lao động, ông Phan Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam - cũng đánh giá cao ý nghĩa của việc ra đời các chính sách nhằm hướng tới các đối tượng gặp khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành.

Theo đó, với sự đa dạng của các nhóm chính sách hỗ trợ với nguồn lực từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và Quỹ Bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp, hàng chục triệu người lao động trong cả nước đã được hưởng lợi. Đồng thời, nhiều nhóm chính sách không chỉ có hiệu lực trong năm 2021 mà còn kéo dài tới năm 2022, qua đó tạo điều kiện để người lao động có thêm cơ hội được trợ giúp, vượt qua khó khăn.